Ngày 11/4, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc cho các dự án bất động sản của Novaland.
Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập tổ công tác làm việc với UBND hai tỉnh để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Novaland theo đúng quy định pháp luật, báo cáo trước ngày 15/4.
Thông tin này giúp cổ phiếu NVL có 2 phiên giao dịch khởi sắc thứ Ba và thứ Tư (ngày 11 và 12/4) với tổng mức tăng sau 2 phiên là hơn 13% và khối lượng khớp rất lớn, gần 115 triệu đơn vị. Tuy nhiên, bước vào phiên hôm nay, áp lực chốt lời đã khiến NVL quay đầu điều chỉnh, giảm 3,7% xuống 14.500 đồng. Thanh khoản vẫn duy trì ở mức cao nhất thị trường, dù không bằng 2 phiên trước với 32,76 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một ngày sau, ngày 12/4, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký kết luận Thanh tra dự án khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom). Dự án này là một trong những vụ việc được bổ sung vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cuộc họp tháng 11/2022.
Theo kết luận, thời điểm thanh tra, Công ty cổ phần Đầu tư LDG chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư dự án.
Tuy nhiên, phía Công ty đã tổ chức thi công 680 căn nhà, trong đó 198 căn biệt thự. Có 290 căn nhà liên kế đã thi công xong, 192 căn nhà liên kế đang thi công dang dở.
Phía Công ty cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc bán nhà với 60 khách hàng với số tiền hơn 132 tỷ đồng. Các khách hàng đã thanh toán cho công ty từ 25% đến 95% giá trị hợp đồng, có 7 hộ chuyển đến sinh sống. Trong khi đó, dự này chưa đủ điều kiện bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật và kinh doanh bất động sản.
Kết luận Thanh tra xác định hơn 20 cá nhân và 13 tổ chức liên quan đến sai phạm. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu tổ chức, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, có hình thức xử lý theo thẩm quyền đối với tổ chức, cá nhân thiếu sót, sai phạm.
Đối với Công ty LDG, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị báo cáo tình hình thực hiện dự án gửi cơ quan quản lý nhà nước và chấp hành nghiêm việc xử lý sai phạm; không được thực hiện các giao dịch mua bán, đến khi hoàn thành các thủ tục.
Sau thông tin này, cổ phiếu LDG sáng nay đã bị bán mạnh, đẩy xuống mức kịch sàn. Tuy nhiên, lực cầu khá tốt giúp mã này thoát mức sàn khi bước vào giờ nghỉ trưa.
Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán ồ ạt hơn, trong khi lực cầu không còn đủ mạnh, khiến LDG bị đẩy thẳng xuống mức sàn 4.300 đồng với lượng dư bán sàn khi đóng cửa lên tới hơn 4,45 triệu đơn vị, thanh khoản ở mức 20,11 triệu đơn vị, tụt từ vị trí số 1 của phiên sáng xuống thứ 5 về thanh khoản khi chốt phiên. Trong phiên hôm qua, LDG cũng đã mất đi 4,2% giá trị. Như vậy, sau 2 phiên, LDG đã giảm gần 11%.
Về diễn biến chung của thị trường, sau khi giằng co nhẹ quanh mức giá đóng cửa của phiên sáng trong nửa đầu phiên chiều, kịch bản như các phiên trước xuất hiện khi lực cung gia tăng đẩy VN-Index đi xuống và xác lập đáy của ngày lúc hơn 14h. Dù nảy trở lại trong những phút còn lại của phiên, nhưng trước lực bán quá lớn, chỉ số này không tránh khỏi phiên giảm điểm hôm nay. Không chỉ giảm về điểm số, thanh khoản thị trường hôm nay cũng sụt giảm đáng kể so với các phiên trước.
Chốt phiên, VN-Index giảm 5,15 điểm (-0,48%), xuống 1.064,3 điểm với 121 mã tăng, trong khi có tới 268 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 671,5 triệu đơn vị, giá trị 11.351,6 tỷ đồng, giảm 6,6% về khối lượng và 8,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 77,3 triệu đơn vị, giá trị 1.389 tỷ đồng.
Lực bán mạnh từ NVL và LDG đã lan rộng ra nhóm bất động sản, xây dựng, khiến sắc đỏ xuất hiện nhiều hơn trong nhóm này. Trong đó, ngoài LDG, thì UDC cũng yên vị ở mức sàn 3.820 đồng được xác lập từ phiên sáng.
Các mã giảm mạnh khác trong nhóm có DXS giảm 5,8% xuống 6.510 đồng, PTL giảm 4,6% xuống 3.700 đồng, CTD giảm 4% xuống 46.000 đồng, HTL giảm 3,3%, NTL giảm 3,1%, HPX giảm 2,9%, SCR giảm 2,7%, NHA giảm 2,6%...
Trong khi đó, vẫn có những mã ngược sóng, đáng kể là DIG tăng 1,2% lên 17.400 đồng, khớp 24,48 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản sau NVL và VND; DXG tăng 0,4% lên 13.700 đồng, khớp 20,26 triệu đơn vị; IJC tăng 1,7% lên 14.650 đồng, KBC tăng 1,1% lên 26.500 đồng, NVT tăng 1,6%, FIR tăng 1,4%...
Trong khi đó, nhóm ngân hàng có được sự cân bằng với đà tăng giảm của các mã không lớn. Trong các mã giảm, chỉ có 2 mã giảm hơn 1%, trong đó giảm mạnh nhất là TCB mất 1,6% xuống 30.200 đồng, tiếp đến là SHB giảm 1,2% xuống 12.050 đồng, sau khi tăng mạnh 3,8% trong phiên hôm qua.
Ngược lại, cũng chỉ có 2 mã tăng trên 1% là STB tăng 1,3% lên 26.450 đồng và BID tăng 1,2% lên 44.950 đồng. Bên cạnh đó, HDB từ mức giảm mạnh thứ 2 của nhóm trong phiên sáng, đã đảo chiều thành công khi đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 19.700 đồng, trong khi “anh cả” VCB lại giảm nhẹ 0,1%. Trong nhóm này, VPB là mã có thanh khoản tốt nhất với 19,92 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,2% xuống 20.600 đồng, tiếp đến là SHB khớp 19,61 triệu đơn vị, STB khớp 16,21 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán lại kém tích cực hơn khi chỉ có 2 sắc xanh tại TVS (+0,9%) và HCM (+1,6% lên 25.700 đồng). Trong khi đó, VND là mã chứng khoán có giao dịch sôi động nhất với 30,57 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,6% xuống 15.200 đồng. Tiếp đến là SSI khớp 17,75 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,1% xuống 21.750 đồng, VIX khớp 16,24 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,5% xuống 7.900 đồng…
Nhóm thép cũng chỉ có 3 sắc xanh nhạt, cùng HMC đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, HPG giảm 1,5% xuống 20.450 đồng, HSG giảm 2,9% xuống 15.100 đồng, NKG giảm nhẹ hơn khi mất 0,7% xuống 14.600 đồng. HPG và HSG là 2 mã có giao dịch sôi động nhất nhóm với thanh khoản lần lượt là 14,71 triệu đơn vị và 12,67 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí trong khi PLX và GAS giữ được sắc xanh nhạt, thì PVD lại đảo chiều giảm nhẹ.
Sàn HNX cũng nới rộng đà giảm trong phiên chiều với sắc đỏ gần gấp 2 lần sắc xanh.
Đóng cửa, HNX-Index giảm 2,1 điểm (-0,99%), xuống 209,84 điểm với 60 mã tăng, trong khi có tới 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,5 triệu đơn vị, giá trị 1.270,8 tỷ đồng, giảm 9,5% về khối lượng và 5,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 53,2 tỷ đồng.
SHS vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất sàn với 21,6 triệu đơn vị, đóng cửa nới đà giảm lên gần gấp đôi so với phiên sáng khi mất 1,9% xuống 10.300 đồng, cũng là mức giá thấp nhất ngày.
Trong 2 mã dầu khí có giao dịch tích cực phiên sáng, chỉ còn PVS giữ được phong độ khi đóng cửa tăng 1,1% lên 26.400 đồng, khớp 7,9 triệu đơn vị, còn PVC đảo chiều giảm 0,6% xuống 16.300 đồng, khớp 3,07 triệu đơn vị.
Chiều nay ghi nhận sự “nổi loạn” của AMV khi được đẩy lên mức kịch trần 4.400 đồng, với thanh khoản lớn, khớp 6,13 triệu đơn vị, đứng thứ 4 về thanh khoản trên sàn và còn dư mua trần.
Trong khi đó, CEO nới đà giảm khi đóng cửa mất 1,6% xuống 24.900 đồng, khớp 7,87 triệu đơn vị. IDJ, MBS là các mã có thanh khoản tốt tiếp theo với 4,46 triệu đơn vị và 3,12 triệu đơn vị, đồng thời, cùng đóng cửa giảm 7,8% xuống 11.800 đồng và 2,4% xuống 16.300 đồng.
Trong khi đó, sàn UPCoM sau hơn nửa phiên bò trườn ở mức đóng cửa phiên sáng, bất ngờ bốc đầu theo hướng thẳng đứng và đóng cửa có sắc xanh nhạt. Nguyên nhân cũng giống phiên sáng, xuất phát chính từ VNZ khi mã này bất ngờ có được lệnh khớp 100 đơn vị tại mức giá 800.000 đồng cuối phiên, từ mức giảm 14,9% của phiên sáng. Bên cạnh đó, còn có sự góp vui của IDP khi cũng được khớp lệnh 200 đơn vị ở mức giá 265.000 đồng, mức cao nhất ngày khi đóng cửa và tăng tới 14,3% so với tham chiếu.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,26%), lên 79,35 điểm với 126 mã tăng và 126 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 49,8 triệu đơn vị, giá trị 758,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,2 triệu đơn vị, giá trị 140 tỷ đồng.
Ngoài 2 kẻ “quấy phá” trên, các mã đáng chú ý khác trên sàn vẫn giao dịch bình thường. Trong đó, BSR là mã khớp lớn nhất như thường lệ với 18,2 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,8% lên 17.000 đồng. Một mã dầu khí khác là OIL cũng giữ được đà tăng, dù thấp hơn phiên sáng, khi đóng cửa tăng 2,2% lên 9.500 đồng, khớp 2,34 triệu đơn vị.
Trong khi đó, C4G vươn lên vị trí thứ 2 về thanh khoản với 2,51 triệu đơn vị, đóng cửa tiếp tục có phiên tăng 1,6% lên 12.700 đồng.
Mã còn lại có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là SBS, nhưng đóng cửa giảm 3,3% xuống 5.900 đồng. Ngoài ra, còn có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là ABB và VHG, đều đóng cửa ở tham chiếu.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đóng cửa giảm theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2304 giảm 5 điểm (+0,5%), xuống 1.070 điểm với 139.105 hợp đồng được giao dịch. Khối lượng mở 56.530 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó mã giảm mạnh nhất là CFPT2301 do BSC phát hành giảm 60% xuống 600 đồng. Trong khi mã tăng mạnh nhất chỉ tăng 11% là CSTB2302 do VCSC phát hành. Phiên hôm nay không có mã nào có thanh khoản tới 1 triệu đơn vị, mã có thanh khoản tốt nhất là CHPG2306 do ACBS phát hành với 771.900 đơn vị.