Giao dịch chứng khoán phiên sáng 31/8: Hiện thực hóa lợi nhuận, yên tâm nghỉ lễ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đề phòng những bất ngờ sau kỳ nghỉ lễ kéo dài, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng trong giao dịch, trong đó với những nhà đầu tư may mắn đua sóng thành công tại một số mã, cũng hiện thực hóa lợi nhuận để an tâm nghỉ lễ.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 31/8: Hiện thực hóa lợi nhuận, yên tâm nghỉ lễ

Hôm nay là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8 và cũng là phiên giao dịch cuối cùng trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày.

Tuần này, thị trường chỉ có 3 phiên giao dịch, trong đó ngoài phiên đột biến về thanh khoản trong ngày đầu tuần do nhiều nhà đầu tư yếu bóng vía đua nhau thoát hàng do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài, phiên hôm qua và sáng nay, thị trường giao dịch có phần trầm lắng.

Lý do có thể sau phiên “mất hàng” đầu tuần, nhà đầu tư tỏ ra thận trọng hơn để không bị sập bẫy của các tay to để bị “mất hàng” hoặc “mua hớ”. Ngoài ra, thị trường cũng chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, thường sau các kỳ nghỉ lễ dài ngày, thị trường hay có những biến động khó lường, nên nhà đầu tư cũng tỏ ra thận trọng hơn.

Đó là lý do khiến phiên giao dịch hôm qua, dù VN-Index được kéo trở lại sau phiên điều chỉnh đầu tuần, nhưng thanh khoản sụt giảm mạnh do lực cầu yếu, đà tăng của VN-Index chủ yếu nhờ vào một số mã bluechip, đặc biệt là VCB, BID.

Tâm lý thận trọng tiếp tục duy trì trong phiên sáng nay khi thanh khoản trong đợt ATO (xác định giá mở cửa) chỉ hơn 100 tỷ đồng, VN-Index cũng chỉ giảm nhẹ khoảng 2,7 điểm. Thời gian sau đó, thị trường cũng chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu với giao dịch diễn ra chậm. Lực cầu hạn chế, trong khi nhiều nhà đầu tư muốn hạ tỷ trọng cổ phiếu, tăng tỷ lệ tiền mặt trong tài khoản, nên sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng mức giảm cũng không lớn, do rút kinh nghiệm từ phiên đầu tuần, nên nhà đầu tư không muốn bán bằng mọi giá.

Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư đua theo con sóng PTL với thông tin đổi chủ đã hiện thực hóa lợi nhuận sáng nay, khiến mã này mất sắc tím.

Theo đó, thông tin đổi chủ đã giúp PTL nổi sóng từ đầu tháng 8 leo từ mức 4.5 lên 6.9 sau 2 tuần đầu tháng 8, tương đương mức tăng hơn 53%. Sau khi bị chốt lời và điều chỉnh về ngưỡng 6.0 trong tuần kế tiếp, PTL đã bước vào con sóng thứ 2 kể từ đầu tuần trước và kéo dài đà tăng cho tới hôm nay. Trong đó, mã này đã có chuỗi 3 phiên dựng cây tím liên tiếp kể từ phiên 26/8 và tiếp tục lên kịch trần 8.240 đồng khi mở cửa phiên sáng nay. Tuy nhiên, áp lực chốt lời sau đó đã diễn ra mạnh mẽ, khiến PTL mất sắc tím, có lúc lùi về mức 7.800 đồng, thanh khoản theo đó cũng tăng đột biến, hơn 2 triệu đơn vị chỉ sau 1 giờ giao dịch, vượt trội so với các phiên trước đó và là mức cao nhất hơn 4 tháng. Nếu giữ nhịp giao dịch, PTL có thể sẽ thiết lập kỷ lục thanh khoản của năm trong phiên hôm nay.

Trong khi đó, một số cổ phiếu có tính thị trường khác dù chịu áp lực trong những phút đầu phiên, nhưng sau đó đã nhận lực cầu tốt và quay đầu đảo chiều tăng như HAG, CII, HQC, IDI, LDG... Trong đó, HAG là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 12,5 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,2% lên 13.100 đồng.

Trong các nhóm có tính dẫn dắt, nhóm ngân hàng, thép có sự phân hóa với biến động không lớn, nhóm chứng khoán đa số chìm trong sắc đỏ, chỉ có 2 sắc xanh nhạt, nhóm dầu khí cũng tương tự khi đồng loạt chìm trong sắc đỏ, trong khi nhóm phân bón đã trở lại, nhưng mức tăng không lớn.

Trong các mã lớn, cặp đôi VIC, VHM đang tăng tốt hỗ trợ cho thị trường sau thông tin về kết quả kinh doanh bán niên sau soát xét được công bố. Ngoài ra, còn phải kể đến một số mã bluechip khác như MSN, VPB, BVH, NVL

Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến giao dịch diễn ra rất ảm đạm trong suốt phiên sáng, thanh khoản theo đó sụt giảm mạnh, các mã tăng, giảm cũng với biên độ hẹp, nên VN-Index cũng chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa với sắc xanh nhạt, ngoại trừ một vài mã đơn lẻ như TGG, NT2 và PDN tăng trần, trong đó NT2 và TGG có thanh khoản khá tốt với lần lượt gần 3,8 triệu đơn vị (giá trần 27.350 đồng) và hơn 1,8 triệu đơn vị (giá trần 7.560 đồng, còn dư mua trần), trong khi PDN chỉ 1 lệnh duy nhất để khéo trần lên 116.700 đồng, lệnh bán không, có bên mua cũng rất ít, chỉ còn dư mua 2.200 đơn vị, trong đó 2.100 đơn vị dư mua giá trần, 100 đơn vị dư mua giá 106.000 đồng, thấp hơn 2,8% so với tham chiếu.

Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 1,87 điểm (+0,15%), lên 1.281,26 điểm với 169 mã tăng và 224 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 215 triệu đơn vị, giá trị 5.294,9 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,9 triệu đơn vị, giá trị 278 tỷ đồng.

Dù áp lực chốt lời khá lớn, nhưng nhà đầu tư đang nắm giữ PTL cũng không muốn thu hẹp lãi, nên, trong khi bên mua cũng không dám mạo hiểm, nên giao dịch của PTL trong nửa cuối phiên sáng trầm lắng, dù mất sắc tím, nhưng vẫn giữ được đà tăng tốt 5,2% lên 8.110 đồng, khớp hơn 2,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, KPF đang có dấu hiệu hình thành nửa còn lại của mô hình cây thông. Theo đó, sau khi được kéo thẳng đứng từ mức 10.500 phiên 8/8 lên mức cao nhất 23.750 đồng trong phiên 30/8, tương đương mức tăng hơn 126%, áp lực chốt lời diễn ra, khiến KPF hạ nhiệt trong phiên 30/8 và chính thức quay đầu giảm trong phiên hôm nay, thậm chí có lúc về mức sàn 21.050 đồng, trước khi đóng cửa ở mức 21.300 đồng, giảm 5,8%, thanh khoản gần 0,25 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu bluechip, VIC tăng 1,9% lên 64.800 đồng, VHM tăng 0,8% lên 60.400 đồng, đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index. Ngoài ra, POW tăng 2,5% lên 14.200 đồng, cao nhất VN30, khớp 9,34 triệu đơn vị, cũng cao nhất nhóm này; MSN tăng 1,1% lên 115.000 đồng, BVH tăng 2,4% lên 58.800 đồng, VPB tăng 06,% lên 31.550 đồng, NVL tăng 0,5% lên 82.600 đồng. Ở chiều ngược lại, các mã giảm với biên độ không đáng kể, giảm mạnh nhất là VJC cũng chỉ mất 1,2% xuống 120.900 đồng.

Về các nhóm ngành không có nhiều thay đổi như nửa đầu phiên sáng, ngoại trừ nhóm phân bón mất dần sắc xanh.

Trong khi đó, thiếu đi sự hỗ trợ của các đầu tàu, HNX-Index chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ và đóng cửa giảm nhẹ.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 0,88 điểm (-0,3%), xuống 292,97 điểm với 61 mã tăng và 93 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 31,3 triệu đơn vị, giá trị 841,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Mã bluechip IDC có thanh khoản tốt nhất sàn là 5,1 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm 0,8% xuống 61.500 đồng. PVS cũng giảm 0,4% xuống 28.300 đồng, khớp 4,45 triệu đơn vị. SHS lại tăng nhẹ 0,8% lên 13.200 đồng, khớp 2,54 triệu đơn vị. Ngoài ra, chỉ có thêm 4 mã nữa có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là KLF, AMV, CEO và BII, trong đó BII là mã tăng tốt nhất 5,8% lên 5.500 đồng, còn lại là giảm và AMV đứng giá.

UPCoM cũng chỉ có sắc xanh lúc mở cửa, sau đó quay đầu và giao dịch dưới tham chiếu trong suốt thời gian còn lại của phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,44 điểm (-0,48%), xuống 91,95 điểm với 98 mã tăng và 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 15,2 triệu đơn vị, giá trị 310,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 46,3 tỷ đồng.

Chỉ duy nhất BSR có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị sáng nay trên UPCoM (2,85 triệu đơn vị), đóng cửa giảm 1,5% xuống 25.800 đồng. Trong khi OIL giữ giá tham chiếu 13.800 đồng, khớp hơn 0,65 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ