Giao dịch chứng khoán phiên sáng 7/12: Tiết cung giá thấp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường hồi mạnh trở lại sau 2 phiên lao dốc, nhưng chủ yếu do tiết cung giá thấp, chứ không phải từ lực cầu bắt đáy gia tăng, thể hiện thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 7/12: Tiết cung giá thấp

Trong phiên hôm qua, áp lực bán tháo trên diện rộng ở phiên chiều khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện, có thời điểm VN-Index để mất 40 điểm, về gần 1.400 điểm và lực mua bắt đáy mạnh hoạt động tại đây, giúp VN-Index thu hẹp đà giảm, song thị trường vẫn đóng cửa giảm gần 30 điểm với sắc đỏ la liệt và có tới 59 mã giảm sàn.

Hai phiên giảm điểm đã khiến các ngưỡng hỗ trợ của VN-Index liên tiếp bị xuyên thủng và chỉ ngừng rơi khi chạm vùng hỗ trợ mạnh 1.400 - 1.410 điểm. Tuy nhiên, đóng cửa ngày VN-Index vẫn nằm ngoài dải bollinger dưới.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 7/12, lực mua bắt đáy mạnh đã kéo VN-Index tăng vọt gần 20 điểm ngay trong phiên ATO với sắc xanh áp đảo trên bảng điện tử.

Mặc dù vậy, dường như đây chỉ là một nhịp hồi kỹ thuật đưa VN-Index trở lại vào trong dải bollinger. Đà phục hồi với thanh khoản ở mức thấp chủ yếu do tiết cung giá thấp, chứ không phải từ lực cầu bắt đáy. Điều này được thể hiện qua thanh khoản thị trường sụt giảm.

Giao dịch đáng chú ý nhất tại hai cổ phiếu POW và HAG, khi khớp lệnh bỏ xa phần còn lại trên bảng với trên dưới 28 triệu đơn vị và cả hai đều tăng kịch trần, trong đó, POW đã dư mua giá trần lên đến hơn 8,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao chiếm đa số là các mã vừa và nhỏ, đang cố gắng giữ sắc xanh như ROS, HQC, FLC, SCR, TCH, HQC, ITA…cùng một số bluechip như HPG, SSI, TCB, MBB…

Ở chiều ngược lại, IDI, SJF, TSC vẫn chịu áp lực lớn và tiếp tục nằm sàn từ sớm, với khối lượng dư bán giá sàn chất đống với IDI có gần 18 triệu đơn vị, SJF có hơn 14 triệu đơn vị…

Lùi về gần 1.420 điểm, lực mua lại gia tăng và sự góp sức của nhiều bluechip đã kéo VN-Index vọt lên trên 1.435 điểm, trước khi thêm một nhịp bị đẩy ngược trở lại vào những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 310 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index tăng 18,74 điểm (+1,33%), lên 1.432,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 442,8 triệu đơn vị, giá trị 12.174,6 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,7 triệu đơn vị, giá trị 491,2 tỷ đồng.

Nhóm bluechip giao dịch khá tích cực với 29 trên 30 mã trong rổ VN30 tăng điểm, mặc dù vậy, phần lớn vẫn chỉ nhích nhẹ hơn 1%.

Trừ một số bật hẳn lên, trong đó, POW tăng kịch trần +6,8% lên 14.850 đồng, khớp lệnh tới hơn 28,6 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 7,1 triệu đơn vị.

Tăng tốt còn phải kể đến VRE +4,1% lên 29.150 đồng, BID +3% lên 43.200 đồng, GAS +2,8% lên 94.600 đồng, KDH +2,5% lên 44.400 đồng, HDB +2,2% lên 29.750 đồng. Đặc biệt, VCB +3,8% lên 99.000 đồng và đóng góp lớn nhất cho VN-Index với hơn 3,5 điểm tích cực.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG bùng nổ, khi tăng hết biên độ +7% lên 9.230 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HOSE với 35,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,78 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác tăng khá không nhiều, với ITA +3% lên 13.800 đồng, HNG +3,7% lên 8.710 đồng, APH +3,6% lên 35.700 đồng, ASM +2,6% lên 19.400 đồng, ROS +2,8% lên 8.530 đồng, HBC +2,8% lên 23.750 đồng. Trong khi đó, HQC, FLC, SCR, TCH, TTF, DLG nhích nhẹ trên dưới 1%.

Thanh khoản nhóm này thuộc top cao nhất sàn, với khối lượng khớp lệnh từ 3,68 triệu đến 16,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu có sự đồng thuận cao nhất là dầu khí, với PVD +5,3% lên 27.850 đồng, PXS +3,9% lên 8.620 đồng, PGC +3,4% lên 21.250 đồng, GAS +2,8% 94.600 đồng, PVT +2,7% lên 22.600 đồng, PLX +1,5% lên 52.500 đồng…

Trái lại, giảm mạnh vẫn thuộc về những cái tên IDI, TSC, SJF, MCG, khi đều nằm sàn từ sớm, trong đó, IDI khớp chỉ được 0,14 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 18,2 triệu đơn vị, SJF khớp chỉ 49.000 đơn vị và dư bán sàn hơn 14,3 triệu đơn vị, TSC khớp 0,63 triệu đơn vị, dư bán sàn hơn 5,4 triệu đơn vị.

Không ít cũng còn giảm sâu như TNI -6,7%, TLD -5,5%, CIG -4,9%, EVG -4,2%, VIX -3,4%, TCD -3,4%, TDG -2,9%...

Đáng chú ý là GEX, khi nhà đầu tư bắt đáy mạnh, từ mức giá sàn chỉ còn -2,8% xuống 37.050 đồng, khớp lệnh hơn 12,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index biến động mạnh, khi tăng khá tốt từ sớm, nhưng đã bị đẩy ngược trở lại, thậm chí còn thủng tham chiếu trước khi thêm một nhịp tăng mạnh sau đó và giữ đà đi lên cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 114 mã tăng và 106 mã tăng, HNX-Index tăng 5,3 điểm (+1,22%), lên 441,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 67,4 triệu đơn vị, giá trị 1.932,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,88 triệu đơn vị, giá trị 77,7 tỷ đồng.

Đóng góp lớn nhất phiên này là IDC, khi tăng vọt lên mức giá trần +10% lên 82.500 đồng, khớp lệnh hơn 4,33 triệu đơn vị.

Góp sức khác còn đến từ HUT +10% lên 18.700 đồng, PVS +4,1% lên 25.400 đồng, PLC +2,3% lên 40.400 đồng, TNG +4,2% lên 30.200 đồng. Cùng các sắc xanh khác tại SHS, TVC, NDN, PVL, IDJ, HHG, MBS, DL1…

Trái lại, CEO, TTH, APS, C59 giảm điểm, trong đó, APS -7% xuống 38.500 đồng, khớp hơn 4,1 triệu đơn vị, dù có thời điểm giảm sàn.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tăng tốt từ sớm và cũng hạ nhiệt nhanh xuống dưới tham chiếu, trước khi hồi phục dần về cuối phiên.

Bảng điện tử phân hóa mạnh ở nhóm thanh khoản cao như SBS, C4G, BVB, PAS, QNS, NED, SDD, KHB, DRI, VGI, BMS khi kết phiên trong sắc đỏ.

Trong khi đó, HHV, BSR VGT, G36, ABB, OIL đều nhích lên, với HHV +1,6% lên 24.700 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 7 triệu đơn vị, BSR +2,9% lên 21.300 đồng, khớp hơn 5,8 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,45%), lên 109,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42,9 triệu đơn vị, giá trị 907 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,4 triệu đơn vị, giá trị 273,6 tỷ đồng, với chủ yếu là hơn 2,47 triệu cổ phiếu CTR, giá trị 217,1 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục