Giao dịch chứng khoán sáng 16/4: Nhà đầu tư dừng lại quan sát, VN-Index “bất động“

(ĐTCK) Hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng phái sinh VN30F2004, cộng với việc thị trường đã tăng 13 trên 15 phiên gần nhất hướng đến vùng kháng cự 780-800 điểm được hội tụ bởi dải Bollinger Band trên và “khoảng trống” giá được hình thành từ ngày 12/3 nên áp lực áp đã xuất hiện và hiện tượng rung lắc trong phiên có lẽ không quá bất ngờ.
Giao dịch chứng khoán sáng 16/4: Nhà đầu tư dừng lại quan sát, VN-Index “bất động“

Trong phiên hôm qua, sau nửa đầu phiên sáng lình xình, 2 chỉ số chính đã bứt lên trong nửa cuối phiên với sắc xanh chiếm thế áp đảo.

Càng giao dịch, tâm lý nhà đầu tư càng ổn định, lực cầu theo đó được duy trì tốt giúp VN-Index nới rộng đà tăng lên chinh phục ngưỡng 780 điểm. Tuy nhiên, áp lực bán tại đây khá lớn đã khiến VN-Index thoái lui, nhưng đóng cưa vẫn tăng gần 10 điểm lên hơn 777 điểm.

Theo MBS thì thị trường đang hướng đến vùng mục tiêu 798,5 điểm. Do đó, thị trường có thể xuất hiện nhiều đợt rung lắc trong vùng từ 780 điểm đến vùng giá mục tiêu.

Bên cạnh đó, BVSC cũng lưu ý, hôm nay là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai VN30F2004 nên các cổ phiếu trong rổ VN30 có thể có biến động khó lường, qua đó khiến cho thị trường có thể chịu các nhịp biến động mạnh trong phiên.

Bước vào phiên giao dịch sáng nay 16/4, áp lực bán xuất hiện ngay từ sớm, mặc dù không quá lớn nhưng tập trung vào nhóm VN30, khiến hơn 20 mã giảm điểm đã khiến VN-Index giảm điểm ngay khi mở cửa, và chỉ khi về sát mốc 770 điểm, chỉ số mới bật trở lại, nhưng chưa thể trở lại tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch do lực cầu là không đủ còn tâm lý nhà đầu tư còn dè dặt chờ đợi thêm các tín hiệu khác từ thị trường.

Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ phân hóa mạnh, nhưng họ cổ phiếu FLC lại đồng loạt tăng và vẫn giữ được thanh khoản thuộc top cao nhất HOSE.

Đáng chú ý nhất là FRT, khi nối tiếp phiên hôm qua tăng kịch trần khá nhanh sau khi mở cửa đi kèm thanh khoản tương đối tốt với hơn 0,75 triệu đơn vị.

Có lẽ việc thị giá cổ phiếu về vùng thấp nhất lịch sử tại mức 10.500 đồng vào ngày 30/3 vừa qua đã khiến cổ phiếu này nhận lực mua bắt đáy lớn, khi 11 phiên sau đó đã tăng 8 phiên, trong đó có 6 phiên tăng hết biên độ.

Ngoài FRT, một số mã cũng đã có thời điểm chạm mức giá trần nhưng thanh khoản thấp hơn như YEG, SVC, CSV, HCD…

Sau nửa đầu phiên điều chỉnh, lực mua đã dần trở lại, nhưng vẫn còn khá dè dặt và chỉ tập trung ơ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, còn bluechip vẫn giao dịch lình xình, nên VN-Index chỉ kịp vươn lên tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 178 mã tăng và 149 mã giảm, VN-Index gần như không đổi ở giá tham chiếu tại 777,23 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 133,6 triệu đơn vị, giá trị 1.923 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,23 triệu đơn vị, giá trị 319 tỷ đồng.

Giao dịch tại nhiều bluechip có phần nhàm chán, trong đó, rổ VN30 có 21 mã giảm, nhưng gần như đa số chỉ giảm nhẹ, mất hơn 1% chỉ một số mã ngân hàng như BID -1,2% xuống 36.850 đồng; VPB -1,6% xuống 21.400 đồng; TCB -1,2% xuống 17.350 đồng; CTG -1% xuống 19.650 đồng và MWG -1%, PNJ -1,2%, MSN -1%, POW -1,3%.

Mặc dù vậy, điểm sáng lớn thuộc về SAB và PLX. Cụ thể, SAB +5,23% lên 67.300 đồng; PLX +3,1% lên 41.150 đồng, cùng với đó là GAS +1,1% lên 67.300 đồng; VJC +1,6% lên 112.600 đồng.

Thanh khoản rổ VN30 cao nhất là ROS với hơn 6,7 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2,8% lên 4.110 đồng. Tiếp theo là STB với 5,32 triệu đơn vị, nhích nhẹ 0,6%. POW có 3,6 triệu đơn vị; HPG có 3,5 triệu đơn vị. Nhóm PLX, VRE, SBT, VPB, CTG, MBB có từ 1 triệu đến 2,4 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường tiếp tục phân hóa, nhưng trong nửa phiên sau, một số đã bật mạnh lên, đáng kể là ITA và PVT khi cùng tăng kịch trần, trong đó, ITA vươn lên dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 7,34 triệu đơn vị khớp lệnh; PVT có 3,53 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số cũng có sắc tím khá đi kèm thanh khoản khá còn có HAR, TTB, BFC, VRC, TLH, YEG và 2 mã BMI, FRT giữ vững mức giá trần.

Trái lại, ABS tiếp tục mất thanh khoản phiên thứ 4 liên tiếp và là phiên thứ 5 giảm sàn -7% xuống 24.600 đồng, khớp chỉ được gần 1.800 đơn vị, trong khi lệnh bán chất đống.

Trên sàn HNX, HNX-Index may mắn đôi chút hơn VN-Index, khi kịp lên tham chiếu trong những phút cuối sau khoảng thời gian trước đó giao dịch dưới sắc đỏ.

Sự phân hóa mạnh cũng diễn ra, nhưng các cổ phiếu tăng điểm chỉ còn ACB +1% lên 20.400 đồng; PVS +1,7% lên 12.000 đồng; VCS +1,7% lên 65.000 đồng; AMV +6,8% lên 15.800 đồng là đáng kể, cùng các mã nhỏ DST, LAS, MPT tăng kịch trần.

Trong khi đó, SHB -1,1% xuống 17.800 đồng; VCG -0,8% xuống 24.800 đồng; PVI -0,7% xuống 30.500 đồng; SHS -2,2% xuống 9.000 đồng; TAR -4,3% xuống 33.200 đồng; CEO -1,5% xuống 6.800 đồng; NDN -1,2% xuống 16.500 đồng và 2 mã nhỏ PVX và MBG giảm sàn.

Không ít mã đứng tham chiếu như HUT, TNG, NVB, ART, KLF, TIG, PLC, SPP, TIG…

Thanh khoản PVX cao nhất sàn với hơn 3,2 triệu đơn vị khớp lệnh. PVS có 2,3 triệu đơn vị; ACB có 1,1 triệu đơn vị; HUT có 1,1 triệu đơn vị; SHS có 0,98 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 46 mã giảm, HNX-Index tăng 0,1 điểm (+0,1%), lên 108,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,7 triệu đơn vị, giá trị 232,3 tỷ đồng.Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giảm ngay khi mở cửa và tạo đáy vào giữa phiên và bật lên sau đó, nhưng cũng do lực cầu không đủ mạnh nên chỉ số chỉ thu hẹp được biên độ giảm và vẫn kết phiên trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao giao dịch tích cực hơn phần còn lại với LPB, OIL, LTG, VIB, ACB, BCM, M10 tăng điểm. Trong khi chỉ có VGI, QNS và DRI mất điểm là đáng kể, cùng BSR, G36, VGT và HND đứng tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,24%), xuống 51,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,44 triệu đơn vị, giá trị 94,84 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ