
Thị trường chứng khoán Việt vừa trải qua “chuyến tàu siêu tốc” chưa từng có xoay quanh thông tin về thuế đối ứng của Tổng thống Trump. Từ cú rơi mạnh hơn 220 điểm trong phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã đảo chiều tăng gần 130 điểm chỉ trong 2 phiên cuối tuần sau khi Mỹ tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày.
Về kỹ thuật, VN-Index khép lại tuần qua với nến Marubozu xanh cùng thanh khoản mua chủ động tăng mạnh cho thấy nỗ lực hồi phục của thị trường. Chỉ số này đã vượt lên mốc 1.200 điểm và tiến lại vùng 1.220 điểm, từng là vùng hỗ trợ trung hạn đáng tin cậy của thị trường.
Theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc phân tích, CTCK Quốc tế Việt Nam (VISE), việc chỉ số VN-Index mất hơn 200 điểm chỉ sau 4 phiên là hiếm có nhưng cũng nhờ đó mà sức bật thị trường trở lại cũng nhanh hơn. Hiện tại, VN-Index đã trở lại vùng trên 1.200 nên thị trường sẽ có nhiều phiên dao động mạnh khi nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục và sẽ xuất hiện các phiên tăng – giảm đan xen, với biên độ co lại dần.
Bước vào phiên giao dịch sáng 14/4, thị trường mở cửa vẫn trong trạng thái phân hóa và một số mã bluechip là động lực chính giúp VN-Index tiến bước, dù biên độ tăng tiếp tục được thu hẹp.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, dòng tiền vẫn hướng tới các nhóm trụ cột bank – chứng – thép, nhưng các nhóm này đã chuyển qua trạng thái phân hóa nhẹ, với dòng bank có chút suy yếu do sắc đỏ chiếm ưu thế hơn.
Trong khi đó, nhóm bất động sản đang vươn lên dẫn đầu thị trường, bởi sự “hậu thuẫn” của mã lớn VIC khi cổ phiếu này kéo trần thành công và hiện đang dư mua trần 1,2 triệu đơn vị, cùng VHM tăng khá tốt trên 4%.
Đáng chú ý, các nhóm bất động sản khu công nghiệp, dệt may, thủy sản đã không còn chịu áp lực bán mạnh như cuối tuần trước mà nhận được lực cầu khá mạnh. Trong đó, các cổ phiếu thủy sản đua nhau tăng mạnh, với VHC và ANV tăng trần, IDI tăng gần 5%...; dệt may có MSH, GIL tăng hơn 3%, HTG tăng hơn 5%...
Bên cạnh diễn biến chung trở lại phân hóa, nhóm cổ phiếu bluechip cũng kém tích cực hơn về cuối phiên, đặc biệt là sự đảo chiều của dòng bank, đã khiến thị trường hạ độ cao.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 237 mã tăng và 221 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 7,28 điểm (+0,6%), lên 1.229,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 5612 triệu đơn vị, giá trị hơn 13.671,7 tỷ đồng, giảm gần 44% về lượng và 40,4% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 11/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 28,5 triệu đơn vị, giá trị 1.173,6 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chốt phiên chỉ còn tăng chưa đến 7 điểm với 13 mã tăng và 16 mã giảm. Trong đó, VIC vẫn là điểm sáng khi tăng 6,9% lên mức giá trần 69.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 8,2 triệu đơn vị và dư mua trần gần 1,3 triệu đơn vị; các mã lớn khác như MWG tăng 5,5%, VHM tăng 4,9%, trong đó cặp VIC và VHM đã đóng góp khoảng 7 điểm cho chỉ số chung.
Cổ phiếu HPG dù không giữ được sắc tím như 2 phiên trước, nhưng vẫn tăng khá tốt nhờ lực cầu nội và ngoại tham gia mạnh mẽ. Chốt phiên, HPG tăng 4,1% lên mức 25.300 đồng/Cp với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 36,8 triệu đơn vị và khối ngoại mua ròng hơn 10 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu FPT giảm mạnh nhất là 2,4%, tiếp theo là PLX giảm 2,15, BID giảm 1,8%, TCB giảm 1,7%...
Xét về nhóm ngành, bên cạnh sự hồi phục sắc xanh của các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, đà tăng mạnh của bộ đôi lớn VIC và VHM, đã giúp nhóm bất động sản vẫn giữ vị trí top đầu của thị trường.
Các nhóm cổ phiếu khác như vật liệu xây dựng, tiêu dùng, thủy sản, phân bón – hóa chất đều giữ được đà tăng dù biên độ không quá lớn. Trong đó, các điểm sáng đều thuộc về cổ phiếu đầu ngành như hóa chất có DGC, thủy sản có VHC tăng kịch trần, hay ở nhóm thép có HPG tăng mạnh…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán chuyển qua trạng thái phân hóa, trong đó, VIX vẫn là mã sôi động nhất nhóm khi có hơn 21,3 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, chốt phiên tăng 2,1%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giao dịch kém khả quan khi sắc đỏ chiếm áp đảo dù mức giảm không quá lớn. Trong đó, bộ 3 cổ phiếu là SHB, VPB, MBB giao dịch sôi động nhất khi khớp lệnh khoảng 20 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ trên dưới 1%; các cổ phiếu giao dịch sôi động khác như ACB và TCB đạt trên chục triệu đơn vị, chốt phiên cũng giảm nhẹ.
Trên sàn HNX, thị trường cũng thu hẹp biên độ tăng về cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 77 mã tăng và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 0,51 điểm (+0,24%), lên 213,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 41,9 triệu đơn vị, giá trị 708,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 3,6 triệu đơn vị, giá trị 23,4 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, các cổ phiếu dệt may, bất động sản khu công nghiệp trên sàn HNX cũng đều đảo chiều khởi sắc trở lại sau phiên ảm đạm cuối tuần trước, như IDC có thời điểm tăng sát trần và chốt phiên tăng 2,4% với khối lượng khớp lệnh đạt 2,8 triệu đơn vị, TNG tăng 1,9%...
Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán không mấy tích cực với SHS chốt phiên giảm nhẹ 0,8% và khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị; MBS giảm 0,8% và khớp gần 3 triệu đơn vị; BVS giảm 0,3%...
Điểm sáng là cổ phiếu PVS, chốt phiên tăng 4,1% lên mức 25.200 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua SHS, đạt 5,37 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường nới rộng biên độ giảm về cuối phiên.
Chốt phiên, với 143 mã tăng và 104 mã giảm, UPCoM-Index giảm 1,08 điểm (-1,16%) xuống 92,17 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 17,7 triệu đơn vị, giá trị 237,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,17 triệu đơn vị, giá trị 114,4 tỷ đồng, trong đó VBB thỏa thuận hơn 2,78 triệu đơn vị, giá trị hơn 21,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu giao dịch sôi động nhất UPCoM là AAH đạt 1,93 triệu đơn vị, chốt phiên giảm 5% xuống 3.800 đồng/CP. Tiếp theo là BVB khớp 1,5 triệu đơn vị, chốt phiên sáng nay giảm 1,6% xuống 12.200 đồng/CP.