Thị trường chứng khoán vừa trải qua tháng 9 với nhiều biến động mạnh. Bên cạnh diễn biến chỉ số chung liên tục phá vỡ những ngưỡng hỗ trợ mạnh với tổng mức giảm cả tháng lên tới gần 70 điểm, tương ứng mất 5,71% và kết thúc phiên cuối tháng ở vùng giá 1.150 điểm, thanh khoản thị trường càng về cuối tháng càng cạn kiệt với những phiên chỉ loanh quanh mức 15.000 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Mặc dù trong những phiên cuối cùng của tháng 9, thị trường đã bớt tiêu cực hơn khi áp lực bán tháo không còn xuất hiện và chỉ số VN-Index hồi phục, lấy lại mốc 1.150 điểm, nhưng giới phân tích chưa mấy tin tưởng vào điểm cân bằng này của thị trường.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư CTCK Maybank Investment Bank, xu hướng ngắn hạn nhìn chung vẫn còn tiêu cực. Thị trường tăng 8 tháng liên tiếp vào Top kênh đầu tư tốt nhất năm 2023 cũng khiến động thái chốt lời mạnh hơn. Do đó, trong ngắn hạn thị trường có thể có sự phục hồi nhưng tạm thời chưa quay trở lại xu hướng tăng trưởng như nửa đầu năm.
Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 2/10, tâm lý nhà đầu tư chưa mấy “cởi mở” khiến VN-Index tiếp diễn trạng thái lình xình giằng co nhẹ.
Sau khoảng 90 phút mở cửa, chỉ số VN-Index đang hướng tới mốc 1.160 điểm khi thị trường nhận được sự hỗ trợ khá tích cực của nhóm cổ phiếu Vingroup. Đây là phiên hồi phục thứ hai liên tiếp của nhóm cổ phiếu này.
Hiện bộ 3 cổ phiếu gồm VHM, VIC, VRE đang đóng góp gần 1,5 điểm cho chỉ số chung; trong khi mã lớn nhất dòng bank là VCB vẫn là cản trở chính lấy đi hơn 0,8 điểm của chỉ số chung.
Ngoài VCB, một số mã bank khác cũng chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh, đã khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng là một trong số ít ngành trên thị trường giảm nhẹ là sản phẩm cao su và tiện ích.
Trái lại, hầu hết các nhóm ngành đều khởi sắc, trong đó nhóm thủy sản đang dẫn đầu thị trường với sự góp mặt của FMC tăng kịch trần, ANV tăng gần trần 6,25%, IDI tăng 5,2%, ACL tăng 2,94%, VHC tăng gần 3%...
Thị trường duy trì giao dịch ảm đạm bởi dòng tiền chủ yếu đứng ngoài quan sát và chỉ số VN-Index vẫn chỉ tăng nhẹ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thủy sản tiếp tục tăng tốc và đua nhau khởi sắc.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 295 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 5,11 điểm (+0,44%) lên 1.159,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 241,06 triệu đơn vị, giá trị 5.398 tỷ đồng, giảm 4,3% về khối lượng và 7,4% về giá trị so với phiên sáng hôm cuối tuần trước ngày 29/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,05 triệu đơn vị, giá trị 739,46 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cùng trong xu hướng tăng nhẹ chưa đến 4 điểm khi ghi nhận 19 mã tăng và 10 mã giảm, với chủ yếu chỉ biến động trong biên độ hẹp trên dưới 1%, ngoại trừ VRE và GVR tăng tốt hơn, tương ứng đạt 3,3% và 2,1%.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu thủy sản vẫn là dẫn đầu thị trường khi ANV, CMX, FMC đều chốt phiên sáng tăng kịch trần, các mã còn lại cũng đều nới rộng biên độ như VHC tăng gần 4%, IDI tăng sát trần đạt 6,32%, ACL tăng 4,41%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng thuộc top tăng tốt khi chỉ còn BSI và FTS điều chỉnh nhẹ trên dưới 0,5%, còn lại đều khởi sắc. Trong đó, các mã đáng chú ý là VIX, SSI, VND đều thuộc top 5 dẫn đầu thanh khoản thị trường.
Cụ thể, VIX chốt phiên tăng 3,2% và khớp 10,95 triệu đơn vị; SSI tăng 1,7% và khớp 9,33 triệu đơn vị; VND tăng 1,9% và khớp 4,84 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản cũng ghi nhận phiên tích cực. Ngoài đà tăng nhẹ của các mã lớn VIC và VHM, các mã đáng chú ý khác trong ngành thuộc nhóm đầu tư công như HHV, LCG, FCN đều tăng hơn 4%; VCG tăng 3,31%; CII, BCG… tăng hơn 2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh nhẹ khi VCB, VPB, TCB, BID, HDB giảm trên dưới 0,5%.
Trên sàn HNX, thị trường cũng thiếu vắng sự hỗ trợ của dòng tiền mạnh và chỉ số chỉ đủ sức để có được đà tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 93 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 0,99 điểm (+0,42%) lên 237,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,3 triệu đơn vị, giá trị 581 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 1,82 triệu đơn vị, giá trị 13,96 tỷ đồng.
Cổ phiếu SHS vẫn có thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt 7,85 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 1,7% lên mức 17.500 đồng/CP.
Tiếp theo là CEO khớp 4,28 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 2,3% và HUT khớp 2,16 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 1,6% sau phiên tăng đột biến cuối tuần trước ngày 29/9.
Một số mã đáng chú ý là TNG đã có phiên tăng khá tốt 3,9% và chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 21.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 1,41 triệu đơn vị.
Cặp đôi nhỏ TTH và TKG cùng đứng tại mức giá trần với khối lượng dư mua đều hơn 0,1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng tạm dừng phiên sáng đầu tuần trong sắc xanh nhạt.
Chốt phiên sáng, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,17%) lên 88,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 12,52 triệu đơn vị, giá trị 192,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,65 triệu đơn vị, giá trị 48,66 tỷ đồng.
Cùng trong xu hướng chung của ngành, cổ phiếu đầu tư công C4G đã tăng 3,1%, chốt phiên sáng nay đứng tại mức giá 13.200 đồng/CP, thanh khoản đứng thứ 2 thị trường với 1,53 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Tuy nhiên, BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với 2,92 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng nhẹ 0,5% lên 21.900 đồng/CP.