Áp lực bán bất ngờ gia tăng mạnh, đặc biệt ở bộ đôi lớn VIC và VHM, đã khiến thị trường “quay xe” về sát mốc tham chiếu trong ngày cuối tuần và kết thúc tuần ghi nhận mức giảm nhẹ. Chỉ số VN-Index khép lại ở dưới mốc 1.220 điểm cho thấy tâm lý chung vẫn còn thận trọng.
Về quan điểm kỹ thuật, theo bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới CTCK Vietcap (VCI), hiện tại đang test MA10 ngày với lực bán gia tăng do chạm kháng cự 1.235-1.240. Khả năng trong tuần này, thị trường vẫn sẽ nhịp test cung hàng tại vùng kháng cự này, nếu lực bán tiếp tục gia tăng, chỉ số VN-Index sẽ giảm về 1.200 điểm. Thiếu vắng hoạt động mua giá thấp quanh hỗ trợ 1.200 điểm hoặc lực cung không có sự suy giảm sẽ làm tăng khả năng kiểm định vùng 1.165-1.180 điểm trong các phiên giao dịch sau.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 21/4, thị trường mở cửa vẫn giữ được sắc xanh nhưng động lực tăng khá yếu khi lực cầu tham gia kém sôi động và một số mã bluechip đang đóng vai trò hỗ trợ chính cho thị trường có độ rộng không quá lớn.
Vì vậy, ngay khi bước sang đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã nhanh chóng chuyển qua trạng thái giằng co và giảm điểm. Sau khoảng 80 phút giao dịch, chỉ số chung đang giảm hơn 6,5 điểm khi sắc đỏ có phần lấn át trên bảng điện tử, trong đó nhóm VN30 cũng giao dịch kém lạc quan.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số mã vẫn giữ được đà tăng tốt nhờ lực cầu hấp thụ mạnh. Điển hình là NVL đang dao động quanh mức giá trần với thanh khoản thuộc top 3 mã dẫn đầu thị trường, đạt hơn 14 triệu đơn vị, vượt xa mức thanh khoản của trung bình 10 phiên giao dịch gần đây.
Trên thị trường chỉ còn vài ba nhóm nhỏ lẻ giữ được đà tăng nhẹ, còn lại đều đảo chiều giảm. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu chứng khoán chịu áp lực bán mạnh và đang là nhóm giảm sâu nhất của thị trường. Sắc đỏ lan rộng toàn nhóm chứng khoán, với một số mã giảm khá mạnh như HCM giảm 5%, APG giảm 4,2%, VDS giảm 3,7%, VND và FTS cùng giảm gần 3%... Cổ phiếu sôi động nhất ngành là VIX đang giảm 1,2% và khớp gần 16 triệu đơn vị.
Áp lực bán ngày càng gia tăng về cuối phiên đã khiến thị trường nới rộng đà giảm điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 125 mã tăng và 343 mã giảm, VN-Index giảm 12,97 điểm (-1,06%) xuống 1.206,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 447,8 triệu đơn vị, giá trị 8.995,6 tỷ đồng, giảm 6,9% về khối lượng và 2,4% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 18/4. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,3 triệu đơn vị, giá trị 270,4 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên giảm 14,5 điểm khi có tới 24 mã giảm và chỉ còn 5 mã tăng, trong đó TPB tăng tốt nhất là 2,3%, các mã khác như SHB, VIB, VNM, VCB chỉ nhích nhẹ quanh mức 0,5%.
Ngược lại, VIC vẫn là mã giảm mạnh nhất khi để mất 3,3%, đồng thời tác động lớn nhất khi lấy đi gần 2 điểm của chỉ số chung. Các mã khác như BVH, GVR, LPB đều giảm 2,4%, còn lại giảm trên dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AGM, GMH, VAF vẫn chốt phiên tăng kịch trần, TDH tăng sát trần với biên độ 6,4%..., điểm sáng vẫn là NVL chốt phiên tăng 5% với thanh khoản đạt hơn 17 triệu đơn vị, gấp rưỡi mức thanh khoản trung bình của 10 phiên giao dịch gần đây của mã này.
Xét về nhóm ngành, nhóm chứng khoán vẫn giảm mạnh nhất thị trường, với HCM giảm 5,8% và khớp gần 17,5 triệu đơn vị, TVS, APG, VDS giảm 4,7%, VCI giảm 3,9%, FTS giảm 3,7%, VND giảm 3,5%, BSI giảm 3,4%...
Tuy nhiên, các cổ phiếu chứng khoán giao dịch sôi động với loạt mã thuộc top 10 dẫn đầu thị trường, như VIX giảm 2% và khớp 25,2 triệu đơn vị, HCM khớp 17,5 triệu đơn vị, VND khớp 15,25 triệu đơn vị, SSI và VCI đều khớp gần 12 triệu đơn vị.
Các nhóm cổ phiếu bảo hiểm, bất động sản, vật liệu xây dựng, vận tải… đều giảm hơn 1%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ giảm nhẹ với các mã giao dịch phân hóa khi có mức tăng giảm chủ yếu trên dưới 1%, trong đó, điểm sáng nhất là TPB tăng 2,3% và khớp 9,8 triệu đơn vị; còn SHB vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 44,73 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 0,8%.
Trên sàn HNX, sau gần 1 giờ biến động rung lắc nhẹ, thị trường cũng quay đầu giảm do áp lực bán gia tăng trên diện rộng.
Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 94 mã giảm, HNX-Index giảm 1,81 điểm (-0,85%) xuống 211,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 35,16 triệu đơn vị, giá trị 568,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,78 triệu đơn vị, giá trị 69,8 tỷ đồng, trong đó, riêng SHN thỏa thuận hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 66,15 tỷ đồng.
Sắc đỏ cũng bao phủ các cổ phiếu chứng khoán, trong đó, SHS giảm 2% và khớp 10,37 triệu đơn vị, MSB giảm 2,6% và khớp 2,75 triệu đơn vị, BVS giảm 3,8%...
Một số mã đáng chú trên sàn HNX như IDC tăng 1,1% và khớp gần 1 triệu đơn vị, NTP tăng 3,8%, LAS tăng 1,1%... Ngoài ra, cổ phiếu nhỏ SVN tăng kịch trần và khớp 1,12 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều điều chỉnh giảm.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,28%) xuống 91,04 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 17,24 triệu đơn vị, giá trị 236 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,97 triệu đơn vị, giá trị 182,2 tỷ đồng, trong đó, VCP thỏa thuận 3,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 87,1 tỷ đồng và AVC thỏa thuận 2 triệu đơn vị, giá trị 93,6 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là DDV và DRI. Trong đó, DDV chốt phiên tăng 7% và khớp 4,41 triệu đơn vị, còn DRI tăng 3,8% và khớp 1,35 triệu đơn vị.