Không nằm ngoài cuộc đua của thị trường toàn cầu, chứng khoán Việt cũng đã ghi nhận phiên giao dịch tăng mạnh nhất trong khoảng 1,5 tháng trong ngày bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong bối cảnh dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài quan sát, chỉ số VN-Index đã nhanh chóng quay đầu điều chỉnh giảm trong phiên 7/11 dù chứng khoán Mỹ vẫn trên đà tăng tốc.
Về yếu tố kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn vận động bám sát đường MA20, chỉ báo RSI tiệm cận trở lại ngưỡng trung bình và có tín hiệu chững lại, cho thấy quá trình hồi phục sẽ tiếp tục cần tích lũy trên đà lên nhằm rũ bỏ áp lực tâm lý chốt lời của dòng tiền ngắn hạn.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 8/11, thị trường hồi phục nhẹ nhờ sự hỗ trợ khá tích cực của một số bluechip. Tuy nhiên, lực cầu khá yếu trong khi áp lực bán vẫn luôn thường trực, đã khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm dù biên độ không quá lớn.
Sau hơn 90 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang giảm nhẹ gần 3 điểm khi số mã giảm đang chiếm gần gấp đôi số mã tăng. Trong đó, các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản hầu hết để giao dịch trong sắc đỏ.
Điểm sáng thị trường là nhóm cổ phiếu công nghệ. Bên cạnh FPT tăng nhẹ 0,5%, các mã khác như CMG tăng 2,26%, FOX tăng 2,8%, VGI tăng hơn 5%, ICT tăng 6,37%, TTN tăng 9,4%, CTR và ELC đều tăng nhẹ.
Nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục gia tăng sức ép khiến VN-Index lùi sâu hơn trong nửa cuối phiên sáng.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 106 mã tăng và 233 mã giảm, VN-Index giảm 5,02 điểm (-0,4%) xuống 1.254,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 201,66 triệu đơn vị, giá trị 5.125,5 tỷ đồng, giảm 25,34% về khối lượng và 22,33% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 13,22 triệu đơn vị, giá trị 325,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 7 điểm khi có tới 22 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu bảo hiểm BVH có mức tăng vượt trội 2,7% còn các mã khác chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%. Ngược lại, mã lớn VHM giảm sâu nhất là 2,1%, đồng thời là gánh nặng lớn nhất của thị trường khi lấy đi gần 1 điểm của chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, với sức ép từ mã lớn VHM, nhóm cổ phiếu bất động đã quay xe và trở thành nhóm giảm sâu nhất của thị trường khi sắc đỏ lan rộng ra toàn ngành. Trong đó, VHM có thanh khoản tốt nhất thị trường với hơn 12 triệu đơn vị; DXG đứng ở vị trí thứ 3 khi có hơn 8,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đáng chú ý, dù đà giảm không quá sâu chủ yếu trên dưới 1%, nhưng sắc đỏ bao phủ gần như toàn bộ nhóm ngân hàng và chứng khoán, chỉ còn VCB, VND, ORS giữ được mốc tham chiếu.
Nhóm viễn thông vẫn ngược dòng thành công dù độ cao hạ đôi chút, trong đó CMG chốt phiên tăng 1,7% với thanh khoản sôi động nhất ngành, đạt 2,73 triệu đơn vị. Các mã khác như ICT tăng 5,6%, ITD tăng 2,2%, CMG tăng 1,7%, VGI tăng 4,8%, FOX tăng 3,6%, TTN tăng 10%, FPT, CTR, ELC cùng tăng nhẹ…
Trên sàn HNX, sau tín hiệu khởi sắc đầu phiên, thị trường cũng đảo chiều và nới rộng đà giảm hơn về cuối phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index giảm 0,68 điểm (-0,3%) xuống 226,81 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,68 triệu đơn vị, giá trị 328,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,7 triệu đơn vị, giá trị hơn 109 tỷ đồng.
Toàn thị trường có có 4 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh đạt 1,98 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 0,7% xuống mức 14.100 đồng/CP.
Tiếp theo đó, TNG khớp 1,82 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 1,2%, AMV khớp 1,78 triệu đơn vị và chốt phiên đứng giá tham chiếu, cổ phiếu nhỏ NRC hồi phục tích cực khi tăng 4,9% và khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài SHS, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng đều điều chỉnh nhẹ như MBS, FSC, APS… Ngoại trừ BVS ngược dòng thành công và chốt phiên tăng 1%.
Trên UPCoM, nhận tín hiệu chung từ thị trường, UPCoM-Index cũng quay đầu giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,25%), xuống 92,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 13,62 triệu đơn vị, giá trị 164,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 0,5 triệu đơn vị, giá trị 24,1 tỷ đồng.
Như đã nói ở trên, cổ phiếu thuộc nhóm công nghệ viễn thông là TTN ấn tượng khi chốt phiên tăng 10% và thanh khoản sôi động với hơn 1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VGI tăng 4,8% và khớp hơn 1 triệu đơn vị, MFS tăng kịch trần 14,8% với khối lượng dư mua trần 26.300 đơn vị.