Sau phiên hồi phục khá bất ngờ chiều ngày thứ Hai (10/10), thị trường đã lao dốc trả lại hết cả vốn lẫn lãi có được trong phiên hôm qua (11/10). Nhiều nhà đầu tư xuống tiền bắt đáy của phiên đầu tuần một lần nữa nếm trải nỗi đau của việc bắt dao rơi khi hàng trăm mã đua nhau giảm giá trong phiên 11/10, trong đó có hàng chục mã giảm sàn.
Tuy nhiên, điểm mang lại kỳ vọng cho nhà đầu tư chính là việc VN-Index trong phiên chiều 11/10 đã có 3 lần nảy lên khi về ngưỡng 1.000 điểm, trong đó đã có lúc xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng này lúc hơn 14h.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay, tâm lý thận trọng được nhà đầu tư (cả bên bán và bên mua) đặt lên hàng đầu khiến giao dịch diễn ra nhỏ giọt, VN-Index trong những phút đầu giằng co nhẹ quanh tham chiếu với thanh khoản thấp.
Sau khoảng 20 phút giao dịch, VN-Index một lần nữa được đẩy xuống gần ngưỡng 1.000 điểm và cũng giống như 3 lần trong phiên chiều qua, chỉ số này đã bật trở lại, lần này mạnh mẽ hơn, lên thẳng ngưỡng 1.020 điểm với sắc xanh lan rộng dần trên bảng điện tử. Dường như, trong đợt sụt giảm này, ngưỡng 1.000 điểm đang là điểm tự tâm lý vững chắc cho thị trường.
Trong các nhóm dẫn dắt, nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép sắc xanh đã chiếm thế áp đảo, mỗi nhóm chỉ còn một vài sắc đỏ nhạt. Trong nhóm ngân hàng, CTG bứt tốc lên mức trần 21.150 đồng, còn dư mua giá trần, khớp 3,9 triệu đơn vị, lượng dư mua trần tăng dần theo thời gian từ hơn 200 nghìn đơn vị, chốt phiên sáng hơn 1,6 triệu đơn vị. Sau khi CTG được kéo lên trần, lực cầu bắt đầu nhập cuộc mua đuổi ở nhóm ngân hàng, kéo nhiều mã khác cũng bật tăng mạnh, đặc biệt trong số đó là STB khi lượng dư bán nhanh chóng bị hấp thu chỉ trong ít phút, kéo mã này lên mức kịch trần 16.950 đồng và còn dư mua trần tới hơn 6,5 triệu đơn vị, thanh khoản cũng tăng vọt lên hơn 10,9 triệu đơn vị. Tuy nhiên, lực cung sau đó cạn kiệt khiến thanh khoản cũng đứng yên ở ngưỡng này trong hơn 30 phút còn lại của phiên sáng.
ACB cũng tương tự, được kéo lên mức trần 18.700 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị và cũng còn dư mua trần hơn nửa triệu đơn vị. Tiếp đó là BID cũng nối gót lên kịch trần 30.450 đồng, khớp hơn 1,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần. MBB cũng được kéo lên mức trần 17.150 đồng, nhưng lực mua chưa thể lấn át hoàn toàn lực bán, nên sau đó bị đẩy lùi trở lại 2 bước giá, đóng cửa ở mức 17.050 đồng, tăng 6,.2%, thanh khoản gần 8 triệu đơn vị.
SHB từ dưới tham chiếu (thấp nhất phiên ở mức 9.150 đồng) cũng được kéo mạnh lên mức trần 10.050 đồng, nhưng cũng giống như MBB, lực cầu không lấn át hoàn toàn được lực cung nên đóng cửa ở mức 9.980 đồng, tăng 6,2%, thanh khoản hơn 13 triệu đơn vị, đứng thứ 3 toàn sàn sau HPG và VND. Tương tự là LPB cũng không thể giữ được mức trần, đóng cửa tăng 5,9% lên 10.000 đồng, khớp 4,2 triệu đơn vị.
Ngay “anh cả” của ngành cũng là của sàn HOSE là VCB cũng tăng mạnh 5,2% lên 65.200 đồng. Ngoài ra, còn có 3 mã khác của dòng bank cũng tăng gần 6% là VIB và TCB. Ngay cả MSB có lúc giảm hơn 4% cũng đảo chiều thành công, đóng cửa với mức tăng nhẹ. Trong nhóm này chỉ có EIB yếu đà nhất khi đóng cửa phiên sáng vẫn giảm 1,1%.
Với trợ lực từ nhóm chủ lực là ngân hàng, VN-Index bay cao không những vượt qua mốc 1.020 điểm, mà còn vượt qua 1.030 điểm, đóng cửa trên 1.035 điểm, mức cao gần nhất ngày, lấy lại được gần hết những gì đã mất trong phiên hôm qua.
Chốt phiên, VN-Index tăng 30,43 điểm (+3,02%), lên 1.036,63 điểm với 357 mã tăng, trong khi chỉ còn 103 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 342,3 triệu đơn vị, giá trị 6.177 tỷ đồng, tăng 30,5% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 40,7 triệu đơn vị, giá trị 742 tỷ đồng.
Không chỉ nhóm ngân hàng, các nhóm dẫn dắt khác là chứng khoán, thép, thậm chí là bất động sản cũng đồng loạt trở lại mạnh mẽ hôm nay.
Trong nhóm chứng khoán, VCI cũng lên mức kịch trần 26.300 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị và còn dư mua trần 295.000 đơn vị. Các mã lớn khác như SSI, HCM cũng tăng mạnh 6,2% lên 17.200 đồng và 5,4% lên 19.650 đồng, thanh khoản hơn 10,1 triệu đơn vị và 1,6 triệu đơn vị. Trong khi VND tăng khiêm tốn hơn nhưng cũng cộng thêm 3,3% giá trị, lên 14.100 đồng, thanh khoản 13,5 triệu đơn vị, đứng đầu nhóm chứng khoán và chỉ xếp sau HPG trên sàn HOSE. Nhóm chứng khoán cũng chỉ còn duy nhất TVS còn sắc đỏ nhạt, ngay cả ORS giảm sàn ngay từ đầu cũng đã đảo chiều thành công với mức tăng nhẹ khi đóng cửa.
Trong nhóm thép, sắc tím cũng xuất hiện tại HPG, HSG, SMC, nhưng đóng cửa phiên sáng, chỉ còn SMC giữ được mức trần lên 14.250 đồng. Trong khi đó, HPG dù không giữ được mức trần 18.700 đồng, nhưng đóng cửa vẫn có mức tăng mạnh 6,3% lên 18.600 đồng, khớp lớn nhất sàn HOSE với 19,2 triệu đơn vị. HSG cũng đóng cửa tăng 6,3% lên 13.550 đồng, khớp hơn 6,2 triệu đơn vị.
Trong các nhóm khác, sau thông tin ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT và 2 con trai đăng ký mua tổng cộng 6 triệu cổ phiếu, cổ phiếu NLG đã bật tăng trần lên 25.150 đồng và còn đang dư mua giá trần hơn 0,87 triệu đơn vị, thanh khoản hơn 3,3 triệu đơn vị.
Từ sắc tím NLG đã lan sáng nhiều mã khác như KDH lên 26.100 đồng, HDG lên 34.000 đồng, cả 2 đều có thanh khoản trên 1,6 triệu đơn vị.
Mã có biên độ dao động lớn hôm nay là KBC khi chạm cả mức sàn (20.250 đồng) và mức trần (23.250 đồng) trước khi đóng cửa tăng 4,8% lên 22.800 đồng, khớp 9,2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, dù cũng nhận thông tin về việc mua vào tới 10 triệu cổ phiếu của cổ đông và con của Chủ tịch HĐQT, nhưng cổ phiếu NVL lại không có phản ứng quá tích cực khi lình xình quanh tham chiếu. Lý do chính bởi NovaGroup, cổ đông đăng ký mua vào 8 triệu cổ phiếu NVL theo phương thức nhận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu qua hệ thống của Sở giao dịch chứng khoán, nên không ảnh hưởng nhiều. Trong khi lượng đăng ký mua vào của ông Bùi Cao Nhật Quân, con ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT cũng chỉ 2 triệu cổ phiếu. Đóng cửa, NVL tăng 1,2% lên 75.900 đồng, khớp gần 1,7 triệu đơn vị.
Các mã khác đa số giao dịch tích cực hôm nay.
Sàn HNX mở cửa giảm khá mạnh, nhưng sau khi sàn HOSE phát tín hiệu hồi phục, HNX-Index cũng đảo chiều tăng theo.
Chốt phiên sáng, HNX-Index tăng 4,12 điểm (+1,88%), lên 222,89 điểm với 110 mã tăng và 49 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 26 triệu đơn vị, giá trị 411,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 24 tỷ đồng.
Các mã đáng chú ý trên sàn này đều tăng mạnh, trong đó SHS có thanh khoản tốt nhất 5,53 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,4% lên 8.300 đồng. PVS tăng 5% lên 22.900 đồng, khớp 2,5 triệu đơn vị; CEO tăng 2% lên 15.300 đồng, khớp 2,46 triệu đơn vị; IDC tăng 4,6% lên 45.100 đồng, khớp 1,67 triệu đơn vị…
UPCoM lại có bước khởi động lâu hơn 2 sàn niêm yết khi giằng co hơn nửa phiên sáng và chỉ bứt lên từ 10h30.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,86 điểm (+1,1%), lên 78,81 điểm với 144 mã tăng và 80 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,4 triệu đơn vị, giá trị 165,4 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sàn này sáng nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là BSR và ABB, trong đó BSR dẫn đầu với gần 1,9 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 19.900 đồng, còn ABB khớp gần 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,6% lên 8.700 đồng.