Giao dịch chứng khoán phiên sáng 4/10: Lực bán chưa dừng, VN-Index chưa thể phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực cung trên thị trường chưa cho dấu hiệu đã cạn, khi tiếp tục được tung vào khiến các chỉ số trên bảng điện tử nhanh chóng "quay xe" về dưới tham chiếu sau những phút đầu khởi động tích cực.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 4/10: Lực bán chưa dừng, VN-Index chưa thể phục hồi

Trong phiên hôm qua, việc VN-Index rơi hơn 45 điểm và để mất vùng hỗ trợ tâm lý 1.100 điểm, thị trường còn rơi vào trạng thái “xấu kép”, khi giá giảm nhưng thanh khoản thấp.

Đáy kỹ thuật đã bị phá vỡ và đáy mới được hình thành gọi tên 1.000 điểm. Xét về trung hạn từ khi rời khỏi mức đỉnh 1.530 điểm thì VN-Index đã giảm 444 điểm, tương đương -29%, trên đồ thị kỹ thuật thì thị trường đang ở con sóng giảm cuối cùng của mô hình elliott (5 nhịp trong xu hướng giảm).

Tâm lý tiêu cực và lực bán dự báo vẫn còn khiến cho thị trường khó có thể bật tăng mạnh ngay trở lại.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 4/10, thị trường chưa thấy tín hiệu cho thấy đã tìm thấy điểm cân bằng, khi mới chớm tăng gần mốc 1.100 điểm đã dần bị đẩy xuống dưới tham chiếu sau hơn 1 giờ giao dịch, bảng điện tử đổi sắc với các mã giảm chiếm áp đảo, thanh khoản vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể nào.

Dòng tiền vẫn phân hóa và không đi vào nhóm ngành nào cụ thể và phần lớn chỉ mang tính thăm dò, ngoại trừ một số ít cổ phiếu vận tải, logistics như STG tăng trần lên 30.250 đồng, các cổ phiếu TMS, CCL, SFI, VNL nhích từ hơn 2% đến hơn 4%, nhưng khối lượng giao dịch không thật sự cao.

Trong khi đó, áp lực bán gia tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, với những cái tên chủ yếu ở nhóm bất động sản như VCG, CRE, DRH, BCM, EVG, HDG, DIG, NHA, CTD, đã sớm giảm từ 4% đến hơn 6%.

Mặt khác, cổ phiếu HAG đang giao dịch vượt trội so với thị trường chung về khối lượng khớp lệnh, với hơn 11,3 triệu đơn vị, nhưng giá cổ phiếu giảm sâu, mất trên dưới 5%.

Sau nhịp đảo chiều nhanh, mất khoảng 10 điểm về gần 1.075 điểm, VN-Index đã dần hồi phục và chạm gần tham chiếu khi kết phiên. Tuy vậy, bảng điện tử vẫn bị sắc đỏ chi phối, chỉ số thu hẹp đà giảm chủ yếu nhờ các bluechip đảo chiều tăng hoặc hãm đớt đà giảm. Điểm tích cực là thanh khoản có sự cải thiện đáng kể so với phiên sáng hôm qua.

Chốt phiên, sàn HOSE có 170 mã tăng và 258 mã giảm, VN-Index giảm 1,46 điểm (-0,13%), xuống 1.084,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 255,3 triệu đơn vị, giá trị 5.248,1 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 25,7 triệu đơn vị, giá trị 679,4 tỷ đồng.

Rổ VN30 có phần tích cực hơn với 16 mã tăng và chỉ còn 9 cổ phiếu giảm, cùng nhóm BVH, NVL, SSI, STB, VCB đứng tham chiếu.

Trong đó, các mã giảm cũng đã đều thu hẹp đà đi xuống, với VHM, HPG, GVR, VNM, VPB, PDR, GAS, BID chỉ giảm nhẹ và MSN -2,9% xuống 91.300 đồng.

Ở chiều ngược lại, tích cực nhất là hai cổ phiếu ngân hàng VIB +3,1% lên 21.800 đồng và HDB +2,2% lên 18.800 đồng.

Cùng với đó là FPT, CTG, ACB, POW, KDH và MWG, với mức tăng từ 1,2% đên 1,8%, còn lại nhích nhẹ.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi bật nhất phiên này là một số cổ phiếu vận tải, logistics, trong đó, HAH là điểm sáng nhất khi đã tăng kịch trần +6,9% lên 41.700 đồng, khớp 1,86 triệu đơn vị.

Các mã khác trong ngành như TCO +6,3% lên 9.790 đồng, STG +6% lên 30.000 đồng, VNL +2,8% lên 22.300 đồng, SFI +2,6% GMD +2,3%, TMS +2,3%, CCL +2,1%...

Sắc xanh khác không nhiều, với các mã ASM, APH, HDC, DGC, HQC, LCG, TCH, PVD, NKG, HNG, VND, nhưng ngoài PVD tăng 3,3% lên 19.050 đồng, thì còn lại chỉ nhích nhẹ, khớp lệnh từ gần 1 triệu đến hơn 7,3 triệu đơn vị.

Trái lại, lực bán vẫn còn rất mạnh khiến nhiều cổ phiếu giảm sâu, như ở nhóm bất động sản, xây dựng với DHA, ITA, DHC, IJC, EVG, CRE, DRH, NHA, HDG, CTD, NVT, TNT giảm từ 3% đến 6,4%. Các cổ phiếu khác như HHV, SCR, LDG, BCG, HBC, KBC, VCG, DXG, DIG cũng chìm trong sắc đỏ, khớp từ hơn 1 triệu đến hơn 6,4 triệu đơn vị.

Thanh khoản phiên này HAG dẫn đầu thị trường và vượt trội so với phần còn lại với hơn 17 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm sâu khi để mất 4% xuống 11.850 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index nhích lên từ sớm và nhanh chóng bị đẩy xuống dưới tham chiếu và hồi dần vào những phút cuối.

Chốt phiên, sàn HNX có 69 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,09%), xuống 237,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,57 triệu đơn vị, giá trị 480,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,85 triệu đơn vị, giá trị 32,5 tỷ đồng.

Áp lực phân hóa cao, với những SHS, PVS, IDC, PVC, AMV, MBS, TVC, SCG, PVB nhích lên, trong đó, SHS +1,1% lên 9.600 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 4,06 triệu đơn vị, theo sau là PVS với 3,2 triệu đơn vị và tăng khá +3,7% lên 22.200 đồng.

Nhóm cổ phiếu giảm đáng kể có DS3 giảm sàn -7,9% xuống 3.500 đồng, ART -4,3% xuống 2.200 đồng, CEO -4,1% xuống 18.800 đồng, KVC -3,7% xuống 2.600 đồng, các mã TNG, IDJ, TAR, MBG, PLC, HTP cũng giảm, nhưng mức giảm không lớn.

Trong khi đó, KLF, HUT, BII, APS, HDA, DVG, VKC, DXP, HHG dừng chân ở giá tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng tìm về gần được tham chiếu khi tạm nghỉ, sau khi bị đẩy ngược về sắc đỏ từ nhịp tăng đầu phiên.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,20%), xuống 82,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,1 triệu đơn vị, giá trị 216 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,28 triệu đơn vị, giá trị 9,24 tỷ đồng.

Giao dịch rất ảm đạm, với phần lớn các cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao nhất đều giảm, trừ BSR, ABB, VHG, SBS, SSH, PXS đứng tham chiếu.

Trong đó, BSR vẫn là cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất với hơn 3,66 triệu đơn vị khớp lệnh.

Một số cổ phiếu giảm sâu đáng kể như PAS -7% xuống 6.600 đồng, CEN -7,7% xuống 6.000 đồng, LMH -9,6% xuống 7.500 đồng.

Ở chiều ngược lại, VTD +12,3% lên 12.800 đồng, khớp 0,19 triệu đơn vị, hai mã DSC và BRR tăng kịch trần lên 34.700 đồng và 21.100 đồng, khớp hơn 40.000 đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục