Mặc dù trong gần suốt thời gian giao dịch thị trường vẫn duy trì trạng thái giằng co nhẹ và liên tục đổi sắc, nhưng lực cầu gia tăng mạnh cuối phiên với điểm ấn tượng đến từ nhóm cổ phiếu chứng khoán, đã giúp VN-Index tăng vọt và giành lại mốc 1.180 điểm khi đóng cửa phiên 14/7.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh thứ 3, với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn, MA3 ngày, MA5 ngày, và MA10 ngày, kèm thanh khoản ở mức trung bình 20 phiên, cho tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, chỉ báo MACD và chỉ báo Relative Strength Index (RSI) vẫn chưa cho tín hiệu lạc quan rõ nét, cho thấy rủi ro thị trường tiếp tục rung lắc là vẫn còn.
Quay trở lại phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 15/7, thị trường vẫn trong trạng thái lình xình với thanh khoản khá yếu. Chỉ số VN-Index biến động nhẹ quanh vùng giá tham chiếu trong hơn 1 giờ giao dịch.
Cũng như những phiên giao dịch gần đây, các đợt sóng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, chỉ 1-2 phiên giao dịch. Cụ thể, nhóm cổ phiếu chứng khoán sau phiên bùng nổ hôm qua đã nhanh chóng bị đánh tan ngay trong phiên sáng nay. Diễn biến phân hóa nhẹ đã diễn ra trong nhóm cổ phiếu này khi SSI, VND, VIX, FTS, BVS, CTS, PSI quay đầu giảm, trong khi HCM, AGR, APG, MBS, VCI, VDS chỉ nhích nhẹ.
Hay ở nhóm phân bón, trong khi SCM, BFC, VAF chỉ còn nhích nhẹ, thì DPM đảo chiều điều chỉnh giảm 1%, còn LAS, NFC đứng giá tham chiếu.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép đang có tín hiệu khá tích cực. Bên cạnh HPG tăng trên dưới 2% với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt hơn 9 triệu đơn vị, các mã khác như HSG, NKG, TLH cũng tăng trên dưới 3%...
Sau cú tăng tốc mạnh giữa phiên, thị trường đã hạ độ cao do nhóm cổ phiếu vua bớt nóng. Điểm tích cực là bên cạnh đà tăng nhẹ của thị trường, thanh khoản cũng có dấu hiệu cải thiện khá tốt, điều này giúp nhà đầu tư kỳ vọng phiên giao dịch chiều sẽ khởi sắc hơn.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 266 mã tăng và 147 mã giảm,VN-Index tăng 4,24 điểm (+0,36%) lên 1.186,41 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 332 triệu đơn vị, giá trị 7.123 tỷ đồng, tăng 20,73% về khối lượng và 31,5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 862 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, cổ phiếu HPG vẫn là mã tăng tốt nhất khi tạm chốt phiên đứng tại mức giá 22.650 đồng/CP, tăng 2% cùng vị trí dẫn đầu thanh khoản thị trường khi đạt xấp xỉ 18,14 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các cổ phiếu khác trong nhóm thép như HSG tăng 2,2% lên 18.400 đồng/CP và khớp 5,42 triệu đơn vị, NKG tăng 2,3% lên 19.950 đồng/CP và khớp 6,5 triệu đơn vị, TLH và SMC cũng tăng trên dưới 3%...
Tuy nhiên, đóng góp tích cực cho xu hướng tăng của thị trường phải kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoại trừ OCB và EIB giảm nhẹ, còn lại sắc xanh đã phủ kín toàn ngành, với SHB là mã tăng tốt nhất với biên độ tăng hơn 2%; các mã VCB, CTG, TPB, LPB tăng hơn 1%.
Nhóm chứng khoán vẫn diễn biến lình xình với mức tăng giảm chủ yếu 1-2 bước giá. Cụ thể chốt phiên sáng, VND và VCI đứng giá tham chiếu, SSI giảm 0,2%, HCM nhích 0,4%, trong đó VND giao dịch sôi động nhất ngành với xấp xỉ 14,15 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI khớp 9,76 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, trong khi VHM, NVL, BCM giảm nhẹ trên dưới 0,5% thì VIC, VRE hồi phục sắc xanh với mức tăng cũng chỉ 0,1%. Tuy nhiên, ở top vừa và nhỏ vẫn là điểm sáng tích cực của ngành, bên cạnh CIG, CRE tăng trần, các mã khác như HQC tăng 5%, CEE tăng 4,6%, PHC tăng 4,5%, CII tăng 4,2%, HAR và TCH cùng tăng 3,9%...
Trái lại, nhóm cổ phiếu dầu khí sau tín hiệu hồi phục nhẹ hôm qua đã đồng loạt quay đầu điều chỉnh như GAS giảm 1,1% xuống 97.700 đồng/CP, PLX và PVD giảm nhẹ…
Trên sàn HNX, thị trường cũng có nhịp tăng vọt trước khi hạ độ cao về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 96 mã tăng và 81 mã giảm,HNX-Index tăng 1,64 điểm (+0,58%), lên 286,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,79 triệu đơn vị, giá trị 760,14 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,62 triệu đơn vị, giá trị hơn 100 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 có đóng góp tích cực cho thị trường khi có 17 mã tăng và chỉ có 9 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các mã IDC, NTP và BVS có mức giảm mạnh nhất khi chỉ mất hơn 1%, còn lại LAS, LHC, SHS… điều chỉnh nhẹ trên dưới 0,5%.
Cổ phiếu HUT tiếp tục gặp cản trở tại mức giá 29.x. Chốt phiên sáng nay, HUT giảm nhẹ 0,7% xuống mức 28.400 đồng/CP với khối lượng khớp 1,13 triệu đơn vị.
Trái lại, CEO dù có chút rung lắc nhẹ đầu phiên nhưng nhờ lực cầu mạnh đã tăng tốc. Dù không giữ được đà tăng mạnh ở cuối phiên nhưng chốt phiên sáng nay, CEO tăng 5,1% lên 30.800 đồng/CP cùng khối lượng khớp lệnh sôi động, dẫn đầu thị trường khi đạt xấp xỉ 6,5 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, SLS mới là mã tăng mạnh nhất trong rổ bluechip khi chốt phiên tăng 8,5% lên mức giá cao nhất trong phiên 145.000 đồng/CP.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu nhỏ PVL bất ngờ kéo trần thành công và chốt phiên sáng đứng tại mức giá 6.400 đồng/CP cùng thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu, đạt hơn 1,22 triệu đơn vị.
Một mã đáng chú ý khác là OCH cũng chốt phiên tại mức giá trần 8.800 đồng/CP với thanh khoản tăng đột biến, đạt xấp xỉ 0,73 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, sau nửa đầu phiên rung lắc, thị trường cũng đã lấy lại sắc xanh.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,26%), lên 87,41 điểm.Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 33,48 triệu đơn vị, giá trị 345 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,79 triệu đơn vị, giá trị 72,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu dầu khí BSR cũng rung lắc và điều chỉnh nhẹ khi chốt phiên sáng nay giảm 0,9% xuống mức 22.900 đồng/CP, nhưng thanh khoản vẫn dẫn đầu với hơn 5 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là cổ phiếu nhỏ VHG khớp 3,69 triệu đơn vị và kết phiên tăng 5,3% lên mức 4.000 đồng/CP. Ngoài ra, PVX tăng 6,1%, PAS tăng 3,4%, DPS tăng trần cũng có khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.