Giao dịch chứng khoán sáng 12/5: Thận trọng sau phiên bị "úp sọt"

(ĐTCK) Sau khi bị “đạp” xuống bất ngờ cuối phiên giao dịch chiều qua (11/5), tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong phiên giao dịch sáng nay (12/5).

Trong phiên giao dịch hôm qua, khi nhóm cổ phiếu thép bị chốt lời, thì nhóm ngân hàng thay thế dẫn dắt thị trường tăng điểm khá tốt. Sắc xanh từ nhóm ngân hàng lan ra nhiều nhóm khác, trong đó giúp một số mã thị trường tăng trần và VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử lên ngưỡng 1.275 điểm khi bước vào phiên giao dịch chiều.

Tuy nhiên, nửa cuối phiên chiều, lực bán ồ ạt được tung ra khiến VN-Index lao thẳng đứng từ đỉnh, mất 20 điểm, đóng cửa dưới tham chiếu, ở mức thấp nhất ngày. Lý do theo một số nhà đầu tư, có thể là xuất phát từ thông tin Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm một số nội dung trong hoạt động, đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao như: đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng chứng khoán, bất động sản, BOT giao thong, cho vay tiêu dùng…

Sau phiên hốt hoảng chiều qua, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn khi bước vào phiên giao dịch sáng nay khiến VN-Index giao dịch giằng co quanh tham chiếu, thị trường phân hóa rõ nét khi sắc đỏ và sắc xanh tỏ ra cân bằng.

Một số cổ phiếu ngân hàng như STB, TCB, HDB, BID, CTG, cùng các mã bluechip như MSN, SBT, POW tiếp tục là lực đỡ cho thị trường không giảm sâu trước sức ép của VIC, VCB, VHM, VNM, mà giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Chốt phiên, VN-Index giảm 2,52 điểm (-0,20%), xuống 1.253,52 điểm với 202 mã tăng và 190 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 378,9 triệu đơn vị, giá trị 11.416,3 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16 triệu đơn vị, giá trị 593,6 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, sự phân hóa cũng diễn ra rõ nét. Trong đó, STB duy trì đà tăng tốt 2,2% lên 25.200 đồng, khớp lớn nhất thị trường 30,2 triệu đơn vị. TCB cũng tăng 2,1% lên 48.000 đồng, khớp 13,2 triệu đơn vị, TPB tăng 0,8% lên 31.250 đồng, khớp 5 triệu đơn vị. Trong khi đó, các mã còn lại đều chìm trong sắc đỏ, kể cả HDB, BID, CTG cũng đảo chiều giảm giá, dù mức giảm không lớn.

Giảm mạnh nhất là VPB cũng chỉ mất 1,11% xuống 62.400 đồng, khớp 18,6 triệu đơn vị. Tiếp đến là LPB giảm 0,9% xuống 21.450 đồng, khớp 7,7 triệu đơn vị. VCB giảm 0,8% xuống 97.100 đồng, khớp chưa tới nửa triệu đơn vị…

Trong các mã lớn, ngoài các mã ngân hàng giảm trên, còn có thêm VIC giảm 1,6% xuống 128.900 đồng, VHM giảm 1,02% xuống 97.000 đồng, HPG giảm 0,81% xuống 61.500 đồng, khớp 19,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng có sự phân hóa, trong đó FLC giảm 1,3% xuống 11.450 đồng, khớp 21,9 triệu đơn vị, đứng sau STB, trong khi ROS tăng 1,7% lên 6.690 đồng, khớp 12,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu thép tiếp tục điều chỉnh. Ngoại trừ HPG, còn có HSG, POM, VIS, giảm giá, NKG đứng giá tham chiếu, chỉ có TLH, SMC tăng giá nhẹ.

Sàn HNX cũng giao dịch giằng co, nhưng dưới tham chiếu khi các mã lớn đều giảm giá.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,28%), xuống 278,99 điểm với 76 mã tăng và 101 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 54 triệu đơn vị, giá trị 1.251 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,4 triệu đơn vị, giá trị 45 tỷ đồng.

SHB giảm 1,3% xuống 23.200 đồng, khớp 12,3 triệu đơn vị, lớn nhất sàn này. NVB giảm 2,5% xuống 15.800 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị. Mã vốn hóa lớn nhất sàn là THD, cùng các mã lớn khác trong Top 10 như VCS, IDC cũng giảm nhẹ. Trong khi đó, PVS giữ đà tăng tốt 2,79% lên 22.100 đồng, khớp 7 triệu đơn vị.

Hai mã chứng khoán lớn trên sàn này là VND và SHS đều đóng cửa tham chiếu với thanh khoản hơn 2,6 triệu đơn vị, trong khi MBS tăng 1,2% lên 26.000 đồng, khớp 1,4 triệu đơn vị.

Thị trường UPCoM cũng giằng co nhẹ quanh tham chiếu sáng nay và đóng cửa giảm nhẹ.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%), xuống 81,04 điểm với 126 mã tăng, 105 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,5 triệu đơn vị, giá trị 626 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,5 triệu đơn vị, giá trị 120,7 tỷ đồng.

Trên thị trường này, BSR vẫn là địa chỉ tìm đến quen thuộc của dòng tiền khi thanh khoản đạt 12,4 triệu đơn vị, bỏ xa phần còn lại. Đóng cửa tăng 2,6% lên 15.800 đồng. 4 mã đứng tiếp theo về thanh khoản là ABB, LTG, TVN và DRI chỉ khớp hơn 1 triệu đơn vị và cũng có sự phân hóa về giá khi 2 mã tăng (LTG tăng 3,4% lên 39.300 đồng; DRI tăng 4,3% lên 9.700 đồng), 2 mã giảm (ABB giảm 2,2% xuống 17.700 đồng; TVN giảm 5,4% xuống 15.700 đồng).

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục