Bất chấp đà bán ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài với giá trị rút ròng qua tằng phiên vẫn duy trì hàng trăm tỷ đồng, nhưng thị trường đã có một tuần giao dịch khởi sắc, chỉ số VN-Index đã tăng điểm mạnh tới 8%.
Trong đó, bên cạnh những tác động từ thị trường quốc tế như chứng khoán Mỹ tăng mạnh cũng như tình hình dịch bệnh có dấu hiệu tạo đỉnh tại châu Âu, ở thị trường trong nước, cùng với những thông tin hỗ trợ từ chính phủ, các cổ phiếu chủ chốt giảm khá sâu đã kích thích hoạt động bắt đáy và mở vị thế mua, đã hỗ trợ tốt giúp thị trường khởi sắc.
Theo ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - CTCP Chứng khoán BIDV, trong tuần tới, những yếu tố hỗ trợ mạnh sẽ không còn nhiều dư địa trong khi nhà đầu tư phải đối mặt với thực tế thông qua các số liệu tăng trưởng GDP và công bố kết quả kinh doanh quý I các công ty niêm yết trên bình diện quốc tế và trong nước.
Mặt khác, sự hồi phục nhanh của thị trường quốc tế và trong nước sẽ kéo theo hoạt động chốt lãi vị thế ngắn hạn. Thị trường sẽ diễn biến giằng co phân hóa hơn là khả năng tăng điểm mạnh như tuần này.
Trong đó, điểm tựa chính giúp thị trường tăng vọt tuần vừa qua là bluechip đã đạt được mức hồi phục ấn tượng sau một đợt giảm sâu. Theo nhận định của hầu hết giới phân tích, trong tuần tới đây, nhóm cổ phiếu này sẽ có nguy cơ gặp áp lực chốt lời.
Tuy nhiên, trái với những lo ngại trên, phần lớn các cổ phiếu trong nhóm VN30 và HNX30 vẫn duy trì đà tăng khá tốt khi bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 13/4.
Đáng kể là dòng bank sau nhịp điều chỉnh nhẹ cuối tuần trước (10/4) đã nhanh chóng lấy lại đà khởi sắc và lan tỏa sang nhiều nhóm ngành khác, hỗ trợ tốt giúp thị trường tiếp đà đi lên. Sau hơn 1 giờ giao dịch, chỉ số VN-Index tăng gần 10 điểm và dao động trên vùng giá 765 điểm.
Đặc biệt, sau 3 phiên điều chỉnh liên tiếp, cổ phiếu VPB đã đảo chiều tăng kịch trần trong phiên sáng nay sau khi có thông tin con trai Tổng giám đốc VPBank đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu VPB. Hiện cổ phiếu VPB đã khớp hơn 3,7 triệu cổ phiếu và dư mua trần hơn 1,3 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng đua nhau khởi sắc sau thông tin OPEC đạt được thỏa thuận cắt giảm gần 10 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 5.
Ở nhóm ngành hàng không, dù VJC không giữ được sắc tím nhưng biên độ tăng vẫn khá rộng trên dưới 6%, còn HVN vẫn bảo toàn đà tăng trần với giao dịch sôi động.
Sau gần 90 phút giao dịch, các bluechip đua nhau nới rộng biên độ đã kéo VN-Index lên gần ngưỡng 775 điểm. Tuy nhiên, lực cầu chưa đủ mạnh để giúp thị trường vượt qua thử thách này và VN-Index đã dần hạ độ cao.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HOSE có 210 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index tăng 10,65 điểm (+1,41%), lên 768,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 135,15 triệu đơn vị, giá trị 2.409,54 tỷ đồng, giảm hơn 31% về khối lượng và 1,3% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (10/4).
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,93 triệu đơn vị, giá trị 572,96 tỷ đồng, trong đó đáng kể là VHM thỏa thuận 4,46 triệu đơn vị, giá trị gần 300 tỷ đồng; VIC thỏa thuận 1,63 triệu đơn vị, giá trị gần 155 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ có 7 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu, còn lại tới 23 mã khởi sắc. Trong đó, đáng kể một số mã tăng tốt như VRE +5,9% lên 25.200 đồng/CP, VJC +6,9% lên 116.600 đồng/CP, SAB +3,1% lên 145.400 đồng/CP, VHM +1,5% lên 68.100 đồng/CP, GAS +2,5% lên 68.800 đồng/CP, MWG +5% lên 75.300 đồng/CP, TCB +3% lên 17.250 đồng/CP… VPB vẫn duy trì sắc tím với hơn 4 triệu đơn vị được khớp lệnh và dư mua trần 1,38 triệu đơn vị.
Trong khi VJC giằng co quanh mốc giá trần và tạm dừng chân không giữ được sắc tím nhưng vẫn tăng cao, thì người anh e HVN vẫn bảo toàn mức giá trần, tạm chốt phiên sáng tại mức giá 23.550 đồng/CP, khối lượng khớp gần 1,6 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,42 triệu đơn vị.
Trái lại, một số mã bluechip giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng mức giảm không quá lớn như VNM, MSN, HDB, NVL, SSI với biên độ giảm chỉ trên dưới 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, ROS giao dịch giằng co nhưng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ trước áp lực chốt lời vẫn khá lớn và giảm mạnh. Chốt phiên, ROS -0,24% xuống 4.090 đồng/CP và khớp 7,77 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc đầu phiên, thị trường đã lấy lại đà tăng khá tốt nhờ sự hỗ trợ của một số bluechip.
Chốt phiên giao dịch sáng, sàn HNX có 43 mã tăng và 6397 mã giảm, HNX-Index tăng 1,19 điểm (+1,12%), lên 107,37 điểm.
Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 24,77 triệu đơn vị, giá trị 263,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 39,79 tỷ đồng.
Mặc dù biên độ thu hẹp đáng kể nhưng SHB vẫn có được phiên tăng điểm thứ 9 liên tiếp. Hiện SHB +1,7% lên 17.800 đồng/CP. Trong khi đó, SHS tiếp tục có liên tăng trần thứ 3. Hiện SHS +9,8% lên 9.000 đồng/CP, khối lượng dư mua trần gần 0,6 triệu đơn vị.
Ngoài ra, một số bluechip khác cũng giao dịch khởi sắc như ACB +1,5% lên 20.100 đồng/CP, PVS +1,6% lên 12.400 đồng.CP, DGC +2,7% lên 22.900 đồng/CP… Trong đó, PVS vẫn có khối lượng giao dịch vượt trội đạt hơn 5 triệu đơn vị; tiếp theo là SHS và SHB lần lượt khớp 2,64 triệu đơn vị và hơn 2 triệu đơn vị.
Trái lại, một số mã lớn khác đã gặp áp lực chốt lời và quay đầu điều chỉnh nhưng biên độ giảm không quá lớn như PVI, VCS, VCG…
Tương tự, trên thị trường UPCoM cũng nhanh chóng đảo chiều khởi sắc sau nhịp điều chỉnh nhẹ đầu phiên.
Chốt phiên giao dịch sáng, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,46%), lên 50,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 9,77 triệu đơn vị, giá trị 89,65 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể chưa tới 430 triệu đồng.
Trong phiên hôm nay, một số mã ngành dệt may như MSH và MPT trên sàn niêm yết hay trên thị trường UPCoM có sự góp mặt của VGT. Trong đó, VGT đứng thứ 5 về thanh khoản trên UPCoM với hơn 0,36 triệu đơn vị và dư mua trần 0,27 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản, BSR và LPB có khối lượng giao dịch hơn 2 triệu đơn vị. Trong khi BSR đứng giá tham chiếu thì LPB tiếp tục tăng nhẹ 1,56% lên 6.500 đồng/CP.