Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/3: Ảnh hưởng từ bên ngoài, chứng khoán trong nước đỏ lửa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà sụt giảm đáng kể từ các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ trong phiên đêm qua đã tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư trong nước ngay khi mở cửa phiên hôm nay.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 8/3: Ảnh hưởng từ bên ngoài, chứng khoán trong nước đỏ lửa

Thị trường kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua với không nhiều biến động về chỉ số nhưng các mã có sự phân hóa đáng kể. Thị trường đi ngang trên nền thanh khoản tốt, nhóm dầu khí, cảng biển, thép, than, đạm... nhận được sự hỗ trợ từ giá hàng hóa quốc tế đã có phiên tăng điểm ấn tượng, chiều ngược lại nhóm tài chính mà đặc biệt là khối ngân hàng là tác nhân chính níu đà tăng của thị trường.

Những diễn biến trên cho thấy, thị trường đang ở giai đoạn chịu ảnh hưởng rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chiến sự tại Ukraine, hơn là các yếu tố nội tại của thị trường trong nước cũng như kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, bước sang phiên giao dịch sáng nay 8/3, dễ hiểu khi VN-Index đỏ lửa ngay từ sớm do tác động tiêu cực từ việc sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Âu- Mỹ đêm qua. Lực bán dâng cao từ sớm, khiến VN-Index lao mạnh xuống 1.485 điểm ngay khi mở cửa.

Sau đó VN-Index có nhịp nảy nhanh lên 1.495 điểm, nhưng lại bị đẩy ngược trở lại về gần đáy 1.485 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch với sắc đỏ bao trùm với hơn 300 mã trên HOSE, cùng các mã lớn đa số suy yếu, trong đó, đáng kể là VCB khi đang là lực cản lớn nhất với việc để mất gần 3%.

Về mặt kỹ thuật thì những cú sụt giảm như thế này không đáng lo ngại, thậm chí là cần thiết. Hiện xu hướng chủ đạo của thị trường là đi ngang với biên độ hẹp, ngưỡng hỗ trợ của VN-Index là 1.480 điểm và ngưỡng cản ở khu vực 1.510 điểm, nên việc giảm sâu trong ngắn hạn là khó xảy ra. Dòng tiền vào thị trường đang ở mức cao, việc giảm điểm sẽ kích thích "dòng tiền tham lam" tham gia, tích lũy năng lượng cho chỉ số bứt phá khi có những thông tin mới tích cực.

Trong phiên sáng nay, dù thị trường không lạc quan nhưng nhóm cổ phiếu các công ty chứng khoán vẫn nhận được lực mua tốt, với sắc xanh phủ rộng dù mức tăng chưa thực sự cao. Đáng chú ý là cổ phiếu SSI đang bất ngờ dẫn đầu thanh khoản HOSE với hơn 13 triệu đơn vị khớp lệnh.

Nhóm chứng khoán với đặc trưng phụ thuộc vào thanh khoản thị trường, đã có đợt giảm khá mạnh giai đoạn trước Tết nguyên đán do lượng giao dịch sụt giảm, giờ đang được cho là sẽ có kết quả kinh doanh thuận lợi khi giá trị giao dịch tăng trở lại, duy trì ở mức 30.000 tỷ đồng/phiên trên HOSE và khoản 36.000 tỷ đồng toàn thị trường.

Ngoài nhóm chứng khoán, sự khởi sắc còn đến từ một số cổ phiếu vừa và nhỏ khi tiếp tục hút dòng tiền tốt như OGC, FCM, TGG, PIT, JVC, GEG, AMD, khi đã tăng kịch trần với thanh khoản tương đối cao.

Nhóm được chú ý thời gian gần đây là nhóm xăng dầu, sau đợt tăng khá tốt với hầu hết các mã đều có mức tăng tối thiểu 10-20% phiên hôm nay đã quay đầu giảm điểm. Giá dầu mỏ cao là động lực, nhưng việc duy trì ở ngưỡng cao 120 USD/thùng không hẳn là lợi thế cho nhóm nay bởi đa số các doanh nghiệp trong ngành có nguồn đầu vào chính là xăng dầu, giá đầu vào cao làm chi phí tăng và có thể dẫn đến nhu cầu sử dụng sản phẩm sụt giảm.

Thị trường trải qua một nhịp giảm nữa và lần này thủng 1.485 điểm, dù vậy, điểm đỡ này đã giúp lực cầu trở lại mạnh mẽ, giúp VN-Index bật lên khá mạnh, nhưng chỉ đủ giúp chỉ số lên trên 1.490 điểm do gánh nặng bủa vậy khắp bảng điện tử.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 155 mã tăng và 283 mã giảm, VN-Index giảm 6,07 điểm (-0,40%), xuống 1.492,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 546,6 triệu đơn vị, giá trị 17.968,8 tỷ đồng, giảm nhẹ cả về khối lượng và giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,5 triệu đơn vị, giá trị 1.095,3 tỷ đồng.

Ở nhóm bluechip, lực bán không quá lớn khi chỉ có 12 mã giảm trong rổ VN30 và phần lớn chỉ giảm nhẹ, tuy nhiên, ảnh hưởng lớn từ một số mã lớn là tác nhân chính kéo chỉ số đi xuống và đáng kể nhất là VCB khi để mất 2,2% xuống 83.000 đồng, khiến VN-Index chịu tác động hơn 2 điểm tiêu cực.

Các cổ phiếu giảm khác còn có PDR, ACB, BID, PNJ, PLX, KDH, mất từ 1% đến 1,7%, trong khi HPG, VPB, VNM, GAS, MBB giảm nhẹ từ 0,6% đến 0,9%.

Ở chiều ngược lại, SSI là cổ phiếu tích cực nhất khi +2,2% lên 47.850 đồng, POW +1,8% lên 17.350 đồng, GVR +1,5% lên 37.300 đồng, FPT +1,3%, TPB +1%, BVH, MSN cùng tăng 0,5%...

Thanh khoản đáng kể tại HGP và SSI khi đứng đầu nhóm và cũng cao nhất HOSE với 18,7 triệu và 16,4 triệu đơn vị khớp lệnh. Cổ phiếu MBB khớp 12,1 triệu đơn vị, POW khớp 11,6 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số có tính đầu cơ cao nổi lên như OGC, FCM, TNH, TGG, TNT, SJF, JVC, khi đều kết phiên trong sắc tím, với JVC khớp tới hơn 7,7 triệu đơn vị, OGC khớp 4,92 triệu đơn vị, SJF khớp 3,2 triệu đơn vị, FCM khớp 1,7 triệu đơn vị…

Có mức tăng khá cao khác là DHM, TDG, QBS, DQC, AGG, PC1, HHS, TV2, FTM, GEG, ICT, AMD, với mức tăng từ 3,5% đến 5,8%, thanh khoản ở mức khá.

Các cổ phiếu khác như APG, NKG, BCG, ROS, TCH, PVD, DCM, DPM, DLG, TTF cũng tăng điểm, nhưng biên độ phần lớn chỉ trên dưới 1%, khớp từ 3,5 triệu đến 8,4 triệu đơn vị.

Ở các nhóm ngành, các công ty chứng khoán có sự đồng thuận cao nhất, ngoài ORS đứng tham chiếu, FTS giảm nhẹ, thì đều tăng, dù mức tăng còn khiêm tốn.

Trong đó, SSI nêu trên +2,2% thì VND +0,5%, APG +0,6%, HCM +1,1%, VDS +1%, CTS +1,7%, VCI +2,6% lên 64.200 đồng.

Ở chiều ngược lại, giảm mạnh đáng kể là PTC khi để mất 6,6% xuống 76.600 đồng, dù vậy, PTC vẫn nằm trong top các cổ phiếu có hiệu suất tốt nhất toàn thị trường trong khoảng 5 tháng trở lại đây, với mức tăng từ cuối tháng 10/2021 chỉ hơn 10.000 đồng lên đỉnh cao nhất lịch sử tại 83.000 đồng thiết lập trong phiên hôm qua.

Tiếp theo là YEG -6,1% xuống 26.900 đồng, VIP -4,6% xuống 12.400 đồng, DRH -4,2% xuống 24.100 đồng, nhóm vận tải, cảng biển với VIP -4,2%, CCL -4%, PVT -3,4%, VOS -3,3%, VTO -3,3%, SFI -3,3%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng lao dốc mạnh ngay khi mở cửa và cũng tương tự trên HOSE, khi thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 81 mã tăng và 139 mã giảm, HNX-Index giảm 1,15 điểm (-0,25%), xuống 451,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,48 triệu đơn vị, giá trị 2.245,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,84 triệu đơn vị, giá trị 89,8 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa khá mạnh, với PVS, CEO, TNG, TVC TVD, IDC, PVL, TAR chìm trong sắc đỏ, với CEO thiệt hại nặng nhất khi giảm 3% xuống 67.900 đồng, PVL -2,2% xuống 13.500 đồng, TNG -1,7% xuống 35.400 đồng, PVS -1,6% xuống 38.000 đồng. Trong đó, PVS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 6,97 triệu đơn vị.

Trái lại, một số tăng đáng kể như PVC +8,2% lên 31.800 đồng, HUT +5,9% lên 36.000 đồng, VKC +5,3% lên 13.800 đồng, AMV +3,9% lên 13.400 đồng, LAS +3,8% lên 24.600 đồng. Các sắc xanh khác còn có tại SHS, KLF, ART, APS, KVC…

Hai cổ phiếu đáng chú ý nhất là OCH và TDN, khi đều kết phiên tăng kịch trần lên 15.800 đồng và 21.100 đồng, khớp lần lượt 0,91 triệu và 0,82 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng giảm khá mạnh ngay khi mở cửa và sau những rung lắc, giằng co đã may mắn tìm về được gần sát tham chiếu khi kết phiên.

Nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất phiên này với VHG, C4G, DDV, DRI, PAS, VGI, QTP, G36, MSR, với DRI tăng tới 9,3% lên 20.000 đồng, VGI +6,2% lên 34.200 đồng, DDV +4,7% lên 33.100 đồng…

Ở chiều ngược lại, BSR, VGT, TVN, BVB, LMH chìm trong sắc đỏ, trong khi SBS, OIL, KHB đứng tham chiếu.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm nhẹ 0,01 điểm (-0,01%), xuống 113,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 58 triệu đơn vị, giá trị 1.210,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị 36,5 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,172.89 -20.12 -1.72% 85,573 tỷ
HNX 220.77 -5.43 -2.46% 1,089 tỷ
UPCOM 87.29 -0.86 -0.99% 263 tỷ