Giao dịch chứng khoán sáng 15/9: Thị trường "quay xe" giảm điểm, cổ phiếu dầu khí vẫn khởi sắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên đã khiến thị trường trở lại rung lắc và điều chỉnh giảm nhẹ. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tích cực khi ngược dòng thị trường chung và khởi sắc thành công.
Giao dịch chứng khoán sáng 15/9: Thị trường "quay xe" giảm điểm, cổ phiếu dầu khí vẫn khởi sắc

Cũng như lần chinh phục thành công vùng thử thách tâm lý mạnh 1.200 điểm, thị trường đã gặp những trắc trở khi tiếp cận vùng đỉnh mới trong năm nay của thị trường tại mốc 1.250 điểm. Chỉ trong thời gian ngắn chưa tới 10 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã đón nhận 2 đợt hồi phục mạnh để tiến tới vùng đỉnh, nhưng đã nhanh chóng “bật tường ngã ngửa” ngay khi đối mặt.

Phiên giao dịch hôm qua ngày 14/9 là phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp sau khi thử thách bất thành ngưỡng cản mạnh 1.250 điểm. Đáng chú ý, đây là phiên hàng T+ tại vùng đỉnh ngày 12/9 về tài khoản, nên áp lực bán đã gia tăng mạnh trong phiên chiều, đẩy VN-Index về vùng giá thấp nhất ngày.

Chỉ số VN-Index kết phiên giảm điểm với cây nến dạng Bearish Engufling đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày đi kèm thanh khoản ở mức cao, phát đi tín hiệu tiêu cực đầu tiên sau khi chỉ số kiểm tra lại đỉnh cũ.

Quay lại diễn biến thị trường chứng khoán phiên sáng cuối tuần ngày 15/9, lực cầu khá tốt đến từ nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index nhanh chóng hồi phục sắc xanh ngay khi mở cửa.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và dầu khí đang là điểm sáng và động lực chính cho thị trường. Trong đó, cổ phiếu GAS có đóng góp lớn nhất là hơn 1,1 điểm cho chỉ số chung, hiện đang tăng trên dưới 2%.

Các cổ phiếu khác trong nhóm dầu khí cũng tăng tốt như PVD tăng 3-4%, PVS và PVC tăng 4-5%, hay trên UPCoM, BSR cũng nhanh chóng khởi sắc trở lại và hiện đang tăng hơn 3% cùng thanh khoản sôi động…

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đua nhau khởi sắc, ngoại trừ VCB và VPB điều chỉnh nhẹ 0,2%. Trong đó, STB và MBB là điểm sáng của ngành nói riêng và toàn thị trường nói chung, hiện lần lượt tăng 3,9% và 2,6%, với thanh khoản sôi động nhất thị trường, lần lượt đạt hơn 19 triệu đơn vị và 14,5 triệu đơn vị.

Sau nửa phiên tăng khá tốt, áp lực bán dần dâng cao đã khiến thị trường trở nên rung lắc và đảo chiều giảm nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 204 mã tăng và 253 mã giảm, VN-Index giảm 0,4 điểm (-0,03%), xuống 1.223,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 408,67 triệu đơn vị, giá trị 9.592 tỷ đồng, giảm cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,25 triệu đơn vị, giá trị 563,38 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn tăng nhẹ chưa tới 1 điểm với sự đóng góp chính vẫn là GAS chốt phiên tăng 2,3% lên mức 108.400 đồng/CP, tiếp theo là VHM tăng 1,1%. Tuy nhiên, cổ phiếu khác nhà Vingroup là VIC tiếp tục gia tăng sức ép lên thị trường dù mở màn khá thuận lợi. Tạm dừng phiên sáng nay, VIC giảm 2,9% xuống mức 53.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 9,27 triệu đơn vị, đã lấy đi gần 1,4 điểm của chỉ số chung.

Xét về nhóm ngành, cùng diễn biến tích cực của GAS, nhóm dầu khí vẫn ngược dòng thị trường chung và tỏa sáng. Cụ thể, PLX tăng 1,3%, PVD tăng 3%, PVS và PVC cùng tăng hơn 4%, BSR tăng 2,3%, OIL tăng 4,5%...

Trong khi đó, nhóm ngân hàng đuối sức hơn khi có thêm nhiều mã rung lắc và điều chỉnh nhẹ ngoài VCB và VPB, như VIB, OCB, CTG. Tuy nhiên, cặp đôi STB và MBB vẫn là điểm sáng ngành, lần lượt chốt phiên tăng 3% và 1,8%, với thanh khoản tiếp tục dẫn đầu thị trường, tương ứng đạt 24,66 triệu đơn vị và hơn 20 triệu đơn vị.

Mặt khác, nhóm chứng khoán lùi sâu hơn khi chỉ còn duy nhất FTS ngược dòng thành công với mức tăng hạn chế chưa tới 0,5%; còn lại đều mất điểm. Trong đó, cổ phiếu liên tục tăng trần trong những phiên vừa qua là APG giảm 1,65%; các mã lớn trong ngành như VCI, SSI đều giảm hơn 1%... Cổ phiếu VIX sôi động nhất dòng chứng khoán với 12,4 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên giảm 1%; tiếp theo là SSI và VND cùng khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Ở nhóm bất động sản, một số mã như NVL, DXG, KBC, HQC, ITA may mắn có được sắc xanh nhưng biên độ tăng hẹp, chủ yếu chưa tới 0,5%.

Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều giảm về cuối phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 58 mã tăng và 87 mã giảm, HNX-Index giảm nhẹ 0,01 điểm xuống 251,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 43,66 triệu đơn vị, giá trị 989,28 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,58 triệu đơn vị, giá trị 42,35 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu họ P là điểm sáng ngược dòng thị trường chung thành công, trong đó PVS chốt phiên tăng 4,2% với thanh khoản dẫn đầu đạt 7,58 triệu đơn vị; PVC tăng 4,7% và khớp 3,13 triệu đơn vị; PVB cũng tăng 4,9%.

Trái lại, nhóm chứng khoán đồng loạt mất điểm với SHS giảm 1% và thanh khoản đạt 6,73 triệu đơn vị; MBS giảm 2,5%, TVC giảm 4,5%, VIG giảm 1%, BVS giảm nhẹ 0,7%...

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu trong top HNX30 cũng đồng loạt lùi sâu hoặc trở lại điểm xuất phát như TAR giảm 3,2%, HUT và IDC đứng giá tham chiếu, CEO đảo chiều giảm nhẹ 0,7%...

Thị trường UPCoM cũng trong xu hướng mất điểm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%), xuống 93,47 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 39,62 triệu đơn vị, giá trị 476,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,6 triệu đơn vị, giá trị 8,77 tỷ đồng.

Cũng như sàn niêm yết, các cổ phiếu dầu khí trên UPCoM vẫn tỏa sáng, với BSR chốt phiên tăng 2,3% và thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt 8,07 triệu đơn vị; còn OIL tăng 4,5% với khối lượng giao dịch đạt 3,58 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản sôi động khác trên thị trường đều thuộc top thị giá nhỏ là PVX, SBS, BII, AAS, DCS, KSH cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị và chốt phiên đồng loạt giảm mạnh.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục