Trong phiên hôm qua, số liệu GDP quý III giảm rất sâu được công bố, nhưng thị trường đã trụ vững.
Điều này mang lại tâm lý tích cực cho nhà đầu tư trong phiên sáng nay theo cách "tin xấu ra là lúc thị trường đi qua đáy", lực bán ra tiếp tục giảm là động lực khiến thị trường tăng mạnh. Thị trường đã tăng tốt ngay từ lúc mở cửa với số mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá.
Nhóm ngân hàng mặc dù liên tục nhận được thông tin không khả quan từ dự báo về nợ xấu tăng cao được công bố bởi NHNN, cũng như dự báo về việc lợi nhuận giảm do tiếp tục giảm lãi suất gần 10.000 tỷ trong hơn 1 tháng qua để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng nhiều cổ phiếu nhóm này cũng đã có sự phục hồi đáng kể.
Từ 15/7 - 31/8/2021, 16 ngân hàng đã giảm 8.865 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng
Tất nhiên, về tổng thể thị trường sự lạc quan vẫn chưa trọn vẹn khi thanh khoản mức khá thấp. Tới thời diểm 11h, sàn HOSE chỉ có giá trị giao dịch đạt hơn 6.500 tỷ đồng, cho thấy sự thận trọng vẫn còn, nhiều nhà đầu tư vẫn đứng ngoài quan sát.
Về diễn biến đáng chú trong phiên giao dịch sáng nay ngày 30/9, một số mã lớn như MSN, BVH, VNM tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ chỉ số. Đáng kể nhất là sự trở lại của cặp đôi VIC và VHM đóng góp tới 2 điểm tăng cho VN-Index.
Tâm điểm thi trường hôm nay là nhóm cổ phiếu Louis được “giải cứu” sau liên tiếp những phiên giảm sàn, lệnh bán chất đống không thể khớp thì từ sớm TDH, APG trên HOSE và BII, VKC, SMT trên sàn HNX, cũng như DDV trên UpCoM đã leo nhanh lên mức giá trần, thậm chí là còn từ mức giá sàn ngay khi mở cửa như VKC, SMT.
Các cổ phiếu còn lại là TGG, AGM đuối hơn đôi chút, nhưng cũng đang có được giá xanh.
Trong các nhóm mã trụ ngoài ngân hàng, nhóm cổ phiếu dầu khí sau phiên bùng nổ ngày 28/9, đã ghi nhận phiên điều chỉnh thứ hai liên tiếp. Đi vào pha điều chỉnh còn có thêm nhóm cổ phiếu thép. Nhóm cổ phiếu chứng khoán bật tăng, nhưng sức mua rất yếu cho thấy đây chỉ là đợt tăng giá kỹ thuật.
Về chỉ số, VN-Index phiên sáng nay đã vượt khá tốt đường trung bình giá 20 ngày (MA20) ở khu vực 1.343 điểm, nhưng sau đó đã giảm trở lại ngưỡng này. Thị trường vẫn cần có những phiên cải thiện hơn về sức cầu nếu muốn trở lại xu hướng tăng giá.
Tăng chậm lên gần 1.350 điểm, nhưng thanh khoản đã chậm lại đáng kể, tạo điều kiện cho áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng, kéo theo VN-Index đảo chiều dần hạ nhiệt và kết phiên chỉ còn tăng nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 244 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index tăng 3,64 điểm (+0,27%), lên 1.342,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 251,2 triệu đơn vị, giá trị 7.709,2 tỷ đồng, giảm 24% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 13,7 triệu đơn vị, giá trị 480,1 tỷ đồng.
Càng về cuối phiên, giao dịch càng trở nên ảm đạm, trong đó, ở nhóm bluechip chỉ còn một vài cái tên nổi bật như PNJ +2,5% lên 95.600 đồng, VRE +1,8% lên 28.800 đồng.
Cùng với đó là 2 mã lớn VIC và MSN, khi đã đóng góp phần lớn cho mức tăng của VN-Index với hơn 2 điểm tích cực. Theo đó, MSN +2% lên 143.800 đồng, VIC +1,4% lên 87.900 đồng.
Còn lại chỉ tăng giảm với biên độ hẹp, dưới 1% như sắc xanh BVH, CTG, GVR, STB, MBB, VNM, VHM, FPT, ACB và sắc đỏ tại VCB, GAS, PLX, VPB, HPG, HDB, VJC…
Thanh khoản chỉ còn HPG đáng kể khi dẫn đầu nhóm cũng như cao nhất HOSE với hơn 12,1 triệu đơn vị khớp lệnh, POW trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức 2% bằng tiền đã khớp hơn 5 triệu đơn vị và giảm nhẹ 0,4% xuống 11.950 đồng.
Trên bảng điện tử, mặc dù sắc xanh chiếm ưu thế, nhưng không có nhóm nào quá nổi bật, trừ nhóm vận tải, logistics có biên độ tăng tương đối tốt với VSC +3,7% lên 61.000 đồng, HAH +3,6% lên 62.800 đồng, VNL +3,1% lên 29.600 đồng, TMS +2,9% lên 64.800 đồng, DVP +2,6% lên 56.100 đồng, MHC +2,2% lên 11.500 đồng…
Nhóm cổ phiếu họ Louis đứng vững với TDH, APG giữ mức giá trần tại 12.050 đồng và 18.700 đồng, khớp 3,24 triệu và 1,31 triệu đơn vị, AGM +2,1% lên 36.350 đồng, khớp chỉ hơn 9.000 đơn vị, trong khi đó, TGG -2,1% xuống 51.100 đồng, khớp 1,77 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ có khối lượng khớp lệnh cao như DLG, SCR, ITA, HQC, ROS, TTB, LDG, DRH, IJC tăng điểm, nhưng ngoài DRH tăng hơn 3% thì còn lại cũng chỉ nhích nhẹ. Ở chiều ngược lại, TCH, HBC, KBC, LCG, DXG, KDC giảm.
Thanh khoản DLG chỉ đứng sau HPG, nhưng cũng có hơn 7 triệu đơn vị khớp lệnh, SCR khớp 5,13 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng dần từ khá sớm và cũng chịu áp lực bán chốt lời và thu hẹp đà tăng đôi chút về cuối phiên.
Nhóm cổ phiếu nâng đỡ chỉ số phiên này là SHB +2,7% lên 26.700 đồng, TNG +3,4% lên 27.400 đồng, NVB +3,3% lên 27.900 đồng, BVS +1,9% lên 32.800 đồng.
Nhóm cổ phiếu nhỏ hoạt động cũng tích cực với VIG và cặp đối nhà Louis là BII và SMT tăng kịch trần, còn VKC +9% lên 18.200 đồng.
Giảm điểm không nhiều, với PVS, IDC, VCS, PVI, PLC, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%.
Thanh khoản SHB phiên này cao nhất và vượt trội so với phần còn lại với hơn 8,26 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp hơn 3,22 triệu đơn vị, KLF khớp 2,7 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 105 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 3,47 điểm (+0,98%), lên 357,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 54,9 triệu đơn vị, giá trị 1.114,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,48 triệu đơn vị, giá trị 278 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 10,2 triệu cổ phiếu NVB tại mức giá sàn, tương ứng hơn 248 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mở cửa giảm điểm, nhưng đã nhanh chóng bật lên và kết phiên tăng nhẹ với sự phân hóa của bảng chính.
Giao dịch đáng chú ý nhất tại cổ phiếu DDV của họ Louis, khi tăng kịch trần +15% lên 29.900 đồng, khớp hơn 0,76 triệu đơn vị.
Ở phần còn lại, BSR, LMH, KLB, TVN, OIL giảm điểm, còn VGT, BVB, ABB, ORS tăng điểm.
Trong đó, BSR -0,5% xuống 19.500 đồng, khớp lệnh cao nhất với 4,48 triệu đơn vị, VGT khớp hơn 3,35 triệu đơn vị, tăng 4,8% lên 19.800 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,22 điểm (+0,23%), lên 96,16 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,45 triệu đơn vị, giá trị 647 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,41 triệu đơn vị, giá trị 67,5 tỷ đồng.