Kể từ sau khi thiết lập được mức đáy quanh 1.140 điểm vào đầu tháng 7/2022, thị trường đã có liên tiếp 4 tuần hồi phục và hiện đã vượt qua được ngưỡng 1.250 điểm.
Trong phiên giao dịch cuối tuần qua ngày 5/8, dù thị trường kết phiên trong sắc đỏ nhưng lực cầu hoạt động tích cực đã giúp VN-Index thu hẹp đà giảm đáng kể và hình thành một cây nến “bullish pin bar”.
Điều đáng nói là dòng tiền đang có dấu hiệu tham gia sôi động hơn và hiện đã vượt qua được mức trung bình 20 tuần gần nhất, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã phần nào được cải thiện.
Với những tín hiệu này, thị trường được dự báo vẫn còn cơ hội để tăng giá và hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.260 – 1.285 điểm trong những phiên giao dịch tới.
Ở thị trường quốc tế, báo cáo việc làm của Mỹ cuối tuần qua với những dữ liệu tích cực như trong tháng 7 đã bổ sung thêm 528.000 việc làm mới, xua tan mọi đồn đoán về một sự sụt giảm. Tuy nhiên, thông tin này không hỗ trợ cho chứng khoán quốc tế tăng vọt. Các chỉ số chính của phố Wall đã có phiên giao dịch trái chiều.
Quay trở lại diễn biến thị trường trong phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 8/8, dòng tiền có chút thận trọng đầu phiên sau đợt hồi phục khá tích cực. Chỉ số VN-Index tiếp tục trong trạng thái lình xình giằng co nhẹ, thậm chí có thời điểm điều chỉnh nhẹ trước áp lực đến từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, trên bảng điện tử, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế và nhóm bluechip cũng không nằm ngoài xu hướng chung, nhưng việc thiếu nhóm cổ phiếu trụ cột dẫn dắt khiến chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ trên mốc tham chiếu.
Các nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, thép vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với các mã HPG, VND, SSI khớp lệnh trên 10 triệu đơn vị. Tuy nhiên, diễn biến chung của các nhóm ngành là phân hóa.
Trong đó, sau phiên tăng tốc đi ngược xu hướng chung của thị trường trong ngày cuối tuần trước, nhiều cổ phiếu lớn trong nhóm chứng khoán như VND, SSI, HCM, VCI đã gặp áp lực chốt lời và rung lắc, thậm chí quay đầu điều chỉnh nhẹ.
Thị trường duy trì trạng thái lình xình tăng nhẹ trên mốc tham chiếu trong hơn nửa cuối phiên sáng với thanh khoản cải thiện nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 235 mã tăng và 193 mã giảm, VN-Index tăng 3,1 điểm (+0,25%) lên 1.255,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 363 triệu đơn vị, giá trị 8.178 tỷ đồng, tăng 9,26% về khối lượng và 5,82% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 5/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,6 triệu đơn vị, giá trị 860,3 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa với 14 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, cổ phiếu tăng tốt nhất là TCB chốt phiên sáng tăng 2,3% lên mức 39.300 đồng/CP, GVR tăng 1,8% lên 25.200 đồng/CP, PLX tăng 1,3% lên 42.200 đồng/CP, HPG tăng 1,1% lên 23.550 đồng/CP, còn lại chỉ tăng dưới 1%.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau chuỗi 6 phiên tăng điểm liên tiếp, cổ phiếu HAG đã gặp áp lực chốt lời và có thời điểm giảm sâu về gần giá sàn. Tạm chốt phiên sáng nay, HAG giảm 3,2% xuống 12.050 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu, đạt 25,16 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, các mã giao dịch dưới mốc tham chiếu với biên độ không lớn, đều chưa tới 1%, với VJC giảm sâu nhất khi để mất 0,9%, tạm đứng ở mức giá thấp nhất trong phiên 125.300 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu thủy sản đã có phiên hồi phục tích cực và nhóm tăng điểm mạnh nhất thị trường. Cụ thể, ACL và ANV cùng tăng hơn 4%, IDI tăng 3,3%, CMX và VHC cùng tăng 2,3%...
Bên cạnh đó, các cổ phiếu nhóm điện cũng ghi nhận phiên khởi sắc với EMC tăng 4,9%, PGV tăng 4,4%, DRL tăng 5,3%, GEX tăng 4%, SBA và VSH cùng tăng hơn 1%...
Tuy nhiên, các nhóm cổ phiếu trụ cột như ngân hàng và chứng khoán lại diễn biến phân hóa. Trong đó, ở nhóm ngân hàng, ngoài TCB tăng tốt nhất ngày và VPB tăng 1%, còn VCB, VIB, SSB, STB, SHB, HDB, OCB tăng trên dưới 0,5%; thì BID, MBB, ACB, MSB, EIB, TPB điều chỉnh nhẹ.
Ở nhóm chứng khoán, trong khi HCM, VCI, FTS, SHS… quay đầu điều chỉnh, SSI rung lắc và chốt phiên ở mốc tham chiếu. Trong đó, VND và SSI vẫn là các mã giao dịch sôi động nhất của ngành và tiếp tục thuộc top 5 thanh khoản cao nhất thị trường, đạt trên dưới 13 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu đáng chú ý của nhóm là VIX. Dù không còn giữ được sắc tím nhưng có thời điểm mã tăng cũng tăng vọt sát giá trần và chốt phiên tăng 3,1% lên mức 13.200 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt 10 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu thép cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Trong khi HPG đã hồi phục sắc xanh sau phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước khi chốt phiên tăng 1,1% lên 23.550 đồng/CP và tiếp tục là mã có thanh khoản tốt nhất ngành, đạt 17,76 triệu đơn vị; thì HSG điều chỉnh nhẹ với mức giảm 0,2%, NKG tăng nhẹ 0,7%, TLH đứng giá tham chiếu.
Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ nhiệt về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 94 mã tăng và 90 mã giảm, HNX-Index tăng 1,46 điểm (+0,49%) lên 301,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,17 triệu đơn vị, giá trị gần 996 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần nửa triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 34,7 tỷ đồng.
Cặp đôi họ Licogi dẫn đầu đà tăng điểm trong nhóm HNX30. Cụ thể, L14 tăng 6,9% lên 128.500 đồng/CP, còn L18 tăng 5,5% lên 36.700 đồng/CP.
Cổ phiếu đáng chú ý là HUT tiếp tục hồi phục về vùng đỉnh của 2 tháng. Tạm chốt phiên sáng nay, HUT tăng 3,6% lên mức 31.400 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,21 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số mã đáng chú ý khác trong nhóm HNX30 cũng giao dịch khởi sắc như PVS tăng 2,5% lên 24.800 đồng/CP, CEO tăng 1,5% lên 34.800 đồng/CP, LAS tăng 4,5% lên mức giá cao nhất trong phiên 13.900 đồng/CP, các mã khác như THD, TNG tăng nhẹ.
Trái lại, cổ phiếu LHC giảm sâu nhất trong rổ này khi để mất 5,1% xuống mức 64.500 đồng/Cp, còn lại chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%.
Cổ phiếu chứng khoán SHS cũng đảo chiều giảm 0,7% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 14.500 đồng/CP và là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt xấp xỉ 6,5 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù có chút rung lắc giữa phiên nhưng thị trường đã lấy lại đà tăng nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,26 điểm (+0,28%) lên 91,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 24,6 triệu đơn vị, giá trị 395,98 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần nửa triệu đơn vị, giá trị 20,57 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR chốt phiên tăng 2,1% lên 24.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 4 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là SBS khớp hơn 2,5 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 1% lên 10.500 đồng/CP.
Các mã đáng chú ý khác là VHG tăng 2,4% lên 4.300 đồng/CP, C4G tăng 3,1% lên 13.300 đồng/CP, PAS tăng 1,1% lên 9.100 đồng/CP, VGI giảm 2,2% xuống 31.300 đồng/Cp, với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.