Trong phiên hôm qua, thị trường sau nửa đầu khá nhàm chán do sự giằng co bên mua và bên bán bởi tâm lý khá thận trọng của nhà đầu tư, thì đã bật tăng mạnh mẽ sau giờ nghỉ trưa, khi bluechip hồi phục và hàng loạt mã vừa và nhỏ nóng trở lại, qua đó, VN-Index áp vùng giá 1.490 điểm khi đóng cửa.
Trong khi đó, VN30-Index đóng cửa phiên hôm qua tạo cây nến rút chân, đóng cửa ở đường MA20 sau đúng 10 phiên ở dưới đường trung bình này với thanh khoản thấp nhất hơn 2 tháng.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 28/12, tiếp đà hưng phấn, lực mua mạnh mẽ trong phiên ATO đã giúp VN-Index tăng thẳng đứng và tiến tới gần ngưỡng 1.500 điểm.
Nhưng ngưỡng cản tâm lý này cũng chính là tác nhân khiến sự do dự dâng cao, lực bán mạnh xuất hiện và một số trụ cột nới đà giảm đã khiến VN-Index lùi dần và có thời điểm đã xuống dưới tham chiếu, trước khi bật trở lại gần mức 1.495 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Thị trường chia đôi ngả, với dòng tiền ngày một lớn đổ vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt ở khoảng hơn 40 mã thanh khoản cao nhất HOSE thì chỉ còn lác đác một vài sắc đỏ như GEX, IJC và hai bluechip VRE và HPG.
Còn lại đều đang nới rộng đà tăng, trong đó, không ít đã tăng kịch trần như ROS, FIT, CII, LDG, GEG, HBC, DLG, HAR, HID, QCG…
Trong khi đó, nhóm bluechip lại phân hóa tương đối mạnh với POW vẫn đang là cổ phiếu tâm điểm trong rổ VN30, khi nhích hơn 3% và thanh khoản đứng thứ hai trên sàn.
Ở các nhóm ngành lớn, dòng cổ phiếu dầu khí đang cho thấy sự đồng thuận tốt nhất với GAS , PLX, PVD đều đang có mức tăng khá và PSH còn tăng vọt lên mức giá trần tại 22.400 đồng.
Sau nhịp nghỉ quanh 1.490-1.495 điểm vào giữa phiên, lực mua tích cực hơn giúp bảng điện tử dần nghiêng hẳn về số mã tăng, bên cạnh đó, một số cổ phiếu ngân hàng bật lên hỗ trợ giúp VN-Index thêm một lần thẳng tiến và tiến gần tới mốc 1.500 điểm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 262 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index tăng 9,89 điểm (+0,66%), lên 1.498,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 530,65 triệu đơn vị, giá trị 16.059,7 tỷ đồng, tăng hơn 21% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 34,4 triệu đơn vị, giá trị 1.258,7 tỷ đồng.
Nửa sau của phiên ghi nhận sự trỗi dậy của một số cổ phiếu ngân hàng, trong đó, STB là tâm điểm khi chạm gần mức giá trần, tăng 6,4% lên 29.900 đồng, khớp lệnh cao nhất rổ VN30 và đứng thứ hai trên sàn HOSE.
Cùng với đó là CTG +2,4% lên 34.200 đồng, HDB +29.450 đồng. Trong khi sắc xanh cũng còn có tại BID, TPB, TCB, MBB, ACB, dù mức tăng khiêm tốn hơn, từ 0,4% đến 1%.
Ngoài ra, các bluechip có đóng góp lớn khác là GAS +2,3% lên 98.100 đồng và VHM +1% lên 83.600 đồng, tổng cộng hai mã này thúc đẩy hơn 2 điểm tích cực cho VN-Index.
Sắc đỏ không còn nhiều và đa số cũng thu hẹp đà giảm như VIC chỉ còn -1,3%, VRE -1,3%, NVL -1,2%, PNJ -0,7%, MWG -0,6%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ngoài cặp đôi HAG và HNG chịu sức ép khi giảm nhẹ -0,3% ở HAG và HNG đứng giá, thì còn lại đều có mức tăng tốt.
Trong đó, tâm điểm là các cổ phiếu ROS, FIT, CII, LDG, GEG, KSB, DRH, HII, CTI, HAR, HID, TNA, FCM khi đều giữ sắc tím khi kết phiên, với ROS thanh khoản cao nhất thị trường khi khớp hơn 19,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 14,15 triệu đơn vị, FIT khớp hơn 10 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 2,2 triệu đơn vị, CII khớp 7,9 triệu đơn vị, dư mua trần hơn 1,53 triệu đơn vị.
Các mã thanh khoản cao nhất sàn khác đều có mức tăng cao, tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng như HQC +4,5% lên 9.590 đồng, khớp 13,77 triệu đơn vị, FLC +3% lên 18.850 đồng, HBC +6,3% lên 30.500 đồng, khớp 10,3 triệu đơn vị, SCR +5,2% lên 23.250 đồng, khớp hơn 9,7 triệu đơn vị, DLG +6% lên 10.650 đồng, khớp 7,66 triệu đơn vị, DXG +3,4% lên 36.400 đồng, khớp 5,79 triệu đơn vị, DIG +5,6% lên 101.700 đồng, khớp 2,93 triệu đơn vị.
Các mã khác như ITA, GEX, APH, AMD, VCG, HHS, LCG, KBC, IDI cũng thuộc top thanh khoản cao, khớp từ hơn 3 triệu đến 10,2 triệu đơn vị, và đều tăng, với biên độ từ 1,5% đến hơn 4%.
Ở chiều ngược lại, TGG vẫn là cổ phiếu giảm sâu đáng kể nhất, mất 5% xuống 18.050 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị, TVS hạ nhiệt sau tuần bùng nổ trước đó, mất 3,7% xuống 64.400 đồng.
Một vài sắc đỏ khác tại AAA, JVC, GVR, VPI, DRC, ORS, LGL, KDC, nhưng phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ và DPM, SAM dừng chân ở tham chiếu, thanh khoản cao, với khối lượng khớp từ 0,92 triệu đến hơn 4,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index bật tăng từ sớm và có nhịp nghỉ lấy đà sau đó, trước khi bật lên và tiến về các mức điểm cao hơn cho đến khi kết phiên.
Tương tự như trên HOSE, khi đa phần các cổ phiếu có thanh khoản cao đều tăng điểm.
Trong đó, CEO thêm một phiên tăng kịch trần +9,9% lên 70.100 đồng, thanh khoản cũng cao nhất sàn với gần 8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các cổ phiếu tăng đáng kể khác còn tại HUT +7,1% lên 21.000 đồng, DL1 +4% lên 15.600 đồng, PVL +4,4% lên 16.500 đồng, IDC +3,8% lên 74.500 đồng, BCC +5,5% lên 23.200 đồng, IDJ tăng trần +9,9% lên 47.900 đồng.
Nhóm còn lại cũng tăng khá như PVS +2,6%, KLF +2,4%, APS +4,9%, TVC +3,1%, KVC +3,5%...thanh khoản khớp lệnh từ 1 triệu đến hơn 6 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 111 mã tăng và 101 mã giảm, HNX-Index tăng 6,84 điểm (+1,52%), lên 456,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 75,29 triệu đơn vị, giá trị 2.273,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 17,5 triệu đơn vị, giá trị 400 tỷ đồng.
Trên UpCoM, diễn biến tiêu cực hơn, khi chỉ số UpCoM-Index dù bật tăng ngay khi mở cửa, nhưng sau đó đã này lùi nhanh về tham chiếu và giằng co trong biên độ hẹp đến khi kết phiên.
Dù vậy, sắc đỏ ở các cổ phiếu có thanh khoản cao nhất nhất cũng không nhiều với HHV, ABB, VGT, PAS, C4G.
Giao dịch đáng kể tại BSR +1,7% lên 23.700 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 7,18 triệu đơn vị.
Trong khi đó, tăng tốt nhất là PFL khi vọt lên giá trần +14,4% lên 10.300 đồng, khớp 1,66 triệu đơn vị và NED +12,9% lên 14.900 đồng, khớp gần 3,7 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng nhẹ 0,05 điểm (+0,04%), lên 110,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,7 triệu đơn vị, giá trị 1.211,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,75 triệu đơn vị, giá trị 149,6 tỷ đồng.