Giao dịch chứng khoán sáng 4/11: Thị trường ngập sắc đỏ, VN-Index "thủng" mốc 1.250 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán lan rộng trên bảng điện tử đã khiến VN-Index thủng mốc 1.250 điểm và mã lớn VCB vẫn đóng vai trò là "má phanh" giúp thị trường bớt giảm sâu.
Giao dịch chứng khoán sáng 4/11: Thị trường ngập sắc đỏ, VN-Index "thủng" mốc 1.250 điểm

Mặc dù VN-Index đã có những nhịp hồi phục trong những phiên cuối tháng 10, nhưng xu hướng thị trường chưa có nhiều biến chuyển khi lực cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, trong khi khối ngoại vẫn miệt mài bán ròng mạnh mẽ. Động lực nâng đỡ cho chỉ số tuần qua chủ yếu đến từ các cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là một số cổ phiếu ngân hàng với những thông tin tích cực về việc chia cổ tức.

Theo giới phân tích đánh giá, mốc 1.250 điểm đang là ngưỡng quan trọng cần quan sát. Nếu thủng đáy này thì khả năng sẽ có thêm tuần giảm điểm, trường hợp nếu vẫn giữ được và quay lại vượt 1.268 thì có thể nhịp hồi tại MA200 vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, phần lớn đều nghiêng về kịch bản thị trường tiêu cực hơn.

Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích, CTCK Agribank cho rằng, trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ cùng các biến số mới về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào thứ Ba ngày 5/11, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xu hướng giằng co. Nhà đầu tư cũng nên lưu ý kịch bản chỉ số có thể lùi về các mốc hỗ trợ sâu hơn (1.240 +/-5 điểm) để kích hoạt lực cầu mới tham gia.

Quay lại diễn biến thị trường phiên giao dịch sáng 4/11, theo diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm xen kẽ, VN-Index đã hồi nhẹ ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, giao dịch ảm đạm bởi dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài, trong khi áp lực bán thường trực và ngày càng gia tăng đã khiến chỉ số chung giao dịch giằng co nhẹ trong hơn 30 phút giao dịch rồi lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, VN-Index đang đứng dưới mốc 1.250 điểm khi sắc đỏ lan rộng hơn trên bảng điện tử với số mã giảm chiếm gấp hơn 5 lần số mã tăng, đặc biệt là nhóm bluechip vẫn là gánh nặng chính lên thị trường chung.

Đáng chú ý, cổ phiếu lớn VCB vẫn đang là “má phanh” chính cho thị trường, hiện đang tăng quanh mức 1,5% và đóng góp tới gần 2 điểm cho chỉ số chung. Nếu không có trụ đỡ này, chỉ số VN-Index có thể còn “đi xa” hơn nhiều.

Trong bối cảnh thị trường chung kém lạc quan, dòng tiền vẫn có xu hướng tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu có thị giá nhỏ. Bên cạnh CIG tiếp tục khoe sắc tím, một số mã đáng chú ý như QCG có thời điểm chạm trần và hiện đang tăng 6,6%, DLG cũng tăng mạnh cùng TDL, HQC, HAG…

Nỗ lực “vá” lại mốc 1.250 điểm bất thành, thị trường “đi xa” hơn về cuối phiên do áp lực bán mạnh hơn và chỉ số VN-index đã tạm dừng ở vùng giá thấp nhất phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 63 mã tăng và 296 mã giảm, VN-Index giảm 9,06 điểm (-0,72%) xuống 1.245,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 219,4 triệu đơn vị, giá trị 5.117,3 tỷ đồng, tăng 48,81% về khối lượng và 35,26% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần qua ngày 1/11. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 41 triệu đơn vị, giá trị 723,9 tỷ đồng.

Nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là lực cản chính khi chốt phiên giảm hơn 12 điểm với 24 mã giảm và chỉ có 5 mã tăng. Trong đó, SAB tăng 1,3%, VCB tăng 0,9%, VNM tăng 0,6%, BVH tăng 0,5% và STB tăng 0,1%; còn SSB giảm sâu nhất là 2,7%, tiếp theo là VPB giảm 2,5%, GVR giảm 2,3%, TPB giảm 2,1%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, CIG không còn giữ sắc tím nhưng vẫn tăng 5,2% cùng QCG tăng 6,6%, DTL tăng 4,9%, DLG tăng 3,2%, HQC tăng 1,9%, ngoài ra, TMT, VSI, YBM chốt phiên tăng kịch trần.

Xét về nhóm ngành, không có nhóm nào đi ngược xu hướng thị trường thành công. Toàn bộ các nhóm đều trong trạng thái điều chỉnh dù mức giảm không quá lớn, chủ yếu trên dưới 1%.

Ở nhóm trụ cột ngân hàng, ngoài VCB và STB xanh nhạt, cùng CTB và NVB giữ mốc tham chiếu, còn lại đều điều chỉnh giảm. Trong đó, TPB, VPB, EIB cùng giảm hơn 2%, có thanh khoản lớn nhất ngành, đều đạt trên 10 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ có duy nhất VCI ngược dòng thành công, còn lại hầu hết đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, trong đó VIX vẫn sôi động nhất ngành với hơn 13,5 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1,4%.

Nhóm bất động sản giảm sâu hơn. Bên cạnh VHM giảm 1,7% với thanh khoản thuộc top 10 mã dẫn đầu thị trường, đạt hơn 8,88 triệu đơn vị; ở top vừa và nhỏ, DXG cũng không thoát khỏi xu hướng điều chỉnh khi chốt phiên giảm nhẹ 0,6% và khớp 14,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, thị trường cũng diễn biến tiêu cực với gánh nặng chính đến từ nhóm HNX30.

Chốt phiên, sàn HNX có 37 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 1,89 điểm (-0,84%) xuống 223,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 16,4 triệu đơn vị, giá trị 286,1 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, SHS dẫn đầu với 2,37 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1,4% xuống mức thấp nhất trong phiên 13.800 đồng/CP.

Tiếp theo là CEO khớp gần 1,7 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 2% xuống mức 14.700 đồng/CP; và TIG khớp hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,5%.

Cũng như sàn HOSE, hầu hết cổ phiếu chứng khoán trên HNX đều giảm, đáng kể như VFS giảm 7,1% xuống mức giá thấp nhất phiên 14.400 đồng/CP; trái lại, cổ phiếu duy nhất ngược dòng là MBS chốt phiên tăng nhẹ 0,4% và khớp 0,85 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau nhịp hồi nhẹ đầu phiên, thị trường cũng nhanh chóng trở lại trạng thái điều chỉnh giảm.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,31 điểm (-0,34%), xuống 91,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,84 triệu đơn vị, giá trị 132,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,13 triệu đơn vị, giá trị hơn 42,32 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ HNG duy nhất trên thị trường có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu 4.700 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục