Giao dịch chứng khoán sáng 20/6: Áp lực bán dâng cao, VN-Index thủng mốc 1.200

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mốc 1.200 điểm của VN-Index đã bị gãy sáng nay, mối lo về lạm phát vẫn là nguyên nhân chính khiến thị trường không ngắt được đà rơi.
Giao dịch chứng khoán sáng 20/6: Áp lực bán dâng cao, VN-Index thủng mốc 1.200

Trong tháng 6 trống các thông tin công bố từ các doanh nghiệp thì các thông tin về việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thông tin về ngày chốt quyền và thông tin về... giá xăng có khả năng lập tiếp kỷ lục đều biến thành các thông tin tiêu cực phản ánh vào giao dịch của thị trường.

Giá xăng vẫn là câu chuyện nóng nhất bởi việc giá xăng dầu tăng liên tục thời gian qua đang "ngấm dần" khiến nhiều loại hàng hóa tiêu dùng nhích lên. Ngân hàng Nhà nước, cơ quan quản lý về tiền tệ đã đưa quan điểm ưu tiên chống lạm phát trong chính sách điều hành của mình, đây là thông điệp quan trọng và khá rõ ràng của cơ quan này bởi từ trước tới nay, Ngân hàng Nhà nước hầu như phải cân bằng giữa 2 mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.

Tình huống hiện tại khi Việt Nam đang phải nhập khẩu lạm phát thì thông điệp trên có ý nghĩa về mặt dài hạn là ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô. Đây là thông điệp tốt cho thị trường chứng khoán, nhưng rõ ràng không mang lại tác dụng trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh đó và trong xu hướng thị trường giảm điểm mạnh, liên tục các thông tin về phát hành thêm cũng như chia cổ tức bằng cổ phiếu bỗng trở thành thông tin tiêu cực bởi đồng nghĩa giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm, nhiều nhà đầu tư đang thua lỗ phải huy động thêm tiền đóng mua cổ phiếu mới phát hành thêm...

Quay trở lại với diễn biến phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 20/6, thị trường tiếp tục trong trạng thái không mấy tích cực khi dòng tiền tham gia khá yếu và sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế khiến chỉ số VN-Index rung lắc nhẹ quanh vùng giá tham chiếu.

Sau khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có phần khởi sắc hơn đã giúp thị trường hồi phục sắc xanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp lực bán luôn thường trực, trong khi lực cầu khá yếu khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu.

Lực bán ngày càng gia tăng và lan rộng hơn trên thị trường đã đẩy nhiều mã lớn bé lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu. Sau khoảng gần 90 phút giao dịch, số mã giảm điểm trên sàn HOSE đang chiếm hơn gấp đôi số mã tăng, trong đó nhóm VN30 cũng phần lớn mất điểm, đã đẩy VN-Index về dưới mốc 1.210 điểm.

Trái với diễn biến đỏ điểm ở các nhóm cổ phiếu trụ cột, nhóm cổ phiếu thủy sản đồng loạt khởi sắc với nhiều mã tăng mạnh mẽ như ACL tăng kịch trần, AAM, CMX và IDI tăng trên dưới 5%, FMC tăng 3,4%, ASM tăng 2,5%...

Thị trường tiêu cực hơn về cuối phiên khi áp lực bán mạnh lan rộng khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index lại cắm đầu lao dốc, thủng mốc 1.200 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 95 mã tăng và có tới 359 mã giảm (42 mã giảm sàn), VN-Index giảm 21,73 điểm (-1,79%) xuống 1.195,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 313,59 triệu đơn vị, giá trị 7.310,87 tỷ đồng, giảm 22,86% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 17/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 22,42 triệu đơn vị, giá trị 613,22 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 4 mã giữ được sắc xanh và 2 mã đứng giá tham chiếu, trong khi có tới 24 mã giảm. Điểm sáng là cổ phiếu VNM đi ngược xu hướng chung và ghi nhận phiên giao dịch tăng tốt. Chốt phiên sáng, cổ phiếu VNM tăng 3,1% lên mức 68.800 đồng/CP.

Ngoài ra, VJC tăng 1%, FPT và VCB nhích nhẹ chưa tới 0,5%; cùng ACB và BVH đứng giá tham chiếu.

Trái lại, sau tín hiệu khởi sắc đầu phiên, cổ phiếu lớn chứng khoán SSI đảo chiều giảm mạnh và có thời điểm nằm sàn. Chốt phiên, SSI giảm 6,3% xuống mức 19.300 đồng/CP.

Bên cạnh đó, cổ phiến lớn ngành thép là HPG tiếp tục giảm sâu dù thoát nằm sàn khi để mất 6,5%, chốt phiên tại mức giá 21.700 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác giảm mạnh như GAS giảm 5,8% xuống vùng giá thấp nhất trong phiên 126.200 đồng/CP, PLX giảm 4,5% xuống 40.000 đồng/CP, MWG và PNJ cùng giảm 3,3%, VRE giảm 2,6%, VHM giảm 1,4%...

Xét về nhóm ngành, bên cạnh SSI, các cổ phiếu khác nhóm chứng khoán cũng diễn biến tiêu cực. Trong đó, VND giảm 6,2% xuống gần giá sàn 15.850 đồng/CP, nhưng có thanh khoản tốt nhất thị trường khi đạt xấp xỉ 16,6 triệu đơn vị. Các mã khác như VIX giảm 5,6%, CTS giảm 6,5%, AGR giảm 6,2%, APG giảm sàn...

Dòng bank cũng chỉ còn 3 mã là SHB, VCB, LPB và EIB giữ được sắc xanh cùng ACB đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm. Trong đó, VIB giảm mạnh nhất khi để mất hơn 5%; BID và HDB giảm hơn 2%; TCB, VPB, CTG, STB… giảm hơn 1%.

Nhóm thép cũng không ngoài xu hướng chung. Bên cạnh HPG giảm sát sàn, các mã NKG, SMC, HSG, TLH đều giảm sàn.

Nhóm bất động sản lần lượt lùi sâu hơn với hàng loạt mã như ITA, LDG, HQC, TCD, BCG, MCG, TDC… đều chốt phiên nằm sàn.

Trên sàn HNX, thị trường cũng giảm mạnh về vùng giá thấp nhất phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có tới 142 mã giảm (23 mã giảm sàn) trong khi chỉ có 36 mã tăng, HNX-Index giảm 5,47 điểm (-1,95%) xuống 274,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,9 triệu đơn vị, giá trị 772,45 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,49 triệu đơn vị, giá trị hơn 37 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 chỉ còn VNR và THD giữ sắc xanh với mức tăng nhẹ trên dưới 1%, cùng 4 mã BVS, HUT, NVB, TNG đứng giá tham chiếu, còn lại đều giảm.

Cụ thể, PVC giảm sàn, L14 giảm 9,5%, L18 và PVS cùng giảm 7,9%, MBS giảm 7,4%, CEO giảm 6,7%, SLS giảm 6,6%...

Trong đó, PVS giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 7,63 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là SHS khớp xấp xỉ 3,7 triệu đơn vị và CEO khớp 2,93 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán trên HNX cũng tiêu cực. Bên cạnh SHS giảm sâu, các mã khác như ART giảm 6,5%, MBS giảm 7,4%, TVC giảm 2,7%, VIG giảm 6,5%...

Trên HNX, thị trường cũng không thoát khỏi xu hướng giảm trước áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,65 điểm (-0,75%) xuống 86,45 điểm với 80 mã tăng và 150 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 34,65 triệu đơn vị, giá trị 796,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,39 triệu đơn vị, giá trị 22,49 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR cũng trong xu hướng chung của thị trường và ngành dầu khí nói riêng khi xác nhận phiên giảm sâu. Chốt phiên, BSR giảm 6,3% xuống 29.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 18,22 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu nhỏ VHG khớp hơn 2,92 triệu đơn vị và chốt phiên giảm sàn về mức 3.100 đồng/CP.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục