Giao dịch chứng khoán sáng 13/5: Thị trường ảm đạm, cổ phiếu vừa và nhỏ là điểm nóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi nhóm cổ phiếu bluechip gia tăng sức ép khiến thị trường đảo chiều điều chỉnh và VN-Index thử thách mốc 1.240 điểm, thì dòng tiền tiếp tục hướng tới nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp các mã này đua nhau nổi sóng.
Giao dịch chứng khoán sáng 13/5: Thị trường ảm đạm, cổ phiếu vừa và nhỏ là điểm nóng

Thị trường đã gặp áp lực bán gia tăng trong những phiên cuối tuần trước khiến VN-Index rung lắc và đảo chiều điều chỉnh. Đây là sự vận động bình thường khi chỉ số đã hồi phục 80 điểm từ đáy và kết thúc cả tuần, thị trường vẫn ghi nhận mức tăng hơn 1,9% về điểm số.

Tuy nhiên, thanh khoản thị trường khá ảm đạm, với khối lượng khớp lệnh trong cả tuần qua thấp hơn 15% so với mức trung bình trong 1 năm gần đây, là yếu tố chưa đồng thuận níu chân thị trường trong chuỗi ngày vừa qua.

Trong bối cảnh thị trường thiếu động lực hỗ trợ, ông Trương Thái Đạt, Giám đốc Phân tích, CTCK DSC đã đưa ra kịch bản lý tưởng để tiết kiệm thời gian và chi phí khi tham gia thị trường, đó là chờ đợi VN-Index điều chỉnh và tích lũy trong biên độ 1.200 – 1.250 điểm trong khoảng 10 phiên giao dịch tới.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Phân tích CTCK Phú Hưng (PHS) cho rằng, nếu có phiên giảm thủng vùng giằng co 1.234 – 1.257 điểm thì khả năng thị trường sẽ điều chỉnh trở lại. Đồng thời, bà nhấn mạnh rằng đà tăng của thị trường sẽ khó tiếp nối trong tuần giao dịch mới.

Quay lại diễn biến thị trường phiên sáng 13/5, mặc dù VN-Index đã sớm khởi sắc trở lại, nhưng lực cầu tham gia khá yếu và vắng bóng sự hỗ trợ của các trụ cột, đã khiến chỉ số chỉ lình xình tăng.

Sau hơn 1 giờ nỗ lực đi lên bất thành, chỉ số VN-Index đã đảo chiều giảm khi một số mã bluechip trở nên đuối sức hơn. Tuy nhiên, tâm lý giao dịch thăm dò của cả bên mua và bán khiến thị trường không đi quá xa.

Trong bối cảnh nhóm VN30 không mấy khả quan, thì dòng tiền tiếp tục “ưu ái” đã chắp cánh cho các cổ phiếu vừa và nhỏ đua nhau khởi sắc. Bên cạnh các mã ST8, SAM, DRH, APH, ITD sớm khoe sắc tím, hàng loạt mã khác trong top này đã ghi nhận mức tăng mạnh và có thời điểm kéo trần thành công, như HQC và RDP tăng hơn 6%, các mã HVH, NAV, SGT, EVG, LDG, TDG, HPX, ITA tăng 4-6%...

Nhóm VN30 vẫn duy trì sức ép khiến VN-Index khó hồi phục. Thị trường nới nhẹ biên độ giảm trong nửa cuối phiên sáng nhưng vẫn giữ được mốc 1.240 điểm.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 187 mã tăng và 235 mã giảm, VN-Index giảm 4,36 điểm (-0,35%), xuống 1.240,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 351,66 triệu đơn vị, giá trị 7.484,81 tỷ đồng, tăng 28,17% về khối lượng và 10,96% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 53 triệu đơn vị, giá trị 1.043,6 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chốt phiên giảm gần 6 điểm khi có tới 19 mã giảm và chỉ còn 7 mã tăng. Trong đó, các mã tăng đều trong biên độ chỉ trên dưới 0,5%, với MBB tăng tốt nhất đạt 0,7%; ngược lại, các mã giảm sâu nhất có vốn hóa lớn là MWG, SAB, VIC, VCB, VHM đều giảm hơn 1%.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các mã ST8, APH, DRH, SAM, ITD đều chốt phiên tăng kịch trần, với SAM dư mua trần hơn 0,7 triệu đơn vị; các mã khác như VOS và HQC tăng sát trần với biên độ hơn 6,5%; EVG, NAV, HVH, RDP, ITA, SGT, TDM tăng 4-6%... Đặc biệt, HQC giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 20 triệu đơn vị khớp lệnh thành công.

Xét về nhóm ngành, các nhóm ngành đều biến động không quá lớn với mức tăng giảm chỉ trên dưới 1%. Trong khi nhóm ngân hàng vẫn điều chỉnh giảm bởi gánh nặng từ “anh cả” VCB, thì nhóm chứng khoán thu hẹp biên độ tăng bởi sự phân hóa nhẹ trong ngành.

Trong đó, VIX sôi động nhất ngành chứng khoán với hơn 8,8 triệu đơn vị khớp lệnh, chốt phiên tăng nhẹ 0,3%; còn SHB và MBB thanh khoản tốt nhất dòng bank khi đều đạt hơn 8 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt đứng giá tham chiếu và tăng nhẹ 0,7%.

Các nhóm tăng tốt nhất là thiết bị điện, chăm sóc sức khở và nông lâm ngư với mức tăng đều đạt hơn 1%; ngược lại nhóm dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí và nhóm bán lẻ dẫn đầu đà giảm.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng ở nhóm HNX30 khiến thị trường đuối sức, chỉ số HNX-Index lùi về sát mốc tham chiếu.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 93 mã tăng và 63 mã giảm, HNX-Index tăng 0,35 điểm (+0,15%) lên 236,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,7 triệu đơn vị, giá trị 783,42 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 1,95 triệu đơn vị, giá trị 72,63 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 trở nên phân hóa với 14 mã tăng và 15 mã giảm, chốt phiên nhóm này giảm nhẹ 0,5 điểm. Trong đó, SHS giảm nhẹ 0,5% với thanh khoản vẫn dẫn đầu thị trường, đạt 5,7 triệu đơn vị; PVS giảm 1,4% và khớp 2,87 triệu đơn vị.

Ngược lại, MBS tăng 1% và khớp 2,88 triệu đơn vị, CEO tăng nhẹ 0,5% và khớp 2,17 triệu đơn vị, TNG tăng 1,3% và khớp 1,97 triệu đơn vị.

Điểm sáng vẫn là các cổ phiếu vừa và nhỏ, với IDJ tăng kịch trần và khớp lệnh xấp xỉ 1,5 triệu đơn vị cùng khối lượng dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, LIG tăng 2,7% và khớp 1,26 triệu đơn vị, DL1 tăng 4,8%...

Một mã đáng chú ý khác là APS sớm kéo trần và chốt phiên giữ mức giá 6.200 đồng/CP với khối lượng dư mua trần gần 1,6 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường đã không giữ được sắc xanh và quay đầu điều chỉnh nhẹ về cuối phiên.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,05 điểm (-0,05%) xuống 91,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 19,93 triệu đơn vị, giá trị 286,33 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 1,22 triệu đơn vị, giá trị 7,54 tỷ đồng.

Cổ phiếu nhỏ AAH vẫn là “điểm nóng”, chốt phiên tăng 14,6% lên mức ía trần 5.500 đồng/CP với khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt 2,78 triệu đơn vị và dư mua trần 1,6 triệu đơn vị.

Các mã đáng chú ý khác là VEA tăng 4,9%, BCR tăng 3,4% với khối lượng giao dịch cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục