Giao dịch chứng khoán sáng 26/12: Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index lùi về gần mốc 1.000 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi lực cầu tham gia khá yếu, áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và VN-Index lùi về gần mốc 1.000 điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 26/12: Thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index lùi về gần mốc 1.000 điểm

Thị trường đã trải qua tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp sau đợt hồi phục mạnh, chỉ số VN-Index lùi về ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm. Trong đó, phiên cuối tuần trước ngày 23/12 tiếp tục trạng thái giao dịch giằng co với nến star nhỏ, cùng thanh khoản tiếp tục sụt giảm khá mạnh, cho thấy cung cầu đang thăm dò và chỉ số chưa thể hiện tín hiệu rõ nét.

Về kỹ thuật, thị trường đang được hỗ trợ ở vùng 1.010 điểm, nơi có mặt của đường MA50. Trong bối cảnh thanh khoản co hẹp, dòng tiền liên tục “chuyền cành” giữa các nhóm cổ phiếu: từ ngân hàng, chứng khoán, sản xuất điện, dầu khí…

Cũng như lịch sử trước đây, tuần giao dịch cuối cùng của năm tài chính 2022, hoạt động chốt NAV của các quỹ cũng được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các chỉ báo kỹ thuật vẫn cho thấy xu hướng đi ngang và chưa có tín hiệu rõ ràng để xác định xu hướng thị trường.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 26/12 trong tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, sau ít phút đầu phiên rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu, áp lực bán đã dần gia tăng trong khi lực cầu thận trọng hơn khiến thị trường giật lùi.

Chỉ số VN-Index chuyển đỏ và dần nới rộng biên độ giảm khi áp lực tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechip đã dần lan rộng ra thị trường. Tuy nhiên, đà bán tháo đã không diễn ra khiến thị trường không bị giảm quá sâu và mốc 1.010 điểm vẫn được đánh giá là vùng hỗ trợ quan trọng bởi ngay khi VN-Index tiếp cận vùng này, lực cầu đã được kích hoạt giúp chỉ số này bật hồi.

Sau hơn 1 giờ giao dịch, trên bảng điện tử, số mã giảm điểm chiếm áp đảo khi gấp gần 3 lần số mã tăng trên sàn HOSE, trong đó nhóm VN30 có diễn biến tiêu cực hơn khi con số này là gấp gần 4 lần, tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ mất khoảng 6-7 điểm.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý chính là thanh khoản khá yếu khi dường như dòng tiền đã nghỉ tết sớm. Tổng giá trị giao dịch tại thời điểm này trên sàn HOSE chưa tới 1.500 tỷ đồng và chỉ có duy nhất VND khớp lệnh lớn nhất là hơn 5 triệu đơn vị.

Trong bối cảnh sắc đỏ bao phủ trên diện rộng, vẫn có những điểm sáng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điển hình như PSH và CKG có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, THI và EVF có phiên tăng trần hoặc sát trần phiên thứ 4 liên tiếp.

Đặc biệt trong đó, cổ phiếu EVF có có chút rung lắc nhưng đã nhanh chóng củng cố sắc tím và xác nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp với thanh khoản tăng vọt, đạt 1,52 triệu đơn vị, vượt xa thanh khoản 2 phiên trước đó và hiện đang dư mua trần khoảng 0,1 triệu đơn vị.

Trong khi lực cầu vẫn tham gia nhúc nhắc, tâm lý nhà đầu tư cầm hàng có phần mất kiên nhẫn đã gia tăng áp lực lên thị trường, khiến VN-Index thủng mốc 1.010 điểm sau khoảng 80 phút giao dịch.

Mặc dù thị trường khá nỗ lực để lấy lại mốc 1.010 điểm nhưng bên nắm giữ dường như mất kiên nhẫn đã đẩy mạnh bán ra khiến thị trường càng lùi sâu hơn về cuối phiên. Trong đó, sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử với gánh nặng gia tăng từ nhóm cổ phiếu bluechip, đã đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất khi tạm dừng phiên sáng cùng viễn cảnh không mấy khả quan trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 69 mã tăng và có tới 336 mã giảm (30 mã giảm sàn), VN-Index giảm 13,46 điểm (-1,32%) xuống 1.006,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 202,86 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.296 tỷ đồng, giảm 23,16% về khối lượng và 17,26% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 23/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,62 triệu đơn vị, giá trị 460,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 để mất tới hơn 20 điểm khi ghi nhận tới 25 mã giảm và chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, GAS tăng tốt nhất là 2,6%, tiếp theo là VCB tăng 1,5%, còn VNM và SAB tăng trên dưới 0,5%.

Trái lại, trong top cổ phiếu giảm mạnh, dẫn đầu vẫn là những tên tuổi trong nhóm bất động sản. Cụ thể, NVL dù mở cửa tăng điểm nhưng áp lực xả bán cuối phiên đã khiến cổ phiếu này lùi về nằm sàn, PDR cũng tiệm cận giá sàn khi giảm 6,1%, cổ phiếu lớn nhà Vingroup là VIC giảm 3,8% về mức thấp nhất trong phiên 53.000 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng có mức giảm khá sâu trên dưới 3% như MSN, SSI, TCB cùng giảm 3,6%, MWG giảm 3,3%, GVR giảm 3,1%, VJC giảm 3%, HPG giảm 2,7%...

Xét về nhóm ngành, hầu hết các nhóm ngành cũng được tô đỏ, ngoại trừ một số nhóm nhỏ lẻ tăng nhẹ như cao su chế biến với CSM tăng 5,73%, BRC tăng 3,94%, DTC tăng nhẹ; tiện ích và khai khoáng.

Ở nhóm cổ phiếu giảm, chứng khoán vẫn đồng pha với thị trường. Trong đó, ngoại trừ VDS, TVS nhích nhẹ, còn lại đều lùi sâu. Cụ thể, VND giảm 5% xuống vùng giá thấp 13.300 đồng/CP và dẫn đầu thanh khoản thị trường với 11,18 triệu đơn vị khớp lệnh; VIX giảm 5,5% xuống 6.560 đồng/CP, VCI đảo chiều giảm 3,2% xuống 23.900 đồng/CP, HCM cũng quay đầu giảm 1,2% xuống 20.950 đồng/CP…

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, may mắn có pha ngược thị trường khá tốt của anh cả VCB đã chặn đà giảm mạnh. Ngoài ra, EVF dù giảm nhiệt và không còn giữ sức hấp dẫn như đầu phiên nhưng tạm dừng phiên sáng vẫn là một trong những mã tích cực khi tăng 6,8% lên 8.920 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội so với các phiên trước khi đạt hơn 1,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Mặt khác, cổ phiếu EIB là mã giảm mạnh nhất khi để mất 5%; tiếp theo là TCB giảm 3,6%, SHB giảm 2,9%, MSB giảm 2,4%, STB và VIB cùng giảm 2,3%, VIB, OCB, TPB giảm hơn 2%...

Ở nhóm bất động sản, ngoài NVL, một mã khác cũng có pha “quay xe” cùng thị trường là DIG. Dù mở cửa tăng nhẹ nhưng áp lực bán tăng mạnh đã khiến DIG chốt phiên sáng giảm 6,9% xuống mức giá sàn 14.750 đồng/CP, với thanh khoản thuộc top 5 thị trường, đạt 7,85 triệu đơn vị và dư bán sàn 37.000 đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn có những mã ngược dòng thành công như VCG có thời điểm tăng tốc lên gần mức giá trần rồi hạ độ cao và chốt phiên tăng 2,2%, hay LCG tăng 3,3%, FCN tăng 1,1%, HHV tăng 2,3%...

Điểm sáng thị trường trong phiên trước đó là điện cũng không thoát khỏi trạng thái chung của thị trường, với GEX giảm 3,6%, THI giảm sàn, DQC giảm 1,2%, SAM giảm 2,32%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng quay đầu giảm mạnh sau thời gian ngắn đầu phiên le lói sắc xanh nhạt.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 105 mã giảm, HNX-Index giảm 3,56 điểm (-1,73%), xuống mức 201,74 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,83 triệu đơn vị, giá trị 330,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,34 triệu đơn vị, giá trị 126,55 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng gia tăng sức ép lên thị trường khi chỉ còn 5 mã tăng với LHC tăng 6,4%, NTP tăng 1,3%, còn DTD, PLC, PVS nhích nhẹ.

Trong khi đó, có tới 22 mã mất điểm và cổ phiếu bất động sản CEO giảm mạnh nhất dù mở cửa khởi sắc, khi chốt phiên giảm 9% xuống sát giá sàn 17.100 đồng/CP; các mã cùng ngành khác như L14 giảm 6,7%, TIG giảm 5,8%...

Cổ phiếu chứng khoán SHS chốt phiên giảm 4,5% xuống mức giá thấp nhất phiên 8.400 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 6,92 triệu đơn vị khớp lệnh. Ngoài ra, các mã khác trong ngành như APS giảm 5,7%, MBS giảm 2,3%, TVC giảm 2,2%, VIG giảm 4%...

Bên cạnh SHS, cổ phiếu giao dịch sôi động khác trên HNX là CEO khớp hơn 4,9 triệu đơn vị và PVS khớp 1,85 triệu đơn vị, còn lại các mã có thanh khoản dưới 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn ngược chiều sàn niêm yết khi giữ được đà tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,08 điểm (+0,11%) lên 71,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 8,26 triệu đơn vị, giá trị 103,08 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,07 triệu đơn vị, giá trị 178,06 tỷ đồng.

Thanh khoản trên UPCoM cũng sụt giảm mạnh và trong phiên sáng nay chỉ còn 2 mã được giao dịch trên 1 triệu đơn vị.

Cụ thể, BSR khớp 1,76 triệu đơn vị và chốt phiên lùi về mốc tham chiếu 13.800 đồng/Cp; trong khi C4G khớp hơn 1 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 3,4% lên 9.200 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục