Giao dịch chứng khoán sáng 22/4: Thị trường khởi sắc, cổ phiếu QCG bị bán tháo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù thanh khoản giảm mạnh, nhưng áp lực bán được tiết chế đã giúp thị trường giao dịch khởi sắc. Đáng chú ý, trong khi sắc xanh lan rộng bảng điện tử thì cổ phiếu QCG lại bị bán tháo sau 3 tuần tăng tốc.
Giao dịch chứng khoán sáng 22/4: Thị trường khởi sắc, cổ phiếu QCG bị bán tháo

Thị trường vừa trải qua tuần giao dịch khốc liệt khi VN-Index đã bốc hơi hơn 100 điểm, tương ứng giảm tới gần 8%, là tuần giảm mạnh nhất kể từ đợt khủng hoảng cuối năm 2022. Đồng thời, thanh khoản tăng mạnh so với mức trung bình 20 tuần dù thị trường chỉ giao dịch 4 phiên, cho thấy áp lực bán hoàn toàn chủ động và xu hướng giảm vẫn đang chiếm ưu thế.

Theo giới phân tích, nhịp giảm là cần thiết trong quá trình đi lên của chỉ số, nhất là khi VN-Index tăng gần 15% kể từ đầu năm. Về mặt kỹ thuật, VN-Index đang có tín hiệu cân bằng được áp lực bán khi lùi về vùng MA200 quanh 1.175-1.180 điểm.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC cho rằng, thị trường hoàn toàn có đủ điều kiện cho một nhịp hồi phục trong tuần tới trước kỳ nghỉ lễ dài ngày. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên dành phần lớn tỷ trọng để chuẩn bị cho kịch bản thị trường có thể điều chỉnh thêm, do vẫn còn dư địa tới vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 22/4, tâm lý nhà đầu tư giao dịch thận trọng hơn sau chuỗi phiên giảm sâu, đã khiến thanh khoản giảm mạnh. Tuy nhiên, sắc xanh đã trở lại khi áp lực bán được tiết chế, đã giúp chỉ số VN-Index tăng vọt, tiệm cận mốc 1.190 điểm ngay khi mở cửa.

Thị trường duy trì biên độ tăng trên dưới 10 điểm trong gần nửa đầu phiên sáng và tạm đứng quanh mốc 1.185 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần vừa qua là chứng khoán đang là nhóm phục hồi tốt nhất với sắc xanh phủ kín toàn ngành, ngoại trừ duy nhất mã nhỏ APG đang giảm gần 3%.

Các mã VIX, VND, SSI vẫn thuộc top giao dịch sôi động nhất thị trường, với VIX dẫn đầu khi khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị, hiện đều đang tăng trên dưới 3%; trong khi FTS tăng tốt nhất với biên độ tăng 4,6%.

Bên cạnh đó, nhóm bất động sản cũng khởi sắc sau những phiên lao dốc mạnh vào tuần trước. Trong đó, DIG, NVL, DXG, TCH đều đang tăng hơn 2%... Trái lại, QCG sau tuần lội ngược dòng thị trường chung đầy ngoạn mục với mức tăng lên tới gần 25% vào tuần trước, cổ phiếu này đã chịu áp lực bán tháo và hiện đang trong trạng thái dư bán sàn.

Trong khi lực cầu vẫn tham gia hạn chế, áp lực bán có chút gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường thu hẹp biên độ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 313 mã tăng và 135 mã giảm, VN-Index tăng 7,92 điểm (+0,67%) lên 1.182,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 305,5 triệu đơn vị, giá trị 6.933,5 tỷ đồng, cùng giảm 41% cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng trước đó ngày 19/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp xấp xỉ 30 triệu đơn vị, giá trị hơn 607,3 tỷ đồng.

Nhóm VN30 suy yếu, với 4 mã lớn đảo chiều giảm là VIC, VHM, MBB và VCB dù biên độ giảm chỉ trên dưới 1%; trong khi 25 mã tăng cũng đều thu hẹp biên độ, với BVH tăng tốt nhất đạt 3,8%, tiếp theo là VRE tăng 3,5%, SSI tăng 2,6%, STB tăng 2,2%, còn lại đều chỉ trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu QCG vẫn chịu áp lực bán tháo, chốt phiên giảm 6,7% xuống mức giá sàn 16.650 đồng/CP, khớp lệnh 1,45 triệu đơn vị và dư bán sàn gần nửa triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, với sự đảo chiều của một số mã lớn đầu ngành đã khiến nhóm cổ phiếu bất động sản may mắn nhích nhẹ, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng thu hẹp biên độ tăng đáng kể.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn đang là điểm sáng với mức tăng tốt nhất thị trường. Trong đó, VIX tăng 2,8% với thanh khoản dẫn đầu toàn thị trường, đạt 13,72 triệu đơn vị; VND tăng 3,4% với thanh khoản thuộc top 5 mã dẫn đầu, đạt gần 9,8 triệu đơn vị; FTS tiếp tục nới rộng biên độ và chốt phiên tăng 5%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng hạ độ cao về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 111 mã tăng và 35 mã giảm, HNX-Index tăng 2,25 điểm (+1,02%) lên 223,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,78 triệu đơn vị, giá trị 645,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 52,82 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng hạ nhiệt cùng thị trường chung, trong đó các cổ phiếu chứng khoán vẫn dẫn đầu xu hướng tăng, với BVS tăng 6,8%, VIG tăng 4,6%, SHS tăng 2,9%, MBS và PSI cùng tăng 2,7%...; ngược lại LAS giảm sâu nhất khi mất 4,1%, HUT đảo chiều giảm 1,2%...

Trong đó, SHS vẫn có thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt gần 11,5 triệu đơn vị, bỏ xa cổ phiếu đứng ở vị trí thứ 2 là CEO khớp 3,8 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi nhỏ TTH và AAV cùng chốt phiên tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng nhẹ trong suốt cả phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,71 điểm (+0,82%) lên 87,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,19 triệu đơn vị, giá trị 176,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 4,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ AAH là tâm điểm với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 5,54 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 5,6%, thậm chí có thời điểm kéo trần thành công.

Trong khi đó, BSR biến động quanh mốc tham chiếu, chốt phiên giảm nhẹ 0,5% với khối lượng giao dịch đạt 2,78 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục