Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/9: Nỗ lực phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường cố gắng tìm điểm cân bằng về điểm số nhờ một số mã lớn làm trụ đỡ, nhưng áp lực bán ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mới đang là tâm điểm giao dịch phiên sáng nay.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 28/9: Nỗ lực phục hồi

Trong phiên hôm qua, số điểm của VN-Index mất đi dù chưa đến mức “thảm họa” nhưng cho thấy biểu hiện của một phiên phân phối khá rõ nét, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu nhỏ. Các khuyến nghị được đưa ra sau phiên hôm qua hầu hết là giảm tỷ trọng cổ phiếu, không sử dụng margin trong thời điểm này.

Tuy nhiên, khi thị trường giảm điểm mạnh thì cũng luôn đồng nghĩa với cơ hội đang mở ra. Giá cổ phiếu rẻ sẽ kích thích dòng tiền mua vào, đặc biệt là nhóm ngành được dự báo có kết quả kinh doanh khả quan sau 3 quý đầu năm.

Bước sang phiên sáng nay 28/9, áp lực bán khá mạnh xuất hiện ngay từ sớm khiến VN-Index có thời điểm lao nhanh về gần 1.315 điểm trước khi nảy trở lại quanh vùng dưới tham chiếu 1.320 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy chỉ số đánh mất số điểm không đáng kể, nhưng thực tế chủ yếu được níu giữ nhờ đà tăng tốt của MSN, GAS, HPG cùng một vài bluechip khác túc tắc tăng điểm nhẹ.

Trong khi đó, độ rộng thị trường vẫn rất tiêu cực khi sắc đỏ lấn át trên bảng điện tử, với điểm nhấn là việc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục bị xả không tiếc tay và rất nhiều mã đã lùi xuống mức giá sàn rất nhanh như QBS, BMC, CSV, HVX, PXI, ABS, FDC, FTM, MCG, SAM, PLP và cả nhóm Louis TGG, TDH, AGM, APG. Trong đó, TDH đang chất đống lệnh bán với khối lượng dư bán giá sàn hơn 11 triệu đơn vị.

Phần còn lại cũng chìm trong sắc đỏ và không ít cũng đang giảm sâu như ITD, SJF, FCM, DAH, CIG, FIT, TTB, AMD, MHC…

Nhóm dầu khí có phần tích cực hơn khi PGC và ASP có mức giá trần trong phiên sáng, cùng PVD, GAS, CNG, PLX, PXS đang giao dịch trên tham chiếu. Nhóm dầu khí nhận được sự quan tâm nhờ giá dầu vẫn ở mức cao và dự báo sẽ giữ mức giá cao khi nhu cầu tiếp tục lớn bởi mùa đông đang tới gần, và tác động ngắn hạn về nguồn cung do ảnh hưởng xấu từ cơn bão Ida khiến nhiều dàn khoan ở Vịnh Mexico phải dừng khai thác.

Dần về cuối phiên sáng VN-Index đã lấy lại được sắc xanh, tuy nhiên số lượng mã giảm giá vẫn tiếp tục áp đảo.

Lực bán có phần suy yếu, trong khi các trụ cột nới đà tăng đã giúp VN-Index trồi lên trên tham chiếu và áp sát mốc 1.330 điểm khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 163 mã tăng và 213 mã giảm, VN-Index tăng 4,66 điểm (+0,35%), lên 1.329,65 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 384,8 triệu đơn vị, giá trị 10.574,2 tỷ đồng, tăng hơn 5% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 23 triệu đơn vị, giá trị 1.408,4 tỷ đồng.

Lực kéo nâng đỡ chỉ số phiên này đến từ chủ yếu hai cá tên GAS và MSN. Trong đó, GAS +5,1% lên 94.600 đồng và MSN +3,6% lên 139.900 đông. Hai mã này đóng góp tổng cộng 4 điểm tích cực cho VN-Index và cũng là hai bluechip có mức tăng cao nhất trong số các cổ phiếu trong rổ VN30.

Ngoài GAS và MSN thì sắc xanh khác đáng kể chỉ còn tại PLX +2,2% lên 51.200 đồng và PNJ +1,3% lên 92.200 đồng, còn lại ACB, PDR, SSI, VIC, STB, VCB, POW chỉ tăng nhẹ.

Trong khi đó, các bluechip không giảm sâu cũng đã giúp cho nỗ lực hồi phục của VN-Index thành công, với VPB giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 1,3%, GVR -1,1%, SAB -0,9%, CTG -0,2%...

Trên bảng điện tử, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nổi sóng gần đây vẫn bị chốt lời và không thể thoát mức giá sàn là CSV, HVX, MDG, FDC, FTM, SAM, PLP và tương tự ở nhóm Louis TGG, AGM, APG và TDH.

Trong đó, dòng Louis đang dư lượng bán giá sàn lớn nhất với TDH có hơn 11,2 triệu đơn vị, APG còn dư hơn 6,7 triệu đơn vị, TGG còn dư hơn 3,19 triệu đơn vị.

Còn lại phân hóa khá mạnh với TCH, SCR, JVC, IJC, FIT, QBS và nhóm FLC ROS, FLC, HAI, AMD đều chìm trong sắc đỏ. Trong khi DLG, HQC, ITA, KBC, DIG, LCG, VOS, SJF có được sắc xanh.

Thanh khoản TCH và ROS dẫn đầu HOSE với hơn 14,4 triệu và 11 triệu đơn vị khớp lệnh.

Giao dịch ấn tượng nhất vẫn là ở nhóm dầu khí, ngoài đà tăng tốt của GAS và PLX nêu trên thì PVD, PGD, CNG, PGC, ASP đều đã vọt lên mức giá trần, các mã TDG +6,7%, GSP +5,7%, VIP +4,6%, PXS +4,3%, PET +3,4%, PMG +3,2%...với PVD phiên này giao dịch sôi động nhất khi khớp lệnh hơn 8,63 triệu đơn vị và trắng bên bán.

Nhóm cổ phiếu thép cũng đã có sự đồng thuận trở lại, mặc dù mức tăng chưa cao, ngoài HPG +0,8% thì HSG +1,3% lên 44.550 đồng, NKG +1,4% lên 42.600 đồng, TLH +2,8% lên 20.000 đồng.

Trên sàn HNX, nhờ đà tăng tốt của nhóm cổ phiếu dòng P cũng đã giúp HNX-Index từ dưới tham chiếu bật lên trên sắc xanh ở những phút cuối.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 73 mã tăng và 104 mã giảm, HNX-Index tăng 0,72 điểm (+0,2%), lên 353,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,48 triệu đơn vị, giá trị 1.634,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,46 triệu đơn vị, giá trị 227,7 tỷ đồng.

Theo đó, PVS phiên này là động lực chính, khi +7,3% lên 28.100 đồng, thanh khoản cao nhất sàn với hơn 11 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ngoài PVS thì các mã cùng ngành là PVG, PVC tăng kịch trần, PVB +5,3% lên 15.800 đồng.

Hỗ trợ thêm còn có SHS, CEO, ART, HUT, IDJ, IDC, AMV, MBS, API, trong đó, API tăng tốt nhất +9% lên 44.700 đồng.

Ở chiều ngược lại, SHB, TVC, LAS chìm trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu Louis với BII giảm sàn -9,6% xuống 17.900 đồng và mất thanh khoản trầm trọng, khi chỉ khớp được hơn 50.000 đơn vị, trong khi còn dư bán giá sàn hơn 10,39 triệu đơn vị.

Tương tự là VKC -9,8% xuống 18.500 đồng, khớp 0,12 triệu đơn vị, dư bán giá sàn gần 1,5 triệu đơn vị, SMT -10% xuống 26.100 đồng, khớp chỉ 600 đơn vị và dư bán giá sàn 0,36 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, nhóm dầu khí BSR, OIL chỉ đủ giúp UpCoM-Index không giảm quá sâu, do áp lực bán đến phần còn lại là tương đối lớn.

Theo đó, BSR +3,7% lên 19.700 đồng, OIL +2,9% lên 14.100 đồng, với BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 17,58 triệu đơn vị.

Còn lại trừ các mã nhỏ VHG, KSH, PXT và CDO đứng tham chiếu, thì đều chìm trong sắc đỏ, với điểm nhấn DDV -11,1% xuống 24.000 đồng, BVB -5,1% xuống 20.300 đồng, LMH -11% xuống 8.900 đồng…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,44%), xuống 95,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,74 triệu đơn vị, giá trị 1.107,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,52 triệu đơn vị, giá trị 139,8 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục