Giao dịch chứng khoán sáng 5/7: Lực bán mạnh ngày khai trương hệ thống mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau sắc xanh nhạt đầu phiên, lực bán ồ ạt sau đó đã đẩy VN-Index lao dốc trong ngày đầu vận hành hệ thống nâng cấp. Rất may là ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm của VN-Index tỏ ra hiệu quả.
Giao dịch chứng khoán sáng 5/7: Lực bán mạnh ngày khai trương hệ thống mới

Gác lại những lo ngại về vùng trống thông tin hay thanh khoản sụt giảm mạnh, thị trường đã tiếp tục tăng khá tốt trong những phiên giao dịch đầu tháng 7. Tính chung tuần giao dịch vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 30 điểm và xác lập đỉnh lịch sử mới khi kết tuần tại mức 1.420 điểm.

Mặc dù thanh khoản đã cải thiện hơn về cuối tuần, cùng việc nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng mạnh, nhưng với tình trạng chung của thị trường vẫn là “xanh vỏ đỏ lòng”, khiến nhiều công ty chứng khoán vẫn chưa đặt nhiều niềm tin về xu hướng tăng vững chắc của thị trường.

Theo KBSV, VN-Index có thể tiếp tục trải qua diễn biến rung lắc mạnh trong quá trình xác lập đỉnh cao mới. Dù vậy, thanh khoản cần tiếp tục được cải thiện để giảm bớt rủi ro điều chỉnh khi tiếp cận vùng cản gần tại quanh 1.430 điểm.

Điểm lưu ý là phiên hôm nay là ngày đầu tiên hệ thống mới được đưa vào vận hành. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp nhà đầu tư hưng phấn, qua đó giúp thanh khoản cũng như chỉ số tăng mạnh hơn.

Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Dù không xảy ra lỗi quá nghiêm trọng, nhưng những trục trặc vẫn xuất hiện ở một số công ty chứng khoán khi vận hành hệ thống mới, như một số công ty không hiện thị diễn biến VN-Index và khối lượng giao dịch, một số khác thì có diễn biến của VN-Index nhưng lại thiếu khối lượng...

Cụ thể, trong khi bảng giá của VNDirect lỗi ngay khi mở cửa, thì SSI và FPTS cũng không thể vào được bảng điện tử, hay trên bảng giá của một số công ty chứng khoán thì mã FPT đang không hiện thị giá dự khớp…Sau khoảng 1 giờ giao dịch, hầu hết các bảng giá đã chạy khá thông suốt.

Điều đặc biệt, ngay trong ngày đầu vận hành hệ thống mới, lực bán đã diễn ra ồ ạt, khiến thị trường bị sập.

Lực bán mạnh diễn ra trên diện rộng khiến số mã giảm gấp hơn 4 lần số mã tăng, VN-Index bị đẩy thẳng đứng xuống thử thách ngưỡng 1.400 điểm. Thị trường rơi mạnh khi thanh khoản không phải ở mức quá cao khiến nhiều nhà đầu tư mạnh dạn mua vào khi điểm số của VN-Index rơi xuống ngưỡng hỗ trợ 1.400 điểm, giúp chỉ số phục hồi đáng kể ở nửa sau phiên.

Về mặt kỹ thuật, với kiểu giao dịch "xanh vỏ đỏ lòng" tuần trước, nhiều mã đã có giá rơi về cận dưới dải Boliger Band, hút lực cầu mua vào kỳ vọng cho một nhịp phục hồi kỹ thuật.

Với nhóm dẫn dắt thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán hạ nhiệt sau những phiên bùng nổ cuối tuần trước; dòng bank cũng giao dịch phân hóa nhẹ, ngoại trừ điểm sáng là TCB. Cổ phiếu TCB tăng gần 3% và đang là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE với gần 17 triệu đơn vị khớp lệnh sau khoảng 90 phút giao dịch.

Bên cạnh đó, cổ phiếu MWG vẫn là mã tăng tốt nhất trong nhóm VN30 sau khi phi sát mức giá trần trong nhịp tăng đầu phiên. Hiện MWG đang tăng 4,5% lên mức 163.800 đồng/CP.

Sau khi thủng mốc 1.400 điểm, lực cầu bắt đáy nhập cuộc giúp thị trường bật ngược đi lên. Tuy nhiên, bên bán vẫn thắng thế với sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử, khiến chỉ số VN-Index chỉ hồi nhẹ quanh vùng giá 1.405 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 292 mã giảm và chỉ 82 mã tăng, VN-Index giảm 13,03 điểm (-0,92%) xuống mức 1.407,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 461,35 triệu đơn vị, giá trị 15.824,82 tỷ đồng, tăng 15% về khối lượng và 10,65% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 2.7. Trong đó, nhóm VN30 chiếm tới gần 60% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường, đạt 9.487 tỷ đồng.

Nhóm VN 30 chỉ lác đác điểm xanh với 6 mã tăng, trong đó MWG nới rộng biên độ tăng về cuối phiên dù chưa lấy lại phong độ như đầu phiên nhưng đây vẫn là mã tăng mạnh nhất của nhóm. Tạm chốt phiên, MWG tăng 5,2% lên mức 164.900 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cặp đôi ngân hàng TCB và TPB cũng tăng tốt, là điểm sáng của dòng bank. Trong đó, TCB tăng 3,5% lên mức 56.200 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, dẫn đầu thị trường với hơn 28,5 triệu đơn vị được khớp lệnh; còn TPB chốt phiên tăng 1,9% lên mức 38.450 đồng/CP.

Các mã tăng khác như FPT, STB, PNJ với biên độ chỉ trên dưới 0,5%; và duy nhất VPB đứng giá tham chiếu.

Trái lại, hầu hết các mã lớn giảm điểm trong nhóm VN30 đều có biên độ trên 1% như BID, CTG, BVH, GAS, VNM, VIC, HPG…, đáng kể một số mã có mức giảm trên 2% như VRE, MSN, NVL, SSI. Đặc biệt, VCB giảm mạnh nhất trong nhóm ngân hàng khi chốt phiên giảm 2,3% xuống mức 112.200 đồng/CP.

Bên cạnh SSI, các cổ phiếu chứng khoán khác cũng chịu sức ép bán ra và quay đầu giảm như HCM giảm 1,5% xuống 53.700 đồng/CP, CTS giảm 1,7% xuống 25.450 đồng/CP, APG giảm 1,8% xuống 11.000 đồng/CP…

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, VOS nhanh chóng hạ nhiệt sau phiên bùng nổ trở lại trong ngày cuối tuần trước 2/7. Theo đó, VOS chỉ tăng 1,5% và có thời điểm lùi về mốc tham chiếu, chốt phiên sáng nay tại mức giá 7.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chưa tới 1,8 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cặp đôi FLC và ROS dù vẫn thuộc top 10 mã thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với khối lượng khớp đều trên 10 triệu đơn vị, nhưng chốt phiên, FLC giảm 2,7% xuống mức 12.700 đồng/CP, còn ROS giảm 2,2% xuống 6.230 đồng/CP.

Trên sàn HNX, đà giảm cũng thu hẹp về cuối phiên sau cú lao dốc mạnh trước đó.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 168 mã giảm, HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,58%) xuống 326,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,28 triệu đơn vị, giá trị 2.036 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhóm HNX30 chỉ có 3 mã giữ sắc xanh, còn lại đều giảm điểm. Trong đó, SHB tăng 1% lên 29.300 đồng/CP, THD tăng 0,2% lên 206.800 đồng/CP, TVC tăng 1,9% lên 16.300 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, các mã như CEO, DP3, MBS, NTP, SHS, TNG, LAS có mức giảm hơn 2%, còn BVS, PVS, PVB, DTD giảm hơn 3%. Cổ phiếu giảm sâu nhất trong nhóm HNX30 là PVC giảm 5,4% xuống mức 10.600 đồng/CP.

Điểm nhấn trong phiên sáng nay là BII bất ngờ có phiên khởi sắc cùng thanh khoản tăng vọt sau nhiều phiên điều chỉnh trước đó. Tạm chốt phiên, BII tăng 9,2% lên mức giá trần 7.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lên tới 4,16 triệu đơn vị, vượt xa các phiên trước với mức trung bình 10 phiên gần đây chỉ đạt 1,39 triệu đơn vị.

Dẫn đầu về thanh khoản là SHB có khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 18,86 triệu đơn vị; tiếp theo đó là PVS khớp 9,94 triệu đơn vị và SHS khớp 5,13 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng mạnh cũng khiến thị trường quay đầu điều chỉnh sau nửa đầu phiên giữ sắc xanh.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,37 điểm (-0,4%) xuống 90,27 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 51,87 triệu đơn vị, giá trị 1.014 tỷ đồng.

Sau phiên hồi nhẹ cuối tuần trước, cổ phiếu dầu khí BSR đã quay lại trạng thái đỏ điểm khi chốt phiên giảm 4,3% xuống mức 20.100 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với 11,83 triệu đơn vị được giao dịch thành công.

Đứng ở vị trí thứ 2 là cặp đôi ngân hàng gồm BVB khớp hơn 7,3 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 5,5% lên mức 24.900 đồng/CP, là mã tăng mạnh nhất thuộc dòng bank; còn ABB khớp 3,14 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 0,4% lên 23.700 đồng/CP.

Một trong những cổ phiếu đáng chú ý trên UPCoM là HHV. Sau thông tin BCG và các tổ chức dự kiến mua vào 50 triệu cổ phiếu, HHV đã liên tiếp có những phiên khởi sắc và thanh khoản cao. Chốt phiên sáng nay, HHV tăng 1,4% lên mức 21.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 2,6 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên thị trường này.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ