Giao dịch chứng khoán sáng 7/5: Xả mạnh cuối phiên, VN-Index cắm đầu đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cầm cự khá tốt trong phần lớn thời gian của phiên sáng nhờ dòng tiền chảy mạnh vào nhóm ngân hàng, nhưng áp lực bán đột ngột gia tăng mạnh cuối phiên khiến VN-Index cắm đầu đi xuống, đóng cửa giảm 13,65 điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 7/5: Xả mạnh cuối phiên, VN-Index cắm đầu đi xuống

Sau khi rơi xuống gần mốc 1.200 điểm, thị trường đã bật mạnh đi lên và duy trì đà tăng điểm trong 5 phiên liên tiếp, trở lại vùng giá 1.250 điểm. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch hôm qua ngày 6/5, áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường rung lắc, nhưng chỉ số VN-Index vẫn may mắn giữ được vùng kháng cự vừa được thiết lập lại.

Một trong những nguyên nhân chính khiến thị trường quay đầu chính là do diễn biến dịch trong nước đang ngày càng phức tạp, đã gây áp lực tâm lý đến giới đầu tư.

Bên cạnh đó, áp lực từ phía các nhà đầu tư nước ngoài phần nào ảnh hưởng tới tâm lý trong nước khi trạng thái bán ròng không ngừng tăng lên sau kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 – 1/5. Trong phiên giao dịch hôm qua ngày 6/5, khối ngoại đã bán ròng lên tới 1.175 tỷ đồng.

Theo đánh giá của PHS, phiên 6/5 diễn ra chưa có gì tiêu cực, khi xuất hiện một nến giảm thân nhỏ kèm khối lượng giảm, có thể chỉ là phiên điều chỉnh sau những phiên tăng điểm vừa qua. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng đã lưu ý nhà đầu tư nên thận trọng ở nhịp tăng này khi bối cảnh hiện tại không quá mạnh để kỳ vọng chỉ số sẽ sớm tăng trở lại.

Bước vào phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 7/5, thị trường không mấy tích cực khi sắc đỏ vẫn chiếm áp đảo bảng điện tử khiến VN-Index tiếp tục duy trì đà giảm điểm.

Sang đợt khớp lệnh liên tục, sự hồi phục của một số mã bluechip đã giúp thị trường dần thu hẹp biên độ và VN-Index thử thách lại ngưỡng 1.250 điểm. Tuy nhiên, ngay khi áp sát mốc tham chiếu, lực bán lại dâng cao đã khiến thị trường giật lùi.

Sau khoảng hơn 1 giờ giao dịch, trên bảng điện tử, số mã giảm gấp hơn 3 lần số mã tăng nhưng biên độ giảm không quá sâu khi trên sàn HOSE chỉ có 3 mã nằm sàn, đã giúp VN-Index đứng khá vững trên mốc 1.240 điểm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với giao dịch phân hóa nhẹ. Trong đó, VPB sau 8 phiên tăng liên tiếp đã gặp lực cản và quay đầu giảm điểm nhưng vẫn song hành cùng STB khi dẫn đầu thanh khoản thị trường.

Trong khi đó, TCB dù có chút rung lắc nhẹ nhưng hiện vẫn xác lập phiên tăng thứ 7 liên tiếp và xoay quanh vùng giá 47.500 đồng/CP. Cổ phiếu HDB cũng đảo chiều hồi phục tích cực trong phiên sáng nay sau nhịp điều chỉnh nhẹ ngày 6/5. Các mã TCB, MBB, CTG, HDB đều giao dịch khá sôi động.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cặp đôi FLC và ROS quay đầu giảm do gặp áp lực bán khá lớn sau 2 phiên hồi phục mạnh. Bộ đôi này đang có mức giảm trên dưới 2% và hiện đang thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất sàn HOSE.

Thị trường đang biến động đi ngang quanh vùng giá 1.245 điểm thì đột ngột cắm đầu đi xuống trong khoảng 20 phút cuối phiên khiến VN-Index để mất thêm gần 10 điểm và lùi về mốc 1.235 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 322 mã giảm, tăng gấp gần 3 lần số mã tăng (86 mã), VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,09%), xuống 1.236,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 434 triệu đơn vị, giá trị 12.883,67 tỷ đồng, tăng 8,77% về khối lượng và 13,41% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 21,86 triệu đơn vị, giá trị 749,72 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu thép đang là điểm sáng của thị trường dù biên độ tăng đã thu hẹp đáng kể ở những phút cuối phiên. Cụ thể, HPG tăng 2% lên 60.600 đồng/CP, HSG tăng 4% lên 36.300 đồng/CP, NKG tăng 5% lên 29.500 đồng/CP, TLH tăng 5,2% lên 17.200 đồng/CP.

Thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng sôi động với HPG đứng ở vị trí thứ 4 trên sàn HOSE, đạt khối lượng khớp lệnh 19,71 triệu đơn vị; HSG khớp gần 15 triệu đơn vị, NKG khớp 6,85 triệu đơn vị…

Ngoài HPG, trong nhóm VN30 chỉ có thêm 4 mã khác giữ được sắc xanh, bao gồm HDB tăng 3,8% lên mức 29.900 đồng/CP, NVL tăng 2,1% lên 138.500 đồng/CP, TPB tăng 1,4% lên 28.550 đồng/CP, VRE tăng 0,3% lên 31.300 đồng/CP.

Trong khi đó, một số mã lớn giảm sâu đóng vai trò chính khiến thị trường mất điểm như VIC giảm 2,6% xuống 129.100 đồng/CP, VHM giảm 1,1% xuống 97.600 đồng/CP, VCB giảm 2,2% xuống 97.100 đồng/CP, BVH giảm 2,1% xuống 54.800 đồng/CP, GAS giảm 3,2% xuống 82.200 đồng/CP, VNM giảm 2,7% xuống 87.200 đồng/CP…

Cặp đôi STB và VPB cũng bị đẩy lùi sâu hơn nhưng vẫn duy trì vị trí dẫn đầu về thanh khoản. Trong đó, STB giảm 1,2% xuống 24.100 đồng/CP và khớp 25,45 triệu đơn vị; VPB giảm 2,4% xuống 60.300 đồng/CP và khớp 23,36 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu FLC, tất cả đều giảm sâu, trong đó ROS, HAI và AMD gần về mức giá sàn với mức giảm hơn 6%, còn FLC giảm 3,5% xuống 10.900 đồng/CP. Trong đó, ROS và FLC thuộc top 5 mã thanh khoản tốt nhất với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 21,91 triệu đơn vị và 15,24 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực bán cũng diễn ra ồ ạt cuối phiên khiến thị trường giảm sâu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX chỉ có 35 mã tăng và 146 mã giảm, HNX-Index giảm 3,14 điểm (-1,12%), xuống 277,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,65 triệu đơn vị, giá trị 1.165 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,22 triệu đơn vị, giá trị 147,82 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30 chỉ còn 6 mã giữ được sắc xanh, trong đó DDG, DHT, DTD, THD, VMC nhích nhẹ, VC3 tăng tốt nhất với biên độ tăng 3,5% lên mức giá cao nhất ngày 20.700 đồng/CP.

Còn lại có tới 22 mã giảm điểm. Đáng kể một số mã tác động chi phối lớn đến diễn biến chỉ số chung như SHB giảm 3,3% xuống 23.700 đồng/CP, PVS giảm 1,4% xuống 20.800 đồng/CP, VCS giảm 1,4% xuống 90.800 đồng/CP. Ngoài ra, BAB, PVI, SHS cũng có mức giảm hơn 1%.

Top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất trên sàn HNX gồm SHB khớp 7,82 triệu đơn vị, KLF khớp 4,26 triệu đơn vị, VND khớp hơn 4 triệu đơn vị, SHS và ART cùng khớp hơn 3,7 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, mặc dù mở cửa xanh nhạt nhưng thị trường cũng nhanh chóng chuyển đỏ và nới rộng đà giảm về cuối phiên do lực bán dâng cao.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,68%), xuống 80,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 59,12 triệu đơn vị, giá trị 493,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 29,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 383 tỷ đồng, trong đó riêng SGB thỏa thuận 28,68 triệu đơn vị, giá trị 372,81 tỷ đồng.

Không nằm ngoài xu hướng chung của ngành, cổ phiếu thép TVN cũng giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng mạnh. Tạm chốt phiên sáng nay, VTN tăng 2,7% lên 15.000 đồng/CP với khối lượng giao dịch xấp xỉ 2,15 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu dầu khí BSR giảm mạnh 5,1% xuống mức thấp nhất trong phiên sáng 14.900 đồng/CP và khối lượng giao dịch đạt xấp xỉ 6,6 triệu đơn vị, chỉ thua thanh khoản cổ phiếu nhỏ PVX khớp 9,58 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.9 -18.11 -1.54% 139,423 tỷ
HNX 220.91 -5.28 -2.39% 1,678 tỷ
UPCOM 87.03 -1.12 -1.29% 478 tỷ