Giao dịch chứng khoán sáng 9/7: Dòng tiền suy yếu, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến thị trường tiếp tục mất điểm trong phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 9/7 với thanh khoản thấp.
Giao dịch chứng khoán sáng 9/7: Dòng tiền suy yếu, thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ

Phiên hồi phục khá mạnh ngày 7/7 chưa đủ sức để sốc lại tinh thần nhà đầu tư sau cú lao dốc mạnh của phiên trước đó và chỉ mang tính kỹ thuật khi thị trường nhanh chóng quay lại đà giảm điểm trong phiên giao dịch hôm qua ngày 8/7. Thêm một cây nến đỏ xuất hiện trên đồ thị kỹ thuật của VN-Index khiến hầu hết giới phân tích đều cho rằng thị trường đã xác nhận một xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Dự báo trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/7, theo Asean Securities, VN-Index có thể sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.360-1.370 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.340-1.350 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.

Thị trường vẫn sẽ duy trì sự thận trọng trong ngắn hạn cho đến khi VN-Index có thể vượt qua mốc 1.400 điểm khi đóng cửa.

Không nằm ngoài dự báo trên, bước vào phiên giao dịch sáng 9/7, thị trường tiếp tục diễn biến khá tiêu cực khi sắc đỏ bao trùm bảng điện tử ngay khi mở cửa. Bên cạnh hàng trăm mã giảm điểm, nhóm VN30 vẫn chưa thấy tín hiệu hồi phục khiến VN-Index lùi về sát mốc 1.360 điểm.

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bluechip dần lấy lại thăng bằng và hồi phục, trong đó dòng bank cũng có những tín hiệu tích cực hơn khi xuất hiện thêm nhiều điểm xanh, đã giúp thị trường bật ngược đi lên.

Chỉ số VN-Index dần thu hẹp biên độ giảm và tiến về sát mốc tham chiếu sau khoảng 80 phút giao dịch. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý chính là thanh khoản thị trường chưa có dấu hiệu cải thiện và tiếp tục sụt giảm trước tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.

Thị trường tiếp tục trở lại với trạng thái kéo xả khi những nhịp phục hồi là cơ hội để nhà đầu tư xả hàng. Chỉ số VN-Index nhanh chóng quay đầu ngay khi áp sát mốc tham chiếu do lực bán gia tăng.

Trên sàn HOSE, trong khi số mã giảm đang gấp đôi số mã tăng, thì ở nhóm VN30 cũng trong trạng thái tương tự. Trong đó, dòng bank cũng chùng lại khi hầu hết đều trở lại mốc tham chiếu hoặc giá đỏ, ngoại trừ một số mã TCB, TPB, VIB, LPB nhích nhẹ.

Điểm đáng chú ý chính là MWG. Sau thông tin trả cổ tức và chia thưởng với tổng tỷ lệ 60%, cổ phiếu MWG đã liên tục tăng mạnh đi ngược xu hướng chúng của thị trường. Hiện MWG đang đứng tại mức giá 176.300 đồng/CP, tương ứng tăng gần 14% chỉ trong 3 phiên giao dịch gần đây.

Lực bán vẫn khá lớn và lan rộng thị trường khiến VN-Index gặp khó tại ngưỡng kháng cự 1.370 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 110 mã tăng và 239 mã giảm, VN-Index giảm 7,8 điểm (-0,2573%), xuống 1.366,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 319,67 triệu đơn vị, giá trị 11.646 tỷ đồng, tăng 10,4% về khối lượng và hơn 9% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, riêng nhóm VN30 chiếm tới gần 60% tổng giá trị giao dịch.

Ở nhóm cổ phiếu bluechip, sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo với 20 mã giảm và chỉ 7 mã tăng. Trong đó, các mã tăng gồm FPT, GAS, MSN, MWG, PNJ, TCB, TPB với biên độ khá hẹp, với MWG vẫn có mức tăng lớn nhất là 2,3% và tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 176.500 đồng/CP.

Tiếp theo là cổ phiếu TCB tăng 1,9% và tạm dừng phiên sáng tại mức giá 57.700 đồng/CP, đây cũng là mã tăng tốt của dòng bank trong phiên sáng nay, đồng thời cũng là mã giao dịch tốt nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt 20,13 triệu đơn vị.

Ngoài TCB, chỉ còn 2 mã khác trong nhóm ngân hàng là TPB và VIB giữ được sắc xanh với mức tăng tương ứng 0,8% và 3,9% lên 38.050 đồng/CP và 53.400 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL tiếp tục đón thêm 1 phiên giảm sâu dù mở cửa đã có nhịp hồi nhẹ. Chốt phiên, NVL giảm 4,3% xuống mức 106.000 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã lớn khác cũng gia tăng sức ép lên thị trường như BID, VIC, VNM đều giảm hơn 1%, VCB giảm 2,3% xuống mức thấp nhất trong phiên 108.500 đồng/CP, VRE giảm 2,2% xuống 29.250 đồng/CP.

Như đã nói ở trên, thanh khoản vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bên cạnh TCB dẫn đầu, cặp đôi STB và MBB đứng ở vị trí tiếp theo với khối lượng khớp lệnh đạt 17,32 triệu đơn vị và xấp xỉ 15 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu VPB cũng có thanh khoản vượt xa 10 triệu đơn vị, đạt hơn 13,4 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo. Trong đó, cặp đôi nhà FLC tiếp tục lùi sâu, cụ thể ROS giảm 3,9% xuống mức 5.360 đồng/CP và khớp 10,3 triệu đơn vị, còn FLC giảm 2,5% xuống 11.500 đồng/CP và khớp hơn 8 triệu đơn vị.

Đáng chú ý là cổ phiếu MHC bất ngờ tăng kịch trần và trắng bên bán ngay đầu phiên. Hiện MHC tăng 6,7% lên mức giá trần 11.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 2,37 triệu đơn vị và dư mua trần 1,17 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường biến động giằng co mạnh khiến chỉ số HNX-Index liên tục lên xuống quanh mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 64 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index tăng 0,4 điểm (+0,13%) lên 316,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 43 triệu đơn vị, giá trị 1.028,68 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,6 triệu đơn vị, giá trị 14,11 tỷ đồng.

Lực đỡ thị trường đến từ một số cổ phiếu lớn như THD tăng 1% lên 207.800 đồng/CP, SHB tăng 1,1% lên 28.400 đồng/CP, NTP tăng 1,6% lên 51.000 đồng/CP, MBS tăng 0,6% lên 34.100 đồng/CP…

Trái lại, các mã NVB, PVS, VCS, CEO, VND… giảm nhẹ trên dưới 1%, BVS giảm 3,9% xuống 29.200 đồng/CP, DTK giảm 4,3% xuống 11.000 đồng/CP…

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX gồm SHB khớp 7,41 triệu đơn vị, PVS khớp 5,85 triệu đơn vị, VND khớp hơn 3 triệu đơn vị, SHS khớp 2,66 triệu đơn vị, NVB khớp 1,86 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau thời gian ngắn rung lắc đầu phiên, thị trường đã quay đầu và dần nới rộng biên độ giảm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,56 điểm (-0,63%), xuống 87,93 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,23 triệu đơn vị, giá trị 618,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,75 triệu đơn vị, giá trị 20,41 tỷ đồng.

Cổ phiếu dầu khí BSR có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá 17.900 đồng/CP, giảm 2,7%, nhưng vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường với 7,67 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là VGT khớp 5,84 triệu đơn vị nhưng cổ phiếu này cũng đón nhận phiên giảm thứ 5 liên tiếp, chốt phiên sáng nay giảm 7,1% về mức 16.900 đồng/CP. Tính chung trong 5 phiên, VGT đã giảm 15,5%.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ