Những thông tin tích cực về nới room tín dụng và việc chuẩn bị áp dụng rút ngắn thời gian giao dịch, đã giúp tâm lý nhà đầu tư hưng phấn hơn và chỉ số VN-Index đã vượt thành công kháng cự tâm lý 1.280 điểm trong phiên giao dịch hôm qua ngày 26/8.
Sự trở lại của cây nến Bullish Marubozu đã cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của phe mua trong phiên giao dịch hôm nay. Đồng thời, VN-Index cũng thiết lập đỉnh mới vượt qua mốc kháng cự 1.280 điểm một cách dứt khoát với Gap tăng được tạo lập ngay từ đầu phiên. Khối lượng và điểm số đều cải thiện và tăng tốt so với các phiên trước đó, đây là một tín hiệu rất tích cực, ngày càng củng cố cho xu hướng tăng điểm trong thời gian tới.
Mặc dù thanh khoản có cải thiện nhưng khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 ngày gần nhất, cho thấy dòng tiền vẫn chưa đủ mạnh mẽ để giúp thị trường bùng nổ và có hiện tượng chốt lời ở một số nhóm ngành. Trong ngắn hạn, thị trường có thể sẽ có những phiên rung lắc quanh ngưỡng 1.285 điểm, nhưng vẫn trong xu hướng tăng điểm và dần tiến về vùng 1.300 điểm.
Quay lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 26/8, cũng như phiên giao dịch hôm qua, nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục là động lực chính dẫn dắt đà tăng của thị trường. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn lình xình trên vùng giá 1.290 điểm.
Cổ phiếu MWG đang là động lực chính dẫn dắt thị trường. Trong khi sắc đỏ đang chiếm ưu thế trên thị trường và diễn biến phân hóa nhẹ ở nhóm VN30, thì MWG đã “cân” hết và có thời điểm kéo trần thành công. Sau khoảng 90 phút giao dịch, cổ phiếu MWG đang tăng trên dưới 6%, với thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 7 triệu đơn vị, thuộc top 5 cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Theo thông tin từ MWG, hệ thống Điện máy Xanh Supermini của Công ty đã chính thức đạt 1.000 cửa hàng trên toàn quốc. "Với số lượng đó, ước tính doanh thu cả năm 2022 của mô hình này ước chừng 12.500 tỷ đồng", lãnh đạo Công ty chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Reuters, Thế giới Di động cho biết đã thuê cố vấn để xem xét thoả thuận bán 20% cổ phần của chuỗi cửa hàng tạp hóa Bách Hoá Xanh. Theo một nguồn tin thân cận cho biết, định giá doanh nghiệp sẽ lớn hơn 1,5 tỷ USD. Thế giới Di động cũng vừa bàn giao cho khách hàng bộ đôi sản phẩm mới của Samsung là Galaxy Z Fold4/ Z Flip4, trở thành nhà bán lẻ giao hàng sớm nhất bộ đôi siêu phẩm mới của Samsung.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu phân bón sau phiên bùng nổ hôm qua lại hạ nhiệt với các mã DCM, DPM, BFC chỉ còn nhích nhẹ, trong khi LAS, PMB điều chỉnh giảm, còn TSC, NFC, PCE đứng giá tham chiếu.
Mặc dù trong phần lớn thời gian của phiên sáng, chỉ số VN-Index đều giao dịch trong sắc xanh nhạt, nhưng áp lực bán gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường quay đầu điều chỉnh nhẹ sau 3 phiên khởi sắc liên tiếp. Điểm tích cực là thanh khoản thị trường tăng vọt, cho thấy lực cầu tham gia cũng khá tích cực, giúp chỉ số chung không bị giảm sâu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 153 mã tăng và 271 mã giảm, VN-Index giảm 1,24 điểm (-0,1%) xuống 1.287,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 375,67 triệu đơn vị, giá trị 9.298,62 tỷ đồng, tăng 22,3% về khối lượng và 16,84% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,29 triệu đơn vị, giá trị 756,33 tỷ đồng.
Cổ phiếu lớn MWG vẫn là má phanh chính của thị trường khi tiếp tục giữ mức tăng tốt với những thông tin khá lạc quan từ doanh nghiệp. Tạm chốt phiên sáng nay, MWG tăng 5,3% lên mức 72.000 đồng/CP, đặc biệt là thanh khoản bùng nổ với hơn 8,25 triệu đơn vị khớp lệnh, gấp hơn 2 lần so với mức trung bình của cả phiên giao dịch trong chuỗi 10 ngày gần đây.
Bên cạnh MWG, một số mã bluechip cũng giữ được sắc xanh như BID, BVH, POW, VCB tăng hơn 1%; FPT, KDH, VPB, TCB, HDB, SAB nhích nhẹ trên dưới 0,5%.
Trái lại, những điểm đỡ chính của thị trường trong phiên hôm qua như VIC, VHM, GVR đều quay đầu điều chỉnh với mức giảm trên dưới 1%. Trong rổ VN30, cặp SSI và VNM dẫn đầu mức giảm khi cùng để mất 1,4%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KPF tiếp tục dậy sóng và xác nhận chuỗi 12 phiên tăng liên tiếp với mức tăng chủ yếu là trần hoặc sát trần. Chỉ tính từ 10/8, với 12 phiên giao dịch, cổ phiếu KPF đã tăng gần gấp đôi, từ mức 10.600 đồng/CP lên mức 20.700 đồng/CP (giá tạm chốt phiên sáng nay ngày 26/8).
Trong khi đó, cặp POW và HAG dẫn đầu thanh khoản thị trường, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 18,9 triệu đơn vị và 11,92 triệu đơn vị. Chốt phiên sáng nay, cổ phiếu POW tăng 1,4% lên 14.300 đồng/CP, còn HAG tăng 1,2% lên 12.750 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, dòng bank phân hóa nhẹ với các mã tăng giảm trong biên độ hẹp chỉ trên dưới 1%, ngoại trừ EIB bất ngờ tăng vọt 4,35% lên mức 31.200 đồng/CP và thanh khoản cũng đột biến khi có hơn 0,93 triệu đơn vị, trong khi các phiên giao dịch trước đó thanh khoản cả phiên chỉ trên dưới 0,2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán tiếp tục là “chỉ báo” của thị trường khi chìm trong sắc đỏ. Ngoại trừ TVS có được sắc xanh với mức tăng chưa tới 1%, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu, dù biên độ giảm không quá lớn.
Tương tự, nhóm cổ phiếu thép cũng đồng loạt đảo chiều giảm sau tín hiệu tăng nhẹ đầu phiên. Trong đó, HPG giảm nhẹ chưa tới 0,5%, HSG giảm 2,1%, NKG giảm 1,3%...
Trên sàn HNX, sau gần nửa đầu phiên rung lắc, thị trường đã quay đầu điều chỉnh và dần nới rộng biên độ giảm hơn về cuối phiên do áp lực bán gia tăng cùng gánh nặng từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Chốt phiên, sàn HNX có 55 mã tăng và 121 mã giảm, HNX-Index giảm 2,06 điểm (-0,68%) xuống mức thấp nhất phiên 299,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,7 triệu đơn vị, giá trị 991 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 2,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 96 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 chỉ còn 5 mã giao dịch trên mốc tham chiếu, với SLS bất ngờ hồi phục và chốt phiên ở mức giá cao nhất 152.100 đồng/CP, tăng 2,1%, còn lại NDN, VNR, PVC, THD tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trái lại, cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán là TVC giảm sâu nhất khi để mất 3%, các mã khác trong ngành như MBS giảm 1,5%, SHS giảm 1,4%...
Một số mã đáng chú ý như TAR đảo chiều sau đợt tăng mạnh khi chốt phiên giảm 1,8% xuống mức 26.600 đồng/CP, HUT cũng “quay xe” khi giảm 1,7% xuống 29.700 đồng/CP, IDC tiếp tục điều chỉnh 1,7% xuống 65.200 đồng/CP…
Trong đó, cổ phiếu SHS vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 6,14 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo đó, PVS khớp 5,59 triệu đơn vị và KLF khớp 5,12 triệu đơn vị.
Cổ phiếu KLF và ART cũng không nằm ngoài xu hướng chung của hệ sinh thái, trong đó KLF chốt phiên giảm 6,5% xuống sát giá sàn 2.900 đồng/CP, ART cũng giảm sâu 5,9% xuống mức 4.800 đồng/CP.
Trên UPCoM, thị trường cũng cắm đầu lùi sâu về cuối phiên.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,67 điểm (-0,72%) xuống 92,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 33,5 triệu đơn vị, giá trị 430,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,23 triệu đơn vị, giá trị 54,34 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, sắc đỏ cũng tràn ngập trên hệ thống UPCoM. Trong đó, cổ phiếu BSR dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 5,51 triệu đơn vị giao dịch thành công, đã giảm 1,9% và chốt phiên đứng tại mức giá 25.600 đồng/CP.
Các mã có thanh khoản tiếp theo đó đạt hơn 1 triệu đơn vị là SBS, PVX, DCS, GTT cũng chốt phiên ở vùng giá thấp với mức giảm khá mạnh.
Đáng kể, nhiều mã nhỏ như GTT, AVF, KSH, KHB chốt phiên giảm sàn.
Một số mã đáng chú ý như VGI, C4G, LMH, OIL cũng đồng loạt lùi sâu.