Thị trường đang trải qua chuỗi giảm điểm mạnh sau khi lên thử thách vùng đỉnh cũ 1.530 điểm không thành.
Nhiều thông tin tiêu cực liên quan đến khởi tố lãnh đạo một số doanh nghiệp, cùng những tin đồn thất thiệt đã khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang, đẩy mạnh bán ra, khiến VN-Index lao dốc mạnh. Trong 11 phiên kể từ tuần đầu của tháng 4, thị trường chỉ có 3 phiên tăng điểm, trong đó chỉ có phiên 13/4 hồi tốt, còn lại phiên 4/4 và 6/4 chỉ tăng nhẹ, còn lại đều là những phiên giảm mạnh. Đáng chú ý, phiên hồi ngày 13/4 dường như chỉ là phiên bulltrap và nhiều nhà đầu tư mua đuổi bắt đáy phiên này đã bắt phải dao rơi.
Bulltrap một lần nữa xuất hiện trong phiên hôm qua khi thị trường hồi khá mạnh trong phiên sáng sau phiên lao dốc ngày 18/4, nhưng bước sang phiên chiều, lực bán ồ ạt xả ra đẩy hàng trăm mã giảm, trong đó riêng HOSE có tới 98 mã giảm sàn. VN-Index đóng cửa thêm phiên mất hơn 26 điểm xuống mức thấp nhất ngày và xuyên thủng luôn đường MA200 với các tín hiệu kỹ thuật khác cũng tiêu cực, xác định xu hướng giảm dài hạn.
Diễn biến thị trường giai đoạn này khiến nhà đầu tư bất an, mỗi khỉ chỉ số xuống ngưỡng hỗ trợ vẫn có dòng tiền bắt đáy, nhưng hành động "bắt dao rơi" đều "chảy máu" khi VN-Index sau đó còn giảm mạnh hơn.
Phiên sáng nay (20/4) một lần nữa lại như vậy, hy vọng "sự bất quá tam". Khi VN-Index xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.400, dòng tiền lại bắt đáy khá tích cực kéo chỉ số vượt trở lại ngưỡng này để kết phiên sáng ở mức giá xanh. Lần "bắt dao rơi" hôm nay tâp trung nhiều hơn ở nhóm Bluechips, chưa quá quyết liệt nhưng đủ để VN30-Index bật tăng tích cực.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn trên thị trường sáng nay đã có tút trên trang cá nhân với đoạn kết rằng "thị trường mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro". Nếu nhìn vào diễn biến giá các cổ phiếu cơ bản trong nhóm VN30 thì mức giá đang về vùng hấp dẫn, nhiều cổ phiếu đã về mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm vừa qua.
Về diễn biến chi tiết phiên sáng nay, sau khi trải qua những phiên bulltrap trước đó, tâm lý nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn. Lực bán vẫn thắng thế, trong khi bên mua không còn dám mạo hiểm bắt đáy, khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử với hơn 330 mã giảm, trong đó 10% giảm sàn, trong khi số mã tăng ít hơn khoảng 4 lần.
Các mã có tính đầu cơ cao như nhóm FLC, nhóm bất động sản vừa và nhỏ, nhóm liên quan đến Louis, thậm chí một số mã dầu khí, dược cũng đều bị bán mạnh và tiếp tục có phiên giảm sàn với dư bán sàn khá lớn.
Dù vậy, VN-Index lại không lao mạnh như 2 phiên vừa qua khi nhận được lực kéo từ nhóm VN30, có thể kể đến như HPG, CTG, PLX, ACB, CTG, SSI... Nhiều nhà đầu tư đã mạnh dạn mua vào giá xanh, nhưng về tổng thể lực cầu chưa có đột biến khi thanh khoản nhóm VN30 đạt mức trung bình hơn 3.600 tỷ đồng phiên sáng, và toàn sàn HOSE thanh khoản cũng ở mức trung bình trên 11.000 tỷ đồng.
Sau 1 tiếng đồng hồ giao dịch, lực bán gia tăng ở nhóm VN30 khiến chỉ số này lùi xuống dưới tham chiếu, qua đó cũng đẩy VN-Index lùi sâu về vùng 1.390 điểm. Tuy nhiên, ở vùng điểm này, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc, kéo nhiều mã hồi phục trở lại, số sắc xanh từ mức 88 mã đầu phiên sáng, tạm bước vào giờ nghỉ trưa đã tăng lên thành 155 mã, trong khi số mã giảm từ 336 mã, chỉ còn 295 mã, trong đó số mã giảm sàn cũng chỉ còn 22 mã so với con số 37 nửa đầu phiên sáng. VN-Index theo đó cũng được kéo mạnh trở lại lên trên tham chiếu với thanh khoản cải thiện.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng nhẹ 2,32 điểm (+0,16%), lên 1.408,7 điểm với 155 mã tăng và 295 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 387,2 triệu đơn vị, giá trị 11.109,6 tỷ đồng, tăng 20,7% về khối lượng và nhích nhẹ về giá trị so với phiên sáng qua, cho thấy dòng tiền bắt đáy đang hướng vào các mã vừa và nhỏ bị bán tháo mấy phiên vừa qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,9 triệu đơn vị, giá trị 475 tỷ đồng.
Lực cầu bắt đáy giúp nhiều mã như FCN, MHC, TNI, VRC, CIG, DAH, TCO, SJF, HQC, DRH, CII, QBS, AMD, FIT, JVC, HBC, ASM… thoát mức giá sàn. Trong khi đó, nhiều mã khác như nhóm FLC, Louis, NVT, FTM, DLG, TSC, PTL, TTB… vẫn giảm sàn, trong đó nhóm FLC vẫn còn dư bán sàn lớn.
Trong khi đó, nhóm VN30 hôm nay được sử dụng để kéo VN-Index, giúp thị trường không giảm sâu, tạo tâm lý hoang mang tiêu cực cho nhà đầu tư. Trong nhóm này, chỉ có 3 mã giảm là VJC, VHM và GAS, với mức giảm trên dưới 1%. Ngoài ra, có 3 mã đứng giá là GVR, NVL và POW, còn lại đều được kéo xanh, trong đó MSN có mức tăng mạnh nhất 3% lên 124.100 đồng. Tiếp đến là PLX tăng 2,4% lên 52.200 đồng, MBB và STB tăng 2% lên 29.900 đồng và 28.050 đồng.
Nhóm ngân hàng ngoài MBB và STB, nhiều mã khác cũng tăng điểm hôm nay như TPB, ACB, BID, CTG, VCB, MSB, VPB, HDB, TCB…
Về khối lượng, HQC là mã có thanh khoản tốt nhất với 12,3 triệu đơn vị, tiếp đến là VPB với 11,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng phần lớn thời gian giao dịch dưới tham chiếu do lực bán chiếm ưu thế, dù sự xuất sắc của NVB đã giúp chỉ số thu hẹp đáng kể đà giảm so với mức đáy.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 62 mã tăng và 161 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,1%), xuống 392,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51,48 triệu đơn vị, giá trị 1.106,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,14 triệu đơn vị, giá trị 311,1 tỷ đồng.
Trong số các trụ đỡ giúp chỉ số nảy lên phải kể đến NVB, khi tăng mạnh 6,1% lên 40.000 đồng, cùng với đo là một vài sắc xanh lác đác khác trên bảng điện tử, như TNG +2% lên 40.100 đồng, SHS +1,9% lên 21.300 đồng, PVS +1,7% lên 30.500 đồng.
Trong khi đó, phần còn lại, nhất là các cổ phiếu có thanh khoản cao đều chìm trong sắc đỏ, với những cổ phiếu giảm khá mạnh như APS -7,9% xuống 19.900 đồng, KLF -7,3% xuống 3.800 đồng, BII -7,2% xuống 7.700 đồng, IDJ -6,5% xuống 20.200 đồng, LIG -6,5% xuống 10.100 đồng, TVC -6,4% xuống 13.200 đồng…
Các cổ phiếu khác như HUT -4,5%, ART -5,5%, TAR -4,2%, MBG -3,8%, OCH -7,3% DL1 -4,9%, trong khi CEO và IDC may mắn chỉ giảm nhẹ 1,6% và 0,3%.
Thanh khoản phiên này KLF cao nhất với 4,63 triệu đơn vị khớp lệnh, TNG khớp 2,8 triệu đơn vị, SHS khớp 2,4 triệu đơn vị, IDC khớp 2,37 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chịu sức ép từ sớm và liên tục đi xuống, tạo đáy trong phiên và thu hẹp hơn một nửa đà giảm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,43 điểm (-0,4%), xuống 107,88 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,58 triệu đơn vị, giá trị 640,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,14 triệu đơn vị, giá trị 1,62 tỷ đồng.
Giao dịch vẫn rất ảm đạm, với khoảng hơn 20 thanh khoản cao nhất, thì chỉ PAS, CLX nhích nhẹ.
Còn lại đều giảm, trong đó, VHG lùi về giá sàn -14,5% xuống 5.300 đồng, khớp 1,45 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 2 triệu đơn vị.