Mặc dù VN-Index đã hồi phục gần 6,5% trong tháng 11 sau diễn biến tồi tệ trong tháng 10, nhưng những phiên giao dịch cuối tháng lại phát đi những tín hiệu kém tích cực.
Cùng trạng thái của chỉ số chung giằng co với những phiên tăng giảm xen kẽ trong biên độ duy trì mức 7-8 điểm, dòng tiền tham gia thị trường khá yếu với mức thanh khoản mỗi phiên đều chưa tới 15.000 tỷ đồng, thậm chí có phiên chỉ hơn 10.000 tỷ đồng. Đồng thời, mốc 1.100 điểm dường như được đánh giá là ngưỡng cản tâm lý khó vượt của VN-Index khi thị trường trải qua 4 lần thất bại chỉ trong hơn 1 tháng.
Những diễn biến trên càng khiến nhà đầu tư nghi ngờ và cho rằng nhịp phục hồi vừa qua chỉ mang tính chất kỹ thuật bởi VN-Index đã đánh mất xu hướng uptrend sau đợt giảm điểm mạnh mẽ trước đó và chỉ số này có thể đảo chiều điều chỉnh bất kỳ thời điểm nào.
Bước sang phiên giao dịch sáng đầu tiên của tháng 12, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng khiến thị trường giao dịch phân hóa và thanh khoản khá thấp.
Sau khoảng gần 90 phút mở cửa, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng đã khiến thị trường trở lại trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, với mức tăng của chỉ số chung chỉ trên dưới 1 điểm. Trong đó, nhóm VN30 đã cân bằng hơn sau phiên giao dịch tiêu cực ngày hôm qua.
Các nhóm ngành cổ phiếu trên sàn diễn biến phân hóa với mức tăng giảm đều dưới 1%. Trong đó, các nhóm có mức giảm khá mạnh trong phiên trước là chứng khoán hay thủy sản đều đã đảo chiều hồi phục; trái lại, bất động sản và chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi trạng thái điều chỉnh.
Một số mã đáng chú ý trên sàn là SBG, cũng như nhiều “tân binh” chào sàn, cổ phiếu này đã mở cửa trong sắc tím với thanh khoản chỉ đạt 500 đơn vị và hiện đang dư mua trần hơn 1,37 triệu đơn vị.
Trái lại, sau phiên giao dịch chiều qua, thông tin công bố chính thức về việc bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT đã khiến cổ phiếu LDG mở cửa phiên sáng nay trong sắc xanh mắt mèo đồng thời áp lực bán tháo khiến cổ phiếu này dư bán sàn chất đống. Hiện LDG đứng tại mức giá sàn 3.450 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 0,73 triệu đơn vị và dư bán sàn tới hơn 42,1 triệu đơn vị.
Bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư LDG
Trong khi lực cầu tham gia khá yếu, áp lực bán nhích nhẹ đã khiến thị trường rung lắc và điều chỉnh.
Chốt phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,86 điểm (-0,08%) xuống 1.093,27 điểm 143 210 mã tăng, 277 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 245,76 triệu đơn vị, giá trị gần 4.850 tỷ đồng, giảm 21,37% về khối lượng và 18,17% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,86 triệu đơn vị, giá trị 281,46 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phân hóa mạnh với số mã tăng giảm khá cân bằng và chốt phiên chỉ số nhóm này giảm nhẹ 0,63 điểm. Trong đó, VRE là mã tăng tốt nhất 2,3%, tiếp theo là các mã lớn BVH, MSN, VNM cùng tăng hơn 1%, còn lại chỉ nhích nhẹ.
Trái lại, cặp đôi lớn nhất động sản là VHM và BCM giảm mạnh nhất khi lần lượt mất 1,9% và 1,4%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, LDG vẫn bị xả bán ồ ạt với khối lượng dư bán sàn lên tới 42,58 triệu đơn vị và khối lượng khớp lệnh chỉ gần 0,8 triệu đơn vị.
Một mã đáng chú ý khác là HU1, dù mở cửa vẫn giữ sắc tím nhưng cuối phiên mã này đã bị bán mạnh và nằm sàn, ngắt đà tăng trần sau 3 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu DXG có giao dịch sôi động nhất thị trường với hơn 20,86 triệu đơn vị khớp lệnh, dù doanh nghiệp đã lên tiếng về việc thoái sạch vốn khỏi LDG nhưng chốt phiên mã này vẫn giảm 2,8% xuống mức 19.450 đồng/CP.
Xét về nhóm ngành, các nhóm chính là ngân hàng, chứng khoán và bất động sản đều đang diễn biến kém khả quan với sắc đỏ chiếm áp đảo.
Trái lại, nhóm thủy sản vẫn giữ được sự hồi phục nhẹ nhờ VHC tăng 1,82%, FMC, ANV và DAT tăng nhẹ hơn 0,5%...
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng trên diện rộng về cuối phiên đã khiến thị trường đảo chiều giảm.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,04 điểm (+0,46%), lên 228,07 điểm với 64 mã tăng và 50 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 29 triệu đơn vị, giá trị 515,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 0,14 triệu đơn vị, giá trị 4,9 tỷ đồng.
Trong khi phần lớn cổ phiếu chứng khoán vẫn trong trạng thái mất điểm thì SHS may mắn vẫn giữ được sắc xanh và chốt phiên sáng nay tăng nhẹ 0,6% lên mức 18.200 đồng/Cp, thanh khoản tiếp tục sôi động nhất thị trường với hơn 8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Tiếp theo là CEO khớp 4,62 triệu đơn vị và TAR khớp 1,79 triệu đơn vị, chốt phiên lần lượt giảm 0,5% và 6,8%.
Cổ phiếu ngược dòng thị trường tỏa sáng trong phiên hôm qua là HUT đã quay đầu điều chỉnh giảm 1,5%, xuống mức 19.600 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 1,36 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, trạng thái phân hóa trong gần nửa cuối phiên sáng đã khiến thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 84,92 điểm với 112 mã tăng và 110 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 15,39 triệu đơn vị, giá trị 128,31 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 0,59 triệu đơn vị, giá trị 12,8 tỷ đồng.
Thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ khi 2 mã có giao dịch lớn nhất thị trường là KSH và BSR đều chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị. Chốt phiên, KSH đứng giá tham chiếu 600 đồng/CP, trong khi BSR giảm nhẹ 0,5% xuống 18.800 đồng/CP.