Giao dịch chứng khoán sáng 22/4: Tâm lý bất an, lực bán lại dâng cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng mạnh về cuối phiên đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất và nếu không có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu bluechip thì chỉ số này đã nhận thêm một phiên mất điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 22/4: Tâm lý bất an, lực bán lại dâng cao

VN-Index sau khi giảm điểm 6 phiên liên tiếp với biên độ lớn đã dừng lại ở ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật là 1.350 điểm (Fib 127,1% sóng 4) và bật tăng tốt sáng nay (22/4), tránh đi được kịch bản nếu đánh mất ngưỡng 1.350 thì VN-Index sẽ bước vào sóng điều chỉnh a với target 1.200 điểm (Fib 31,8% sóng 5).

Việc bật trở lại sau chuỗi giảm điểm dài không phải là điều đặc biệt, câu chuyện hiện tại là liệu thị trường đã tìm được đáy chưa hay những phiên bật tăng như thế này chỉ là một nhịp phục hồi kỹ thuật?

Phải cần thêm một vài phiên nữa mới có thể trả lời! Phiên sáng nay, thanh khoản ở mức khá thấp cho thấy sự lưỡng lự của người mua, nhịp tăng này đến từ việc tiết cung hơn là sự quyết liệt từ phía bên mua.

Về mặt cơ bản, nếu xét trên khía cạnh định giá thì P/E của VN-Index sau phiên hôm nay là khoảng 16 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của VN30 chỉ có 15,1 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm.

Mức định giá như vậy cho thấy chứng khoán đã rẻ tới mức có thể xem xét mua vào. Quan trọng hơn, về mặt tâm lý nhà đầu tư, sau những hoảng loạn bán tháo vừa qua thì sự bình ổn trở nên tốt hơn với nhiều thông tin trấn an và những phân tích chuyên sâu được truyền thông đưa tin.

Quay trở lại diễn biến thị trường phiên sáng cuối tuần ngày 22/4, dù dòng tiền mạnh chưa có dấu hiệu quay lại nhưng với diễn biến áp lực bán được tiết chế sau chuỗi ngày u ám đã giúp thị trường tìm lại sắc xanh. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip là điểm tựa chính của thị trường khi hầu hết đều tăng hơn 1%.

Đặc biệt, dòng bank đang là nhóm cổ phiếu trụ cột có diễn biến tích cực, với các mã VPB, ACB, STB, VCB đang dẫn đầu ngành và đều tăng hơn 3%, còn lại tăng trên 1-2%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt khởi sắc, ngoại trừ duy nhất TVB chưa thoát khỏi sắc xanh mắt mèo với khối lượng dư bán sàn hơn 1,65 triệu, sau thông tin lãnh đạo Công ty bị bắt tạm giam vì thao túng chứng khoán.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm khi sắc xanh đang chiếm áp đảo. Bên cạnh cổ phiếu lớn đầu ngành VHM tăng 2,2%; các mã VIC, BCM, NVL tăng nhẹ, nhiều mã vừa và nhỏ đang nóng trở lại với nhiều mã khoe sắc tím.

Điểm đáng chú ý trong phiên sáng nay chính là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhiều cổ phiếu trong nhóm này đã tăng mạnh mẽ và chạm trần ngay từ đầu phiên như PTL, VOS, QCG, TSC, DC4…

Đặc biệt là họ nhà FLC gồm FLC, ROS, HAI và AMD đều khoe sắc tím với thanh khoản sôi động, trong đó FLC khớp hơn 26 triệu đơn vị, còn ROS khớp hơn 20 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch. Hay thành viên khác trên sàn HNX là KLF và ART hiện cũng đang trong trạng thái dư mua trần.

Sau khi tăng tốc vượt mốc 1.390 điểm, thị trường đã quay đầu do áp lực bán gia tăng mạnh. Điều này không quá bất ngờ trong bối cảnh tâm lý thị trường vẫn chưa khỏi bi quan sau chuỗi ngày dài giảm sâu và lượng lớn nhà đầu tư đã tận dụng cơ hội thị trường hồi phục để bán ra với lo ngại những rủi ro có thể đến trong những ngày cuối tuần.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 223 mã tăng và 216 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 6,71 điểm (+0,49%) lên 1.376,92 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 449,5 triệu đơn vị, giá trị 11.141,56 tỷ đồng, giảm 7,6% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 7,86 triệu đơn vị, giá trị gần 371 tỷ đồng.

Thị trường vẫn giữ được sắc xanh là nhờ công lớn của bluechip và nếu không có các trụ đỡ này, chỉ số VN-Index đã quay đầu giảm điểm và có thể lùi về gần ngưỡng 1.350 điểm.

Dù nhóm VN30 vẫn có sắc xanh chiếm áp đảo với 24 mã, gấp 4 lần số mã giảm, nhưng biên độ tăng đã thu hẹp.

Trong đó, đại diện dòng bank vẫn dẫn đầu, đó là ACB tăng 2,9% lên 32.400 đồng/CP; các mã khác như KDH, VCB, VPB, STB cũng có mức tăng hơn 2%. Cổ phiếu lớn nhóm bất động sản là VHM cũng hạ độ cao khi còn tăng 1,7%, chốt phiên đứng tại mức 65.100 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, trong 6 mã giảm, cổ phiếu PNJ dẫn đầu khi để mất 3,7% và lùi về mức giá 114.600 đồng/CP; tiếp theo là GAS giảm 2,2% và BVH giảm 2,1%.

Không chỉ nhóm cổ phiếu bluechip hạ nhiệt, các cổ phiếu vừa và nhỏ cũng bớt nóng. Chỉ còn một vài mã như PTL, DC4, VRC giữ được sắc tím. Đồng thời, họ là FLC cũng đồng loạt mất trần. Trong đó, FLC chốt phiên tăng 3,4% lên 6.400 đồng/CP và khớp 32,79 triệu đơn vị, còn ROS tăng 4% lên 3.910 đồng/CP và khớp 26,39 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu nóng thủy sản đồng loạt bị chốt lời mạnh, với IDI, ACL, AGM, AAM đều chốt phiên tại mức giá sàn, cặp ANV và VHC cùng giảm hơn 6%.

Bên cạnh đó, nhóm phân bón với DPM, DCM, BFC đều trong trạng thái dư bán sàn. Trong đó, DPM khớp 9,6 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,63 triệu đơn vị, còn DCM khớp gần 8 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 0,84 triệu đơn vị.

Ở nhóm công nghệ, ngoại trừ mã đầu ngành FPT đi ngang, các mã top vừa và nhỏ đều bị xả bán, trong đó ELC nằm sàn, CVT giảm 6,7% xuống sát sàn, ICT giảm 6%.

Trên sàn HNX, áp lực bán dâng cao khiến thị trường hạ nhiệt và HNX-Index mất điểm trong những phút cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 144 mã tăng và 75 mã giảm, HNX-Index giảm 0,69 điểm (-0,19%), xuống 365,92 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 62,12 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.240 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 30,46 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 tác động mạnh tới thị trường khi để mất gần 8 điểm, trong đó cặp PVC và PVS thoát giá sàn nhưng vẫn là mã giảm mạnh nhất khi lần lượt mất 8,7% và 8,1%, còn thành viên còn lại của họ P là PVB cũng giảm mạnh tới 6,4%.

Ngoài ra, một số mã giảm sâu khác như L14 giảm 7,4%, TNG giảm 6%, LAS giảm 5,7%, HUT giảm 4,1%, CEO giảm 3,8%, VCS giảm 2,3%...

Trái lại, cổ phiếu VMC có mức tăng tốt nhất trong rổ này khi chốt phiên tăng 8,8% lên 17.400 đồng/CP; tiếp theo là NRC tăng 4% và DTD tăng 3,5%. Cặp đôi lớn nhóm bất động sản là IDC và THD chỉ có được sắc xanh nhạt khi tăng chưa tới 0,5%.

Đáng chú ý, cặp đôi nhà FLC là KLF và ART chốt phiên vẫn giữ mức giá trần, trong đó ART dư mua trần gần 0,83 triệu đơn vị, với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 4,7 triệu đơn vị và 1,27 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, cổ phiếu PVS dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh hơn 12,78 triệu đơn vị; tiếp theo là TVC khớp 5,57 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều điều chỉnh sau nhịp hồi tích cực vào giữa phiên.

Chốt phiên sáng, với 225 mã tăng và 164 mã giảm (67 mã giảm sàn), UpCoM-Index giảm 0,38 điểm (-0,36%), xuống 104,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,6 triệu đơn vị, giá trị 574,32 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,83 triệu đơn vị, giá trị 35,93 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong khi nhóm phân bón đồng loạt bị xả bán mạnh thì cổ phiếu DDV vẫn hồi phục tích cực và chốt phiên tăng 5,8% lên mức 20.200 đồng/CP với khối lượng khớp 2,28 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu nhỏ, trong khi hàng loạt mã như PVX, KSH, PPI, DCS, DPS nằm sàn với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị, thì VHG vẫn tăng tốt và có thời điểm chạm trần. Chốt phiên, HVG tăng 8,5% lên 5.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 4,55 triệu đơn vị, chỉ thua PVX đạt 4,92 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, các cổ phiếu chứng khoán như SBS, TCI, AAS hay ngân hàng với ABB, BVB, VAB, NAB đều chốt phiên khởi sắc.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục