Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/9: Thị trường hồi phục, niềm tin vẫn chưa trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp và test lại đáy cũ, VN-Index hồi trong phiên sáng nay, nhưng sự tự tin vẫn chưa trở lại với nhà đầu tư, thể hiện qua việc thanh khoản sụt giảm.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 29/9: Thị trường hồi phục, niềm tin vẫn chưa trở lại

Trong phiên hôm qua, thị trường giao dịch trong sắc đỏ suốt cả phiên với áp lực bán từ sớm xuất hiện. Đầu phiên chiều, lực cầu đỡ giá ở một số mã bluechip đã kéo VN-Index hồi hơn 12 điểm. Tuy nhiên, khi VN-Index được kéo lên trên 1.160 điểm, lực bán chờ sẵn đã đồng loạt được tháo chốt, đẩy VN-Index thoái lui trở lại hơn 20 điểm về vùng đáy cũ xác lập ngày 7/7/2022 (1.142,8 điểm).

Dù vùng đáy này đã phát huy được vai trò hỗ trợ tốt, giúp VN-Index có nhịp nảy trở lại gần 10 điểm, nhưng lực cung lớn giá thấp trong đợt ATC thêm một lần đẩy VN-Index trở lại, đóng cửa ở gần thấp nhất ngày với hàng chục mã giảm sàn.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/9, thị trường nhận nhiều thông tin tích cực. Đầu tiên là chứng khoán thế giới đồng loạt hồi phục khi giới đầu tư tích cực bắt đáy sau chuỗi phiên giảm mạnh liên tiếp trước đó.

Ở trong nước, số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng nay cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Nhận ảnh hưởng tích cực từ thị trường chứng khoán thế giới và thông tin kinh tế vĩ mô trong nước, cùng với việc VN-Index bị đẩy về vùng đáy, đã thúc đẩy lực cầu bắt đáy xuất hiện mạnh ngay từ sớm. Chỉ số VN-Index theo đó tăng gần 17 điểm, lên lại vùng 1.160 điểm với sắc xanh tràn ngập bảng điện tử.

Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào xu hướng giảm của thị trường đã kết thúc, nên ngay khi thị trường hồi trở lại đã đẩy mạnh thoát hàng, khiến VN-Index nhanh chóng quay đầu, lùi về gần mức tham chiếu. Sắc đỏ trên bảng điện tử cũng nhiều dần lên, trong khi sắc xanh vơi bớt.

Động lực tích cực nhất cho chỉ số là GAS khi nhích hơn 3%, theo sau là VNM, FPT và đà hồi phục hơn 2,5% của KDH.

Ở những nơi khác, chưa có dấu hiệu cho thấy đà tăng trở lại ở bất kỳ nhóm ngành lớn nào, khi các mã tăng tốt đều rải rác và thanh khoản không cao, chỉ một số cổ phiếu đơn lẻ bất động sản, xây dựng như NBB, TTB, TDG, NHA, VGC, NLG, với mức tăng từ 3% đến hơn 4%.

Trong khi đó, nhiều mã cùng ngành vẫn giảm sâu như VCG, LCG, HHV, FCN, HBC, với mức giảm từ 4% đến gần 6%, đáng chú ý là thanh khoản các cổ phiếu này đang thuộc top cao nhất HOSE.

Giao dịch chậm lại đáng kể trên toàn thị trường khi sự thận trọng vẫn còn đó, trong khi sức cầu yếu tại nhiều bluechip đã khiến thị trường càng thêm đuối sức, VN-Index bị đẩy về dưới 1.150 điểm và gần như chỉ đi ngang ở nửa sau của phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 266 mã tăng và 160 mã giảm, VN-Index tăng 5,46 điểm (+0,48%), lên 1.149,08 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 185,8 triệu đơn vị, giá trị 4.155 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,1 triệu đơn vị, giá trị 492,8 tỷ đồng.

Trong các trụ cột, GAS vẫn là mã giúp cho thị trường không bị đẩy lùi sâu hơn, với mức tăng 3,6% lên 107.700 đồng và đóng góp gần 2 điểm tích cực cho VN-Index.

Các bluechip đáng kể khác còn FPT +2,2% lên 79.700 đồng, KDH +2% lên 30.000 đồng, MSN +1,9% lên 104.000 đồng và VNM +1,9% lên 73.200 đồng.

Còn lại, dù đa số tăng điểm, nhưng chỉ nhích nhẹ, với VRE, BID, VPB là ba cổ phiếu còn tăng hơn 1%, các mã CTG, HPG, SSI, MWG, GVR, BVH nhích từ 0,6% đến 0,9%.

Ở chiều ngược lại, VIC là cổ phiếu giảm điểm duy nhất, nhưng bị bán mạnh và giảm tới 4,2% xuống 55.100 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nổi bật nhất có lẽ là NBB, khi vọt lên mức giá trần +7% lên 16.150 đồng, thanh khoản khá với hơn 1,53 triệu đơn vị khớp lệnh.

Một số cổ phiếu đơn lẻ khác có mức tăng tốt có CTF +3,1% lên 23.200 đồng, PTC +4,6% lên 9.410 đồng, NHA +5,1% lên 21.650 đồng, ITC +6,3% lên 13.600 đồng.

Các cổ phiếu có khối lượng giao dịch thuộc top cao nhất sàn và tăng điểm có các mã hóa chất DGC, DCM, DPM, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với KBC, HQC, NLG, GEX, CII, nhóm thép với HSG, NKG, chứng khoán với HCM, VCI, VND, VIX, nông nghiệp với DBC, IDI, HNG, nhưng gần như tất cả chỉ tăng nhẹ, khớp lệnh từ 0,78 triệu đến hơn 4,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, một số cổ phiếu xây dựng, vẫn giảm khá sâu, như VCG -6,3% xuống 22.500 đồng, LCG -5% xuống 10.450 đồng, HHV -5,3% xuống 14.350 đồng, FCN -6,1% xuống 13.900 đồng, HBC -3,9% xuống 17.450 đồng, khớp từ 2,67 triệu đến hơn 7,66 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index mở cửa tăng khá mạnh và dần thu hẹp đà tăng sau đó, kết phiên chỉ còn tăng nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 93 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 1,5 điểm (+0,59%), lên 253,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,9 triệu đơn vị, giá trị 396,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,79 triệu đơn vị, giá trị 96 tỷ đồng.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất phiên này là KLF, khi được kéo lên kịch trần +6,3% lên 1.700 đồng, khớp hơn 1,12 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 3,1 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, BII +6,3% lên 3.400 đồng, ART +4% lên 2.600 đồng, MBS, TVC và PVS nhích hơn 2%, các sắc xanh nhạt khác tại SHS, IDC, CEO, IDJ, PVC, APS, MBG, SCG…

Mất điểm chỉ còn HUT, TAR, HTP, nhưng mức giảm chỉ trên dưới 1,5%, trong khi DDG, TNG, AMV, TTH, HHG, SRA đứng giá tham chiếu.

Thanh khoản phiên này SHS cao nhất sàn với hơn 4,3 triệu đơn vị khớp lệnh, theo sau là IDC với 1,85 triệu đơn vị, PVS khớp 1,67 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng có nhịp tăng khá ngay đầu phiên, trước khi hạ dần độ cao và giằng co nhẹ ngay trên tham chiếu cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,21%), lên 86,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,27 triệu đơn vị, giá trị gần 189 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,38 triệu đơn vị, giá trị 103,2 tỷ đồng.

Bảng điện tử phân hóa khá mạnh, với các cổ phiếu đáng kể như VGI +5,3% lên 29.700 đồng, DSC +7,8% lên 33.000 đồng và cổ phiếu LCM tăng kịch trần +15% lên 4.600 đồng.

Trái lại là LMH -9,7% xuống 8.400 đồng, VGT -5,1% xuống 14.800 đồng, CEN -5,1% xuống 7.500 đồng.

Trong khi đó, BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất với hơn 2,4 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm nhẹ 1,4% xuống 20.600 đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục