Thị trường đã có phiên 7/7 hồi phục sau 3 phiên giảm mất điểm liên tiếp, tuy nhiên thanh khoản sụt giảm mạnh và nếu tính trên khối lượng khớp lệnh thì đây là phiên có thanh khoản thấp nhất kể từ cuối năm 2020 đến nay.
Về kỹ thuật, phiên hồi hôm qua là chưa đủ dấu hiệu cho thấy xu hướng giảm đã đảo chiều, nhưng triển vọng hồi phục sẽ được củng cố, trong bối cảnh chứng khoán thế giới đã tăng liền 3 phiên và các kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp niêm yết đang dần lộ diện.
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 8/7, dòng tiền vẫn tham gia khá dè dặt nhưng với sắc xanh chiếm chủ đạo trên thị trường, chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch khởi sắc.
Trong khi hầu hết các nhóm ngành đều tăng dù biên độ tăng khá hẹp, thì điểm thiếu tích cực chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường lại diễn biến lình xình dưới mốc tham chiếu, đã khiến VN-Index chỉ duy trì đà tăng nhẹ trên ngưỡng 1.170 điểm.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bất động sản đang là điểm sáng nổi bật trên thị trường. Hàng loạt mã vừa và nhỏ đua nhau tăng trần như VCG, HDC, NBB, VPH, CTI, CII, FCN, TCH, LCG…
Sau khoảng 1 giờ giao dịch, sắc tím đang lan rộng hơn trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, tiếp thêm động lực giúp VN-Index nới rộng biên độ tăng. Tuy nhiên, điều đáng ngại vẫn là thanh khoản thị trường khá yếu, bởi mỗi khi đà tăng chững lại áp lực cung ngay lập tức xuất hiện trở lại đẩy thị trường giảm nhanh do mất cân đối cung cầu như thường thấy.
Sau khi vừa vượt qua ngưỡng 1.175 điểm, VN-Index đã bị đẩy lùi trở lại do chịu áp lực từ các mã lớn, đóng cửa chỉ giữ sắc xanh nhạt dù số mã tăng gấp hơn 2,5 lần số mã giảm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 3,64 điểm (+0,31%), lên 1.170,12 điểm với 299 mã tăng, trong đó có 12 mã trần, trong khi chỉ có 115 mã giảm, trong đó chỉ có 3 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 288,8 triệu đơn vị, giá trị 6.322,8 tỷ đồng, tăng mạnh 33,5% về khối lượng và 31,6% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,7 triệu đơn vị, giá trị 596,6 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản, xây lắp vẫn rực sáng với sắc tím tại HDC lên 36.800 đồng, NBB lên 16.900 đồng, DIG lên 38.450 đồng, VPH lên 7.320 đồng, công ty liên quan tới NBB là CII cũng tăng trần lên 18.100 đồng. Ngoài ra, các mã tăng hơn 6% có DXG, FCN, VCG, SCR, SZC, cùng hàng loạt mã khác tăng từ hơn 3% đến hơn 5%.
Nhóm chứng khoán dù không có sắc tím nào, nhưng cũng có phiên giao dịch tích cực với toàn bộ tăng giá, trong đó SSI là mã tăng mạnh nhất 6,3% lên 20.300 đồng. Các mã lớn khác trong nhóm là VCI tăng 4,6% lên 37.350 đồng, VND tăng 4,2% lên 18.450 đồng, HCM tăng 3,4% lên 24.200 đồng.
Nhóm thép cũng trở lại đầy tích cực với HPG tăng 3,2% lên 22.450 đồng, NKG tăng 3,5% lên 19.050 đồng và tăng mạnh nhất là HSG tăng 4,6% lên 18.100 đồng.
Nhóm dầu khí cũng đã hồi trở lại sau khi bị chốt lời mạnh trong những phiên vừa qua, trong đó GAS hồi 1,8% lên 95.800 đồng, PVD tăng 4% lên 15.600 đồng.
Tuy nhiên, nhóm ngân hàng lại yếu đà khi chỉ có 7 sắc xanh nhạt với mức tăng chủ yếu dưới 1%, chỉ duy nhất SHB tăng 1,5% lên 13.650 đồng. Trong nhóm giảm, đáng chú ý là mã đầu ngành VCB giảm mạnh nhất khi mất 1,7% xuống 74.200 đồng, tiếp đến là một “anh đại” khác là BID giảm 1,4% xuống 35.800 đồng. Các mã khác chỉ giảm dưới 0,5%. Riêng VCB và BID đã lấy đi của VN-Index gần 2,2 điểm.
Ngoài các mã này, một số mã bluechip khác cũng gây sức ép nặng lên thị trường, đáng kể là VIC với mức giảm 2,6% xuống 68.000 đồng, lấy đi nhiều điểm số nhất của VN-Index. Người anh em VHM cũng giảm 2% xuống 59.800 đồng. Hai mã này lấy đi của VN-Index hơn 3 điểm sáng nay.
Nhóm chứng khoán, bất động sản không chỉ tích cực về giá mà còn về thanh khoản khi nhận được sự hưởng ứng tích cực của dòng tiền. Trong đó SSI và VND dẫn đầu với thanh khoản lần lượt là 19,2 triệu đơn vị và 13,9 triệu đơn vị. Trong khi đó, DXG khớp tiếp theo với 13,2 triệu đơn vị, DIG khớp 10,9 triệu đơn vị, xen giữa 2 mã này là HPG khớp 12,6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sàn HNX lại có đà tăng vững vàng hơn VN-Index nhờ lực đỡ tốt của nhóm HNX30.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,1 điểm (+1,88%), lên 276,96 điểm với 119 mã tăng và 50 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,8 triệu đơn vị, giá trị 685,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,4 triệu đơn vị, giá trị 22,2 tỷ đồng.
Các mã bị giảm mạnh trong các phiên đầu tuần đều đã hồi phục tích cực. Trong đó, SHS tăng 4,3% lên 14.400 đồng, khớp 8,2 triệu đơn vị, CEO tăng 8,2% lên 28.900 đồng, khớp 4,9 triệu đơn vị, PVS tăng 4,5% lên 23.000 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị, IDC tăng 6% lên 51.300 đồng, khớp 1,5 triệu đơn vị, HUT tăng 4,8% lên 26.100 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị, PVC cũng hồi phục 4,7% lên 15.500 đồng…
UPCoM sau ít phút rung lắc nhẹ đầu phiên cũng đã lấy lại đà tăng và giữ được đà tăng khá tốt trong phần lớn của phiên, trước khi hạ nhiệt nhẹ trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,44%), lên 86,76 điểm với 210 mã tăng (41 mã trần) và 93 mã giảm (21 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,7 triệu đơn vị, giá trị 297,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,6 triệu đơn vị, giá trị 26,8 tỷ đồng.
BSR sau chuỗi phiên điều chỉnh mạnh đã hồi phục tốt trở lại trong phiên sáng nay với mức tăng 5,4% lên 23.500 đồng, khớp 4,5 triệu đơn vị, cao nhất UPCoM. OIL cũng hồi 2,6% lên 12.000 đồng, nhưng thanh khoản thấp.
Các mã đáng chú ý khác có VGI và C4G cũng bật tăng mạnh sáng nay với mức tăng lần lượt 8,1% lên 29.200 đồng và 6,4% lên 10.000 đồng, thanh khoản đều trên 1 triệu đơn vị.