Mặc dù thị trường vẫn duy trì đà tăng điểm trong tuần thứ 2 của tháng 8 nhưng tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau tuần tăng khá tốt khiến VN-Index không tiến xa. Thêm vào đó, giao dịch nhà đầu tư nước ngoài cũng kém tích cực khi đẩy mạnh bán ròng, đạt 850 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với tuần trước đó.
Tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 1,1% và kết thúc tuần may mắn giữ được mốc 850 điểm; trong khi HNX-Index khởi sắc hơn nhờ giao dịch bùng nổ của VCG, khi tăng hơn 3% và kết thúc tuần tại mức 116,23 điểm.
Đáng chú ý, trong phiên cuối tuần ngày 14/8, bên cạnh việc khối ngoại ghi nhận phiên bán ròng mạnh nhất trong gần 1 tháng qua, thanh khoản không mấy cải thiện cùng độ rộng thị trường ở trạng thái tiêu cực, cho thấy tâm lý lạc quan ở các phiên tiếp theo đang yếu dần.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), các thông tin về vắc-xin đang tạo một sự hưng phấn nhất định lên thị trường và có thể tạo một đợt hồi phục ngắn trong thời gian tới.
Ở vùng giá hiện tại, nếu so sánh với hoạt động doanh nghiệp năm nay cho thấy định giá nhiều cổ phiếu hiện tại không hẳn là hấp dẫn do chất lượng tài sản suy giảm và lợi nhuận cũng khó đạt kế hoạch đề ra.
Ông Khanh nhận định, thị trường sẽ có thêm vài nhịp rung lắc để tạo một mặt bằng giá hấp dẫn hơn cho năm sau. Nói vậy không phải thị trường đang đi vào downtrend, mà là thị trường đang rất gần điểm hồi phục và tăng trưởng trở lại.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 17/8, áp lực bán vẫn chiếm ưu thế khiến thị trường tiếp tục mở cửa trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, chỉ số VN-Index không giảm quá sâu và nhanh chóng bật ngược đi lên, diễn biến lình xình giằng co quanh vùng giá 850 điểm trước bối cảnh thị trường phân hóa khá mạnh.
Không chỉ các cổ phiếu bluechip, các mã vừa và nhỏ trên thị trường cũng dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản khá nhỏ giọt. Sau gần 1 giờ giao dịch, vẫn chưa có mã nào có khối lượng khớp lệnh đạt 2 triệu đơn vị.
Tâm điểm đáng chú ý vẫn là cổ phiếu HAP khi xác lập phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp và tạm đứng tại mức giá 5.180 đồng/CP. Tính trong hơn nửa đầu tháng 8, cổ phiếu HAP đã tăng 72,67%.
Một trong những nhân tố chính giúp cổ phiếu HAP bay xa là việc Công ty thông qua chủ trương đầu tư 5 dự án lớn tại Hải Phòng đã kích thích dòng tiền chảy vào cổ phiếu này. Trong đó, đáng chú ý có dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt – Hàn với tổng mức đầu tư dự kiến là 2.400 tỷ đồng, và dự án Trung tâm thương mại Quốc tế tiêu chuẩn 5 sao tại số 135 Điện Biên Phủ, Hồng Bảng, Hải Phòng.
Sau nửa đầu phiên cố gắng giữ sắc xanh, áp lực bán đã chiếm ưu thế trên bảng chính, khiến số mã giảm tăng vọt, VN-Index theo đó dần đi xuống dưới tham chiếu mất mốc 845 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ có 92 mã tăng và có tới 288 mã giảm, VN-Index giảm 6,44 điểm (-0,76%), xuống 844,3 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 128,1 triệu đơn vị, giá trị 2.046 tỷ đồng, giảm gần 20% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 8,63 triệu đơn vị, giá trị 165,9 tỷ đồng.
Rổ VN30 chỉ còn 2 mã tăng là TCB +0,5% lên 19.900 đồng và HDB +0,2% lên 27.450 đồng, cùng KDH và VCB đứng tham chiếu.
Còn lại đều giảm, trong đó, đáng kể như SAB -2,2% xuống 181.000 đồng; MWG -2,3% xuống 81.200 đồng; VJC -1,7% xuống 98.900 đồng; VRE -1,7% xuống 26.400 đồng; MSN -1,3% xuống 52.700 đồng; PNJ -1,4% xuống 55.800 đồng...
Nhóm cổ phiếu thị trường còn tăng điểm có OGC, PVD, HBC, TTF, SCR, BCE, trong đó, OGC khớp hơn 4,3 triệu đơn vị; PVD khớp 3,19 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu HAP tiếp tục tăng kịch trần +6,8% lên 5.180 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VPS cũng tăng hết biên độ +7% lên 23.050 đồng, khớp gần 70.000 đơn vị. Nếu không có gì thay đổi trong phiên chiều, VPS sẽ có phiên 16 liên tiếp tăng điểm, trong đó có 15 phiên tăng kịch trần.
Trong số các mã giảm, đáng kể có PLP, khi mở cửa tăng vọt lên mức giá trần, nhưng áp lực bán mạnh xuất hiện và kéo mã này lùi về dưới tham chiếu -0,6% xuống 7.960 đồng, khớp hơn 1,33 triệu đơn vị.
Thanh khoản dẫn đầu sàn HOSE là ROS với hơn 4,6 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 2,6% xuống 2.210 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng giằng co mạnh quanh tham chiếu trong nửa đầu phiên, và sau đó cũng lùi hẳn về sắc đỏ sau đó.
Nhóm cổ phiếu gây áp lực là SHB -1,6% xuống 12.300 đồng; VCS -0,8% xuống 60.500 đồng; PVS -0,8% xuống 12.000 đồng; NVB -1,2% xuống 8.400 đồng; NTP -3,5% xuống 28.000 đồng; SHS -0,9% xuống 10.600 đồng; CEO -1,5% xuống 6.800 đồng, và các sắc đỏ khác tại TNG, TAR, MBG, GKM, PLC, NDN…
Các mã tăng đáng kể có VCG +3,5% lên 30.000 đồng; PVI +2% lên 30.800 đồng, cùng 2 mã nhỏ HUT, DST tăng kịch trần.
Trong khi đó, cổ phiếu lớn nhất sàn là ACB về tham chiếu tại 25.300 đồng.
Thanh khoản ACB cũng cao nhất sàn với hơn 2,13 triệu đơn vị khớp lệnh; PVS có 1,83 triệu đơn vị; HUT có 1,46 triệu đơn vị; SHS có 1,42 triệu đơn vị; NVB có hơn 1,25 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 36 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index giảm 0,41 điểm (-0,35%), xuống 115,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,9 triệu đơn vị, giá trị 219,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,19 triệu đơn vị, giá trị 18,22 tỷ đồng.
Trên UpCoM, diễn biến tương tự, với sự giằng co, rung lắc của chỉ số UpCoM-Index trong nửa đầu phiên và rút lui về dưới tham chiếu trong nửa sau của phiên.
Các mã giao dịch đáng kể có LPB, khi khớp lệnh cao nhất với hơn 4,3 triệu đơn vị, giảm 1,1% xuống 8.600 đồng; cổ phiếu BM9 khớp hơn 1,57 triệu đơn vị, đứng tham chiếu tại 10.200 đồng, và cổ phiếu AAS tăng kịch trần +14,8% lên 30.300 đồng, khớp hơn 1,14 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,21%), xuống 56,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,1 triệu đơn vị, giá trị 175,43 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,1 triệu đơn vị, giá trị 4,72 tỷ đồng.