Giao dịch chứng khoán sáng 16/9: Lực bán gia tăng, VN-Index thủng mốc 1.250 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trên diện khiến bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, trong đó các nhóm trụ cột cũng đồng loạt đảo chiều điều chỉnh, đã đẩy VN-Index về dưới mốc 1.250 điểm.
Giao dịch chứng khoán sáng 16/9: Lực bán gia tăng, VN-Index thủng mốc 1.250 điểm

Thị trường chứng khoán không nằm ngoài sự ảnh hưởng của “cơn bão Yagi” khi trải qua tuần giao dịch ảm đạm với diễn biến chỉ số VN-Index liên tục giảm cùng thanh khoản rơi xuống mức thấp nhất từ đầu năm. Chỉ số VN-Index đã đánh mất hầu hết các đường trung bình ngắn hạn MA10, MA20, tuy nhiên, điểm tích cực là vùng hỗ trợ 1.250 điểm vẫn được giữ vững.

Với tâm lý nhà đầu tư giao dịch thận trọng, thị trường được dự báo khả năng sẽ tiếp tục sideway trong biên độ hẹp, tìm kiếm điểm cân bằng. Tuy nhiên theo VCBS, hai chỉ báo quan trọng là MACD và RSI đã dần tạo đáy và hình thành phân kỳ dương, cho thấy thị trường sẽ sớm ghi nhận nhịp hồi phục ngắn hạn.

Thanh khoản thấp sẽ là trở ngại cho nỗ lực này, mặc dù thanh khoản thấp cũng là chỉ tiêu tích cực cho thấy lực bán ra đã yếu đi rất nhiều.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng đầu tuần ngày 16/9, tâm lý thận trọng khiến thị trường duy trì trạng thái giao dịch ảm đảm. Chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ khi thị trường giao dịch phân hóa.

Sau gần 1 giờ giao dịch, sắc xanh le lói trở lại ở các nhóm cổ phiếu trụ cột bank – chứng – thép đã giúp VN-Index dần hồi phục. Tuy nhiên, dòng tiền tham gia khá yếu khiến các mã này khó bật mạnh và chỉ số chung chỉ tăng nhẹ. Hiện TPB đang có thanh khoản tốt nhất thị trường với gần 8 triệu đơn vị và giá cổ phiếu đang nhích nhẹ 0,3%; tiếp theo là TCB khớp 3,55 triệu đơn vị và giá tăng 1,8%...

Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên, đặc biệt là sự đảo chiều của các nhóm trụ cột bank – chứng - thép, đã khiến VN-Index chính thức thủng mốc 1.250 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 115 mã tăng và 252 mã giảm, VN-Index giảm 4,62 điểm (-0,37%) xuống 1.247,09 điểm. Thanh khoản tiếp tục sụt giảm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 258,2 triệu đơn vị, giá trị 5.640,2 tỷ đồng, tăng 20,43% về khối lượng và 12,35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,7 triệu đơn vị, giá trị 912,36 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã tăng và 22 mã giảm, chốt phiên chỉ số nhóm này cũng giảm hơn 4 điểm. Trong đó, điểm sáng là cổ phiếu SSB tiếp tục ngược dòng thị trường chung và giao dịch khởi sắc sau những phiên giảm mạnh trước đó. Chốt phiên, SSB tăng 3,6% lên mức 15.800 đồng/CP và khớp 1,27 triệu đơn vị. Tiếp theo là TCB vẫn tăng khá tốt 1,1% và khớp lệnh 5,7 triệu đơn vị; còn MBB, GVR, VIB, BVH tăng nhẹ chưa tới 0,5%.

Trái lại, các mã POW, BCM, VHM, GAS, MWG đang giảm sâu nhất trong rổ bluechip, đều giảm hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu AGM vẫn bảo toàn sắc tím, xác lập phiên tăng trần thứ 5 liên tiếp sau khi Công ty giải trình và đưa ra biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát. Hiện AGM đứng tại mức giá 3.960 đồng/CP với khối lượng dư mua trần gần 0,3 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, trái với diễn biến tích cực đầu phiên, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép đã đồng loạt đảo chiều giảm. Trong đó đáng kể là nhóm chứng khoán, với HCM giảm 2,2%, VIX giảm 0,9%, SSI và VND cùng giảm nhẹ…

Ở nhóm cổ phiếu thép, HPG cũng đảo chiều giảm nhẹ 0,2%, HSG giảm 0,8%, còn NKG giảm 0,5%.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng chớm đỏ, với sức ép chính đến từ VCB, CTG, ngoài ra hàng loạt mã trong ngành cũng đã đảo chiều điều chỉnh như SHB, TPB, VPB, MSB, STB… Điểm sáng ngành thuộc về cổ phiếu TCB, SSB và NAB với diễn biến khởi sắc về giá và thanh khoản khá sôi động trong ngành.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến bảng điện tử tràn ngập sắc đỏ và chỉ số HNX-Index đảo chiều điều chỉnh giảm.

Chốt phiên, sàn HNX có 42 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,96 điểm (-0,41%) xuống 231,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 18,57 triệu đơn vị, giá trị 285,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 97,4 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 kém khả quan về cuối phiên khi tạm dừng ở mốc 500 điểm, giảm gần 4 điểm, với 19 mã giảm và chỉ còn 6 mã tăng. Trong đó, các mã SHS, TNG, CEP, MBS, PVS… đều đảo chiều giảm, với SHS chỉ khớp hơn 1,5 triệu đơn vị và TNG khớp 1,1 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu VHE là điểm sáng khi chốt phiên tăng kịch trần lên mức 3.400 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với gần 2,3 triệu đơn vị. Ngoài ra, ITQ cũng khoe sắc tím thành công và khối lượng khớp lệnh thuộc top 5 trên toàn thị trường, đạt gần 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, nhận tín hiệu từ thị trường niêm yết, chỉ số UPCoM-Index cũng đảo chiều giảm trong nửa cuối phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,53%) xuống 92,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 9,7 triệu đơn vị, giá trị 137 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,38 triệu đơn vị, giá trị 5,1 tỷ đồng.

Toàn thị trường chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, bao gồm BSR khớp 1,64 triệu đơn vị và chốt phiên đứng giá tham chiếu 23.200 đồng/CP; cùng DGT khớp gần 1,5 triệu đơn vị và chốt phiên tăng 6,1% lên 7.000 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục