Trong phiên hôm qua, sau ít phút đầu mở cửa giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu, áp lực bán đã gia tăng mạnh ở nhóm bluechip và sau đó lan rộng toàn thị trường VN-Index lao dốc về ngưỡng 1.260-1.265 điểm.
Nỗ lực giữ vững ngưỡng này đã bất thành khi lực bán dứt khoát hơn khiến VN-Index rơi về ngưỡng 1.255 điểm khi đóng cửa, tương đương giảm gần 30 điểm, thanh khoản cũng tăng vọt, cao nhất kể từ phiên 15/4 với gần 32.000 tỷ đồng chỉ tính riêng trên HOSE.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/6, nỗ lực hồi phục xuất hiện từ sớm khi VN-Index tăng điểm khá nhanh với sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện tử. Tuy vậy, đà đi lên chỉ đưa chỉ số chạm nhẹ lên gần 1.260 điểm và trở lại trạng thái giằng co, rung lắc khi mà dòng tiền chậm lại và có lý do để thận trọng sau phiên giảm sốc hôm qua.
Điểm sáng hiếm hoi đến từ cổ phiếu VRE khi đã tăng kịch trần lên 21.300 đồng, thanh khoản vượt trội so với các bluechip khác trong rổ VN30 và dẫn đầu toàn sàn với hơn 12 triệu đơn vị khớp lệnh sau hơn 1 giờ giao dịch.
Các mã khác trong nhóm bluechip phân hóa mạnh, nhưng diễn biến giá lại chỉ dừng lại ở mức thấp, khiến chỉ số VN30-Index liên tục trồi sụt, đảo chiều quanh tham chiếu trong biên độ hẹp, thanh khoản ngoài VRE tăng cao thì còn lại khá mờ nhạt.
Diễn biến tương tự ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, khi chỉ lác đác một vài cổ phiếu hút dòng tiền và tăng tốt như PGV, MCM, KSB và HVH với mức tăng 4-5%.
Hầu hết thời gian trong phiên giao dịch giằng co nhẹ ở trên vùng tham chiếu, áp lực bán có phần gia tăng khiến bảng điện tử đảo chiều, dù cách biệt không quá lớn giữa số mã tăng và giảm, trong khi nhóm bluechip chia đôi ngả đã khiến VN-Index lùi về sắc đỏ khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 179 mã tăng và 196 mã giảm, VN-Index giảm 2,16 điểm (-0,17%), xuống 1.251,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 325,5 triệu đơn vị, giá trị 8.280,6 tỷ đồng, giảm hơn 46% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 86,6 triệu đơn vị, giá trị 1.571 tỷ đồng.
Nhóm bluechip nói riêng và toàn thị trường nói chung thì VRE vẫn là cổ phiếu nổi bật nhất. Cổ phiếu này dù không giữ được mức giá trần, nhưng vẫn còn tăng mạnh +6,3% lên 21.200 đồng, khớp hơn 17,6 triệu đơn vị - mức cao nhất rổ VN30 và dẫn đầu toàn sàn.
Các bluechip khác tăng điểm ít biến động với hai cổ phiếu liên quan đến VRE theo ngay sau là VIC và VHM, nhưng cũng chỉ trên dưới 1% lên lần lượt 41.500 đồng và 37.800 đồng.
Ở chiều ngược lại, ba cổ phiếu giảm mạnh nhất là TCB, FPT và SSB với mức giảm 2-2,5%. Trong đó, FPT khớp lệnh gần 8 triệu đơn vị, chỉ đứng sau VRE trong nhóm.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giao dịch mờ nhạt, và đáng nhắc tên chỉ còn HVH +4,9% lên 8.600 đồng, khớp 0,97 triệu đơn vị; KSB +4,3% lên 20.800 đồng, khớp 3,11 triệu đơn vị; MCM +4,2% lên 44.600 đồng, khớp 0,27 triệu đơn vị; KPF +3,2% lên 3.200 đồng, khớp 0,14 triệu đơn vị…
Các mã giảm đa phần không giảm sâu, nhưng một số đáng kể là SGT giảm sàn -6,7% xuống 25.250 đồng, VTP -4,7% xuống 84.800 đồng, CMX -4,5% xuống 10.600 đồng, các cổ phiếu CMG, TEG, TNH, ICT giảm hơn 3% đến hơn 4%.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giao dịch giằng co, rung lắc quanh tham chiếu trong biên độ hẹp trong suốt cả phiên.
Chốt phiên, sàn HNX có 77 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index giảm 0,46 điểm (-0,19%), xuống 239,28 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19,6 triệu đơn vị, giá trị 370,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,6 triệu đơn vị, giá trị 95 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu nhỏ SDA và VHE nổi bật khi tăng kịch trần lên 7.200 đồng và 3.100 đồng, khớp 1,02 triệu và 0,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu khác trong số những mã thanh khoản cao đều giao dịch ảm đạm với SHS, PVS, TIG, IDJ, TVC, đứng tham chiếu, còn CEO, MBS, HUT, DL1, MBG, IDC giảm nhẹ.
Tăng điểm khá còn VGS, AMV, API, TTH, VTZ, VC3, PVC, nhưng mức tăng cũng chỉ dừng lại ở mức thấp.
Trên UPCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên giằng co, cũng đã lùi hẳn về dưới tham chiếu ở những phút cuối.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,33%), xuống 98,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,9 triệu đơn vị, giá trị 416 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận hơn 0,2 triệu đơn vị, giá trị 3,4 tỷ đồng.
Trong số nhóm thanh khoản cao nhất, chỉ còn VGT nhích nhẹ hơn 1,2%, hai mã TSA và HRT tăng trần lên 14.800 đồng và 9.700 đồng. Các mã BVB, ABB và BDT đứng tham chiếu.
Còn lại đều chìm trong sắc đỏ, với giảm mạnh như TTN -11,7% xuống 22.000 đồng, TVN và CLX mất hơn 6%, các mã BSR, VEA, VLC, BSR mất hơn 3%, với BSR khớp lệnh cao nhất UPCoM khi có hơn 5,1 triệu đơn vị.