Trong phiên hôm qua, cổ phiếu ngân hàng là tâm điểm của thị trường, khi đã bung hết cỡ với không ít sắc tím tại OCB, MBB, STB, SSB, kéo VN-Index thiết lập đỉnh mới mọi thời đại tại gần 1.490 điểm.
Điểm đáng nói nhất là dòng tiền xác nhận quay trở lại nhóm mã lớn, với rổ VN30 khớp lệnh với khối lượng cao kỷ lục, điểm số VN30-Index cũng lập kỷ lục.
Nhìn chung, nhà đầu tư đã có thể yên tâm chờ đợi những đỉnh cao mới của VN-Index, nếu lực mua tiếp tục tốt thì vùng cản tâm lý 1.500 điểm hoàn toàn có thể vượt qua.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/11, dư âm của phiên tăng mạnh hôm qua nối tiếp giúp VN-Index tiến nhanh đến vùng tâm lý 1.500 điểm khá sớm. Tuy vậy, vùng cản mạnh này không dễ chinh phục, khi chỉ số đã rung lắc khá mạnh quanh ngưỡng này và chớm vượt qua sau hơn 1 giờ giao dịch.
Tưởng chừng với tín hiệu từ con sóng lớn hôm qua và các phiên rục rịch trước đó, nhóm cổ phiếu vua sẽ trở lại dẫn dắt thị trường dễ dàng chinh phục các đỉnh cao mới. Tuy nhiên, cũng giống như trước đây, sóng cổ phiếu ngân hàng phập phù khi không thể duy trì hết thời gian T+ khi hàng loạt mã quay đầu giảm trở lại sáng nay, trong khi số mã tăng cũng chỉ ở mức thấp.
Nhóm cổ phiếu thép đã có sắc xanh, nhóm thép dường như vẫn đang trong quá trình tìm đáy khi dao động ở biên độ hẹp, có lẽ vẫn cần thêm một nhịp tích lũy để xác định đà rơi đã chấm dứt.
Sự phập phù của nhóm cổ phiếu ngân hàng và mức tăng yếu dần của nhóm cổ phiếu chứng khoán khiến VN-Index đang gặp chút rung lắc ở vùng đỉnh mới 1.500 điểm. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý nhà đầu tư khi dòng tiền được luân chuyển nhanh qua các nhóm ngành khác, đặc biệt chảy lại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý nhất vẫn là nhóm bất động sản.
Dòng tiền lại thêm một lần quay đầu, dịch chuyển về nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, kéo hàng loạt mã như DXG, ITA, LDG, TNI, GEX, CMX, DIG, SJF, QCG, MCG, IDI, DRH…tăng kịch trần với thanh khoản cao.
Giao dịch tiếp tục sôi động ở nửa sau của phiên, với sự tập trung vẫn ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi đó, sự trỗi dậy của VCB giúp cho VN-Index bật lên khá vững chắc ở trên 1.500 điểm khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 266 mã tăng (24 mã tăng trần) và 187 mã giảm, VN-Index tăng 13,27 điểm (+0,89%), lên 1.502,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 655,76 triệu đơn vị, giá trị 19.550,4 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 4 triệu đơn vị và chỉ 5% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,6 triệu đơn vị, giá trị 685,4 tỷ đồng.
Ở nhóm bluechip, cổ phiếu VCB đóng góp lớn nhất cho đà tăng của chỉ số với 2,5 điểm tích cực, khi bật lên từ giữa phiên +2,3% lên 107.200 đồng.
Các mã khác góp sức thêm là PDR +4% lên 94.000 đồng, POW +3,7% lên 14.100 đồng, FPT +2,8% lên 100.600 đồng, GVR +2,3% lên 38.050 đồng, NVL +2,3% lên 108.900 đồng, VPB +2,3% lên 38.150 đồng, cùng nhiều sắc xanh khác tại HPG, SSI, STB, MBB, VRE, VHM…
Trong đó, VPB, STB, MBB, POW, HPG thuộc top thanh khoản cao nhất sàn, với VPB khớp hơn 23,9 triệu đơn vị, STB khớp 20,6 triệu đơn vị, MBB khớp 15,6 triệu đơn vị…
Trái lại, nhóm mất điểm cũng không còn nhiều và đa số chỉ giảm nhẹ như TPB, BID, SAB, ACB, VJC, MWG, CTG…và mất điểm lớn nhất là HDB, nhưng cũng chỉ -1,5% xuống 33.000 đồng.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là dòng bất động sản, xây dựng đã được mua mạnh trở lại, giúp hàng dài các mã DIG, GEX, HPX, DC4, PTC, SAM, TCH, TN1, DRH, HHS, IDI, ITA, LDG, LEC, QCG, TNI tăng kịch trần và khối lượng giao dịch phần lớn đều rất cao.
Trong đó, TCH khớp lệnh vượt trội và dẫn đầu HOSE với hơn 25,3 triệu đơn vị khớp lệnh, ITA khớp 19,4 triệu đơn vị, GEX khớp 12 triệu đơn vị, LDG khớp 9,68 triệu đơn vị…
Tăng mạnh khác cũng không ít như CTD, SGR, NHA, HTN, DXS, CII, SJS, NLG, VGC, SCR, CRE, HDG, với mức tăng từ 3,1% đến hơn 5%, và DXG +6,8% lên 28.450 đồng, khớp lệnh đứng thứ ba trên HOSE với hơn 21,57 triệu đơn vị.
Một số cổ phiếu quen thuộc cũng có sắc xanh, nhưng mức tăng thấp hơn như FLC +2,4%, HAG +1,7%, HQC +1,1%, ROS +1%, HBC +2,1%, TTF +2,2%, TSC +2,2%, KBC +2,1%, IJC +1,7%...
Ở chiều ngược lại, đà giảm được kìm hãm khá nhiều, khi phần lớn các cổ phiếu giảm sâu đều chỉ có thanh khoản thấp, trừ một vài cái tên như TTA -4,4% xuống 17.400 đồng, khớp 1,82 triệu đơn vị, JVC -2,4% xuống 8.300 đồng, khớp 1,67 triệu đơn vị...
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có phiên giao dịch tích cực, dù điểm số chỉ tăng hơn 2,5 điểm, nhưng phần lớn các mã có thanh khoản tốt đều kết phiên trong sắc xanh.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 106 mã tăng và 113 mã giảm, HNX-Index tăng 2,56 điểm (+0,56%), lên 458,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 65,6 triệu đơn vị, giá trị 1.906,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,93 triệu đơn vị, giá trị 240,5 tỷ đồng.
Giao dịch đáng kể nhất vẫn là CEO, khi tiếp tục tăng kịch trần +9,9% lên 38.700 đồng, khớp hơn 1,39 triệu đơn vị.
Các mã tăng tốt khác còn đến từ NDN +3,8% lên 24.300 đồng, PVL +3,6% lên 17.500 đồng, KLF +3,4% lên 6.100 đồng, TNG +3% lên 31.400 đồng và sắc tím tại SD9 khi +9,5% lên 17.300 đồng.
Nhích lên còn có SHS, ART, PVS, HUT, TVC, VIG, BII, MBS MBG...trong khi IDC và THH giảm điểm.
Thanh khoản SHS cao nhất sàn với hơn 6,82 triệu đơn vị khớp lệnh, ART khớp 4,3 triệu đơn vị, KLF khớp 4,1 triệu đơn vị, PVS khớp hơn 3,52 triệu đơn vị...
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau những phút đầu mở cửa tăng điểm, đã thoái lui do lực bán gia tăng và lùi về dưới tham chiếu, giao dịch giằng co dưới vùng giá thấp cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,28 điểm (-0,25%), xuống 114,36 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,47 triệu đơn vị, giá trị 1190,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,8 triệu đơn vị, giá trị 114,9 tỷ đồng.
Mặc dù giảm điểm, nhưng phần lớn nhóm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao đều có được sắc xanh, như BSR, SBS, VGT, ABB, VAB, PAS, QTP, C4G, TVN, G36...
Trong đó, BSR nhích 0,9% lên 22.100 đồng, SBS +1,9% lên 21.200 đồng, VGT +2% lên 25.800 đồng, khớp từ 3,2 đến hơn 5,5 triệu đơn vị.
Phiên này, HHV dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,06 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giảm 0,4% xuống 22.700 đồng.