Giao dịch chứng khoán sáng 22/8: Thị trường giật lùi, thanh khoản tăng vọt

(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, các chỉ số đều nới rộng biên độ giảm. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường tăng vọt.

Thị trường đã có tuần thứ 6 liên tiếp tăng điểm, nhưng nỗ lực lấp đầy hoàn toàn gap down trong khoảng 1.200 – 1.285 điểm vẫn chưa thể thực hiện được khi VN-Index thất bại trước ngưỡng kháng cự MA100 ngày (quanh 1.280 điểm).

Theo ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS), trước mắt, vẫn chưa có tín hiệu cho thấy trạng thái thị trường sẽ thay đổi nên khả năng diễn biến giằng co vẫn là chủ đạo về mặt chỉ số trong tuần mới. Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực bán chốt lời rõ ràng đang có dấu hiệu gia tăng, do vậy áp lực điều chỉnh sẽ tới ở nhiều cổ phiếu.

Không nằm ngoài dự báo trên, thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 22/8 vẫn duy trì sắc đỏ với thanh khoản tiếp tục sụt giảm bởi tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Tuy nhiên, mức giảm cũng không quá lớn bởi bên bán cũng khá thăm dò.

Sau gần 1 giờ giao dịch, thị trường vẫn trong trạng thái điều chỉnh nhẹ, chỉ số VN-Index chỉ biến động lình xình quanh vùng giá 1.265 điểm.

Nhóm VN30 cũng trong xu hướng chung của thị trường với sắc đỏ chiếm áp đảo. Số mã tăng trong rổ này chỉ bằng khoảng 1/3 số mã giảm, trong đó cổ phiếu MWG sau 3 phiên điều chỉnh giảm đã hồi phục tích cực và đang dẫn đầu đà tăng với biên độ tăng 3%, tạm đứng tại mức giá 66.000 đồng/CP, còn lại chỉ tăng nhẹ trên dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí giảm nhiệt và trở nên rung lắc. Hiện các mã GAS, PLX, PVS, PVD, PVC chỉ tăng nhẹ, trong khi BSR đảo chiều giảm.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng phần lớn cũng giao dịch dưới mốc tham chiếu, ngoại trừ MBB, EIB và SHB đang xanh nhạt.

Trong khi nhóm bluechip không mấy tích cực thì ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn nhận được sự ưu ái của dòng tiền. Điển hình là HAG, sau 4 phiên điều chỉnh nhẹ, bên cạnh kết quả kinh doanh 7 tháng khả quan, Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố chính thức bán thương hiệu Heo ăn chuối Bapi, cổ phiếu này đã bùng nổ trong phiên sáng nay.

Lực cầu tăng mạnh mẽ giúp HAG nhanh chóng tiếp cận mức giá trần. Hiện HAG tạm khoác áo tím với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt xấp xỉ 15 triệu đơn vị.

Áp lực bán gia tăng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index trở về dưới mốc tham chiếu với thanh khoản tăng vọt.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 104 mã tăng và 322 mã giảm, VN-Index giảm 5,75 điểm (-0,45%) xuống 1.263,43 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 238 triệu đơn vị, giá trị 6.114,63 tỷ đồng, tăng 41,86% về khối lượng và 34,84% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 19/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 31,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.072 tỷ đồng.

Nhóm VN30 có tới 24 mã giảm và chỉ còn 4 mã tăng, trong đó MWG tiếp tục đi ngược xu hướng chung khi nới rộng đà tăng. Tạm chốt phiên sáng nay, MWG tăng 3,7% lên mức 66.500 đồng/CP với giao dịch sôi động, đạt hơn 4,3 triệu đơn vị.

Ngoai ra, một số mã bluechip khác giữ được sắc xanh như BVH tăng 1,1%, MBB tăng 0,9%, MSN và NVL nhích nhẹ 0,1-0,2%.

Ở chiều ngược lại, không có mã nào giảm quá sâu, với VRE dẫn đầu bảng khi để mất 2,6%; tiếp theo là HDB và PDR cùng giảm 2,3%, GVR giảm 2,1%, còn lại giảm nhẹ trên dưới 1%.

Trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG mất sắc tím do áp lực bán khá lớn. Chốt phiên, HAG vẫn tăng tốt 5,2% lên mức 12.250 đồng/CP với thanh khoản vượt trội, đạt 22,62 triệu đơn vị.

Đáng chú ý, cổ phiếu KPF tiếp tục kéo dài chuỗi ngành tăng nóng. Với việc ghi nhận phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp, cổ phiếu KPF tạm chốt phiên sáng nay tại mức giá trần 16.300 đồng/CP, thanh khoản giảm mạnh khi chỉ khớp hơn 53.000 đơn vị. Tổng cộng 8 phiên vừa qua, KPF đã tăng tới gần 54%.

Xét về nhóm ngành, cùng với sự đóng góp tích cực của MWG, nhóm cổ phiếu bán lẻ trở thành tâm điểm đáng chú ý và dẫn đầu đà tăng của thị trường, với một số mã khác như FRT tăng 2%, PET tăng 1,8%, DGW tăng 1,3%.

Trong khi đó, nhóm trụ cột ngân hàng diễn biến cùng chiều với thị trường khi sắc đỏ chiếm áp đảo. Cụ thể, ngoại trừ MBB, SSB, EIB nhích nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại đều mất điểm, với HDB giảm sâu nhất khi để mất 23%, tiếp đó BID, VIB, TPB, OCB giảm hơn 1%, còn lại giảm nhẹ.

Nhóm chứng khoán và thép cũng không khả quan hơn. Trong nhóm thép, các mã đứng giá hoặc điều chỉnh nhẹ; trong khi ở nhóm chứng khoán các mã cũng biến động lình xình nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.

Nhóm bất động sản phần lớn cũng giảm điểm, tuy nhiên vẫn có những mã lội ngược dòng ngoạn mục. Điển hình là BCM, lực cầu tăng vọt với khối lượng khớp lệnh vượt trội, gấp hơn 3 lần so với mức thanh khoản của trung bình 10 phiên giao dịch gần đây khi khớp xấp xỉ 0,63 triệu đơn vị, đã giúp cổ phiếu này nhanh chóng đảo chiều hồi phục và tăng kịch trần. Chốt phiên, BCM tăng 7% lên mức giá trần 85.600 đồng/CP và dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh cuối phiên đã khiến thị trường lùi sâu hơn.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 129 mã giảm, HNX-Index giảm 3 điểm (-1,01%) xuống 294,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 61,91 triệu đơn vị, giá trị 1.191,27 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 40,75 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 là tác nhân chính khi chốt phiên giảm gần 7 điểm với việc ghi nhận 20 mã giảm và cũng chỉ có 7 mã tăng.

Đáng chú ý, trong khi hầu hết các mã bank đều mất điểm thì NVB lại bất ngờ nới rộng đà tăng về cuối phiên, trở thành “má phanh” tốt cho thị trường. Tạm chốt phiên sáng nay, NVB tăng 3,5% lên sát mức giá cao nhất phiên 26.900 đồng/CP.

Các mã tăng khác trong nhóm này có VNR tăng 1,3%, BVS và TAR cùng tăng nhẹ 0,4%.

Trái lại, trong số mã giảm, cổ phiếu chứng khoán SHS bị xả ồ ạt khiến mã này có thời điểm nằm sàn. Tuy nhiên, nhờ lực cầu hấp thụ mạnh đã giúp SHS thoát sắc xanh mắt mèo và chốt phiên giảm 6,8% xuống mức 13.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt hơn 25,56 triệu đơn vị.

Một số mã giảm mạnh khác như LHC giảm 5,7% xuống mức giá thấp nhất trong phiên 64.000 đồng/CP, CEO giảm 4,7% xuống mức 32.700 đồng/CP, NDN giảm 4,5% xuống 10.700 đồng/CP…

Ngoài SHS, các cổ phiếu khác trong nhóm chứng khoán cũng đua nhau giảm như ART giảm 3,8%, MBS giảm 1%, APS giảm 0,6%, TVC giảm 2,1%, EVS giảm 2,4%...

Về thanh khoản, bên cạnh SHS giao dịch đột biến, các mã có thanh khoản đứng tiếp theo đó là PVS khớp 6,33 triệu đơn vị, CEO khớp 4,7 triệu đơn vị, và các mã IDC, IDJ, AMV, APS, TNG, ART, MBS, HUT, TVC đều khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng lùi sâu hơn về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%) xuống 92,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 16,87 triệu đơn vị, giá trị 292,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,31 triệu đơn vị, giá trị 19,78 tỷ đồng.

Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh và toàn bảng điện tử chỉ có 4 mã có khối lượng khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, BSR dẫn đầu khi khớp hơn 2,2 triệu đơn vị; tiếp theo SBS khớp 1,88 triệu đơn vị và PXL cùng ABB khớp 1,1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu BSR mất điểm và chốt phiên giảm 1,6%, tạm đứng tại mức giá thấp nhất trong phiên 24.400 đồng/CP; OIL cũng giật lùi khi giảm 1,5% xuống 13.000 đồng/CP.

Tâm điểm đáng chú ý là PXL tạm chốt phiên sáng nay tăng 14,1% lên mức giá trần 11.300 đồng/CP và chốt phiên còn dư mua trần hơn 0,16 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục