Sau nhiều phiên lao dốc với hàng trăm mã liên tiếp giảm sàn với dư bán sàn có những mã lên tới hơn 100 triệu đơn vị, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh trong phiên 16/11, hấp thụ lượng lớn khối lượng dư bán sàn, chặn đà lao dốc của nhiều mã. Thị trường sau đó tiếp tục hồi tốt trong phiên 17 và đứng vững trong phiên 18 khi hơn 1 tỷ cổ phiếu bắt đáy phiên 16 về tài khoản.
Tuy nhiên, bước sang tuần trước, lực cung chốt lời gia tăng khiến thị trường rung lắc mạnh trong 3 phiên đầu tuần, trong đó một số mã chịu áp lực chốt lời mạnh nên quay đầu giảm sàn trở lại. Đáng chú ý là một số mã bất động sản như NVL, PDR và HPX, dù nhận lực cầu bắt đáy tốt, nhưng lực cung giải chấp vẫn rất mạnh nên vẫn liên tiếp giảm sàn.
Dù vậy, bước vào 2 phiên cuối tuần, lực cung giá thấp đã hạn chế bớt, trong khi bên mua cũng tự tin trở lại với cuộc chơi mới, giúp thị trường hồi phục trở lại.
Trong khi đó, trên thị trường quốc tế, nhiều dự báo cho rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ nhiệt tốc độ tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 này, cũng giúp giảm bớt phần nào áp lực với các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế, trong khi nhà đầu tư trong nước bị bán giải chấp ồ ạt, thì nhà đầu tư nước ngoài lại đẩy mạnh giải ngân với nhiều phiên liên tiếp mua ròng với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Một thông tin tích cực nữa trong tuần qua là việc Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với 7 công ty chứng khoán và một số doanh nghiệp – những nhà phát hành lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp – để bàn cách giải cứu thị trường chứng khoán. Trong cuộc họp này, thông tin được đánh giá tích cực, lấy lại niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư là khả năng sẽ sửa Nghị định 65 theo hướng giúp cho các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp dễ thở hơn, qua đó giải bài toán thanh khoản cho doanh nghiệp, cũng như thị trường.
Với các thông tin tích cực từ cả bên trong và bên ngoài, cùng với nền tảng tốt từ 2 phiên cuối tuần trước, nhà đầu tư tự tin xuống tiền khi bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới hôm nay (28/11), giúp sắc xanh chiếm thế áp đảo, VN-Index được kéo tăng vọt qua ngưỡng 995 điểm, vượt qua đường MA20, có lúc đã chinh phục lại được mốc kháng cự tâm lý quan trọng 1.000 điểm. Tuy nhiên, VN-Index đã hụt mất mốc tâm lý quan trọng này trong phút cuối cùng của phiên sáng.
Khi niềm tin trở lại, mọi chuyện đều được giải quyết, bài toán thanh khoản nhanh chóng được giải quyết, điểm số của thị trường cũng nhanh chóng lấy lại những gì đã mất kể từ đầu tháng 11, thậm chí nếu niềm tin này được nuôi dưỡng với động thái chính thức của cơ quan quản lý sau cuộc họp tuần qua của Bộ Tài chính, các mốc 1.000 điểm, hay đường MA50, thậm chí có thể mơ tới các mốc cao hơn 1.100, hay 1.200 khi kết thúc năm 2022.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 27,84 điểm (+2,87%), lên 999,3 điểm với 386 mã tăng, trong đó có 82 mã trần, trong khi chỉ có 48 mã giảm, chỉ 8 mã sàn với các mã đáng chú ý vẫn là NVL, PDR, HPX. Tổng khối lượng giao dịch đạt 465 triệu đơn vị, giá trị 7.341 tỷ đồng, tăng 86% về khối lượng và 89% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,5 triệu đơn vị, giá trị 730 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán, bất động sản, thép đua nhau khoe sắc tím, nhóm ngân hàng dù chưa có mã nào tăng trần, nhưng cả nhóm đều được phủ xanh.
Trong nhóm chứng khoán, APG, CTS, VDS, VCI, AGR, FTS, BSI, TVB và VND tăng kịch biên độ và đều còn dư mua trần khá lớn. SSI và HCM cũng tăng mạnh trên dưới 6%, mã tăng ít nhất là TVS cũng 2,2%. Trong nhóm này, VND có thanh khoản tốt nhất với 24,7 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG trên sàn HOSE, còn dư mua trần tới 3,2 triệu đơn vị. VIX cũng có giao dịch sôi động khi khớp tới 23,5 triệu đơn vị, đứng sau VND, đóng cửa tăng 3,3% lên 7.610 đồng; SSI khớp 18,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,1% lên 18.150 đồng.
Nhóm bất động sản, xây dựng, sắc tím nở rộ với hàng loạt mã tăng trần như ITA, SCR, HBC, DXS, HQC, DIG, VPH, VCG, NHA, PTL, KHG, QCG, KBC, LDG, IJC, DRH, DXG, CII, LGL… Trong nhóm tăng trần này, KBC có thanh khoản tốt nhất với 7,9 triệu đơn vị, còn dư mua trần (18.900 đồng) tới hơn 3,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, như đã đề cập, NVL, PDR, HPX vẫn chưa thoát cảnh giảm sàn do lực bán giải chấp quá lớn, dù lực cầu bắt đáy hoạt động cũng rất tích cực, từ giữa tuần trước, nhưng mãi vẫn chưa hấp thụ hết lượng cung. Lực cầu bắt đáy NVL hôm nay vẫn tiếp tục mạnh giúp mã này khớp 17,8 triệu đơn vị, nhưng vẫn còn dư bán sàn tới 33,7 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm sàn 18 liên tiếp của NVL, khiến mã này mất đi hơn 72% giá trị.
Tương tự, PDR cũng còn dư bán sàn tới hơn 97 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 12.000 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị. Trong chuỗi giảm sàn liên tiếp cùng thời gian với NVL, PDR cũng đã mất hơn 70% giá trị. Trong khi đó, HPX không có lực cầu bắt đáy, nên chỉ khớp 7.400 cổ phiếu, còn dư bán sàn (9.140 đồng) hơn 62 triệu đơn vị và cũng mất đi khoảng 62% giá trị sau chuỗi giảm sàn liên tiếp.
Trong nhóm thép, HSG, SMC, TNI, NKG đóng cửa ở mức trần, còn HPG cũng tăng 5,9% lên 16.200 đồng, khớp lớn nhất sàn 27,8 triệu đơn vị. HSG cũng khớp 8 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác cũng tăng trần sáng nay là HAG, GEX, DGC, BCG…
Sàn HNX cũng có giao dịch khởi sắc sáng nay thậm chí mức tăng còn lớn hơn VN-Index.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,09 điểm (+3,05%), lên 202,86 điểm với 152 mã tăng (54 mã trần) và 28 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,8 triệu đơn vị, giá trị 546,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sàn này, SHS là mã có thanh khoản tốt nhất với 13 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,7% lên 8.400 đồng, hụt mất mức trần 8.500 đồng vào cuối phiên.
PVS cũng tăng 2,6% lên 19.900 đồng, khớp 5,8 triệu đơn vị; IDC cũng tăng 7,8% lên 34.500 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị; CEO thậm chí còn tăng kịch trần lên 15.100 đồng, khớp 1,8 triệu đơn vị.
Sắc xanh, tím trên UpCoM cũng đã nở rộ, kéo chỉ số UpCoM-Index tiếp tục tiến bước và lên các mức cao hơn khi đến khi kết phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 1,27 điểm (+1,85%), lên 69,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,8 triệu đơn vị, giá trị 202,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,7 triệu đơn vị, giá trị 5,5 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nhỏ với SBS, VHG, G36, LCM, PXL, CEN, FTM đều đã tăng kịch trần, với SBS và VHG khớp lệnh 2,17 triệu và 1,49 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong top thanh khoản tốt nhất cũng đều tăng, như PAS +12,2% lên 4.600 đồng, DDV +9,6% lên 9.100 đồng, C4G +9,1% lên 8.400 đồng…
Trong khi đó, BSR +6,1% lên 14.000 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 3,66 triệu đơn vị.