Mặc dù thị trường chịu áp lực bán chốt lời gia tăng và đã có những nhịp rung lắc, điều chỉnh, nhưng VN-Index vẫn duy trì tuần tăng điểm thứ 6 liên tiếp. Chỉ số VN-Index kết tuần hình thành nến xanh dạng hammer nhờ lực cầu tích cực đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, với điểm tựa chính là VIC.
Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Bộ phận Chiến lược thị trường, CTCK MBS, tuy thị trường tiếp tục đi lên nhưng mặt bằng cổ phiếu đã có thiệt hại với trạng thái “xanh vỏ, đỏ lòng”. Việc thị trường đi lên nhờ nhóm cổ phiếu trụ ngày càng rõ trong bối cảnh độ rộng thị trường kém đi và thanh khoản cao có thể là rủi ro ngắn hạn.
Về kỹ thuật, vùng cản ở khu vực 1.246 - 1.250 điểm có thể là thử thách cho thị trường trong tuần giữa tháng 8. Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu đang có nhịp điều chỉnh kể từ đầu tháng 8, một nhịp tích lũy đi ngang trên ngưỡng tâm lý 1.200 điểm có xác suất xảy ra nhiều hơn là một nhịp tăng tiếp diễn.
Quay lại diễn biến thị trường chứng khoán phiên sáng 14/8, quán tính tăng điểm mạnh trong phiên cuối tuần trước (ngày 11/8), tiếp tục giúp VN-Index mở cửa trong sắc xanh.
Tuy nhiên, đà tăng khá hạn chế bởi trạng thái giao dịch thận trọng cùng áp lực bán thường trước, đã nhanh chóng khiến thị trường đảo chiều điều chỉnh. Chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu và sau hơn 1 giờ giao dịch đang có được sắc xanh nhạt, dù không nhận được sự hậu thuẫn của nhóm cổ phiếu bluechip.
Trong nhóm VN30 hiện số mã giảm điểm đang chiếm ưu thế hơn với nhiều mã như MSN, BCM, SSB, MWG đang giảm trong khoảng 1-2%, trong khi ở chiều ngược lại các mã chỉ nhích nhẹ trên dưới 0,5%. Trong đó, đột biến trong phiên trước là VIC cũng có dấu hiệu rung lắc và hiện chỉ tăng nhẹ 0,7%.
Trái lại, dòng tiền lại trở lại với nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp các mã giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản sôi động. Trong top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường hiện đều đang có mức giá tăng khá tốt, với VND, DIG, TCH đang tăng hơn 3%. Các mã khác như VPH, LDG, CRE, CII, HHS đang thuộc top cổ phiếu tăng tốt trên thị trường với biên độ trên dưới 5%.
Sau hơn nửa phiên sáng giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu, lực cầu gia tăng mạnh cùng sự hồi phục của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp VN-Index tăng tốc về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 292 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 7,11 điểm (+0,58%) lên 1.239,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 548,37 triệu đơn vị, giá trị 11.530 tỷ đồng, tăng 37,36% về lượng và tăng 33,55% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 11/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 27,38 triệu đơn vị, giá trị 478,9 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tích cực hơn khi chốt phiên tăng gần 5 điểm, với sự đóng góp chính của bộ 3 gồm SSI và VIC cùng tăng 3,6%, BID tăng 1,8%. Ngoài ra, các mã lớn khác như HPG, FPT, VHM cũng khởi sắc hơn.
Xét về nhóm ngành, diễn biến khởi sắc của thị trường chung khiến nhóm cổ phiếu chứng khoán trở lại dẫn đầu đà tăng. Trong đó, ngoài SSI tăng khá tốt, nhiều mã cũng bứt phá về cuối phiên, điển hình như VND tăng 5,5% lên mức cao nhất 21.150 đồng/CP cùng thanh khoản dẫn đầu đạt hơn 32 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VIX tăng 2,5% lên 16.600 đồng/CP và khớp lệnh xấp xỉ 17 triệu đơn vị; VCI tăng 3,56%, HCM cũng tăng hơn 3%, FTS, BSI, AGR, APG… đều tăng hơn 2%.
Bên cạnh đó, sự trở lại của anh cả VIC đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản vươn lên top tăng tốt trên thị trường. Trong đó, nhiều mã nóng trong ngành nổi sóng trở lại, điểm sáng là cặp CII và TCH cùng chốt phiên tăng kịch trần với thanh khoản đều thuộc top 10 với 12-14 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần cao, với hơn 2-3 triệu đơn vị.
Hàng loạt mã đáng chú ý khác trong ngành cũng đều nới rộng biên độ như NVL tăng 3,1%, DIG tăng 4,3%, BCG tăng 5,2% và có thời điểm áp sát trần, DXG tăng 3,7% với thanh khoản trên 10-20 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và đang trong trạng thái phân hóa, với VCB, CTG, SSB, STB, VPB giảm điểm, còn BID tăng khá tốt 1,82%, các mã TCB, ACB, VIB, SHB… nhích nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường cũng giao dịch khởi sắc.
Chốt phiên, sàn HNX có 11775 mã tăng và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 4,9 điểm (+2%) lên 250,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 72,86 triệu đơn vị, giá trị 1.308,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,37 triệu đơn vị, giá trị 10,25 tỷ đồng.
Các cổ phiếu trong nhóm HNX30 là điểm sáng thị trường. Trong đó, CEO chốt phiên sáng tăng kịch trần lên mức 21.300 đồng/CP với thanh khoản sôi động, đạt 14,6 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần gần 8,22 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản thị trường vẫn là SHS với hơn 16,3 triệu đơn vị giao dịch thành công và chốt phiên cổ phiếu đã khởi sắc trở lại khi tăng 3,1% lên mức 16.500 đồng/CP. Ngoài ra, các cổ phiếu chứng khoán khác như MBS chốt phiên tăng 3,3%, APS tăng 3,8%, IVS tăng 5,5%, VIG tăng 3,4%...
Một trong những điểm sáng khác trên sàn HNX là HUT. Dù đầu phiên có chút rung lắc nhưng lực cầu gia tăng mạnh đã giúp HUT tăng tốc và có thời điểm áp sát giá trần. Chốt phiên sáng nay, HUT tăng 7,5% lên mức 27.400 đồng/Cp cùng thanh khoản ấn tượng với hơn 3,1 triệu đơn vị giao dịch thành công.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch kém khả quan về cuối phiên khiến UPCoM-Index đảo chiều giảm nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm nhẹ 0,05 điểm (-0,05%) xuống 93,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28 triệu đơn vị, giá trị 403,88 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,04 triệu đơn vị, giá trị 116,86 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng trong xu hướng chung của toàn ngành, với TCI chốt phiên tăng 7,7% lên mức 12.600 đồng/CP; SBS tăng 3,5%, AAS tăng 2,7%...
Trong khi đó, BSR rung lắc và chốt phiên giảm nhẹ 0,5% xuống mức 20.700 đồng/CP, thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường với hơn 2,76 triệu đơn vị giao dịch thành công.