Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/1: Nhà đầu tư đứng ngoài, thị trường chịu sức ép điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chưa có thêm những tín hiệu mới về xu hướng, nhà đầu tư đã phần lớn đứng ngoài thị trường khiến giao dịch trở nên khá ảm đạm và buồn tẻ.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 25/1: Nhà đầu tư đứng ngoài, thị trường chịu sức ép điều chỉnh

Trong phiên hôm qua, sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, thị trường đã lùi bước và VN-Index về dưới 1.175 điểm, trước khi có nhịp tăng hồi phục mạnh mẽ trở lại mốc 1.180 điểm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường khá yếu, việc tiến tới “vùng gió to” này đã nhanh chóng khiến VN-Index quay đầu và xác nhận phiên giảm điểm thứ 2 liên tiếp với mức thanh khoản chỉ cầm chừng 15.000 tỷ đồng.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 25/1, áp lực điều chỉnh vẫn hiện diện trên bảng điện tử tù khá sớm, dù không quá mạnh nhưng vẫn trên diện rộng, khiến VN-Index có thời điểm thủng mốc 1.170 điểm trước khi bật hồi lấy lại ngưỡng điểm trên.

Giao dịch khá ảm đạm với thanh khoản có tín hiệu suy yếu mạnh, giá trị giao dịch trên sàn HOSE chưa đạt 3.000 tỷ đồng sau hơn một giờ giao dịch.

Chỉ một số ít các cổ phiếu vừa và nhỏ đang thu hút nhà đầu tư như nhóm cổ phiếu nhà An Phát với AAA, APH, HII đều tăng từ 4% đến hơn 5%, trong đó, AAA có thời điểm đã chạm giá trần và đang là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất sàn, dù chỉ gần 6 triệu đơn vị.

Giao dịch chậm lại đáng kể và VN-Index gần như chỉ rung lắc quanh tham chiếu, nhưng nhìn chung sức ép điều chỉnh vẫn đang thắng thế khi bảng điện tử luôn bị sắc đỏ chi phối.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 130 mã tăng và 275 mã giảm, VN-Index giảm 2,06 điểm (-0,18%), xuống 1.170,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 239,1 triệu đơn vị, giá trị 4.778,6 tỷ đồng, giảm hơn 19% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 20,2 triệu đơn vị, giá trị 427,9 tỷ đồng.

Nhóm bluechip phân hóa và gần như đều ít thay đổi về giá, với sắc xanh nhạt tại PLX, ACB, VJC, SHB và BID, trong khi BVH, GVR, MSN, SSI, MWG, POW đứng giá tham chiếu.

Còn lại đều giảm, nhưng mức giảm ngoài SAB và BCM mất hơn 1,3% thì cũng chỉ mất điểm nhẹ.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm là SHB khi dẫn đầu thanh khoản và cũng là lớn nhất sàn với hơn 12 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hoạt động kém, với chỉ một số ít nổi bật như D2D +4,8% lên 27.400 đồng, NTL +4,7% lên 31.500 đồng và nhóm cổ phiếu nhà An Phát, với AAA +4,5% lên 10.050 đồng, APH +3,9% lên 8.040 đồng, HII +3,4% lên 5.540 đồng, thanh khoản AAA đáng kể nhất khi đứng thứ ba trên sàn với hơn 7,33 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu ST8 và HSL bị bán mạnh, với ST8 giảm sàn -7% xuống 18.600 đồng, khớp 3,38 triệu đơn vị và HSL -6,67% xuống 7.000 đồng, khớp 2,77 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, bảng điện tử cũng phân hóa mạnh, nhưng không quá tiêu cực đã giúp HNX-Index tạm kết phiên trong sắc xanh.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index tăng 0,28 điểm (+0,12%), lên 228,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,6 triệu đơn vị, giá trị 325 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,7 triệu đơn vị, giá trị 488 tỷ đồng.

Khá nhiều cổ phiếu lớn nhỏ đã về tham chiếu như SHS, CEO, MBG, HUT, LIG, IDJ. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn, nhưng phản ánh dòng tiền thận trong trên thị trường, mã này cũng chỉ khớp được hơn 2,4 triệu đơn vị.

Trong khi đó, đáng kể nhất là hai mã nhỏ TTH và DVG khi đều chạm giá trần tại 4.200 đồng và 3.400 đồng, khớp trên dưới 1 triệu đơn vị mỗi mã.

Sắc xanh khác còn tại MBS, PVS, GKM, NRC, IDC, TVD, VC3…nhưng nhìn chung mức tăng còn khiêm tốn, khớp từ 0,3 triệu đến 1,1 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên níu giữ sắc xanh đã chịu lực bán gia tăng, dù không quá lớn nhưng cũng đủ khiến chỉ số này lùi về dưới tham chiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%), xuống 87,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 13,8 triệu đơn vị, giá trị 155 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 56,5 tỷ đồng.

Phiên này, cổ phiếu nhỏ VHG bất ngờ vươn lên thanh khoản cao nhất UpCoM và vượt trội so với phần còn lại khi có 3,84 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu cũng tăng khá mạnh +7,4% lên 2.900 đồng.

Theo sau là BCR với 1,1 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng hơn 3% lên 6.700 đồng, tương tự là HSV +3,8% lên 8.300 đồng, khớp 0,83 triệu đơn vị, HHG +9,5% lên 2.300 đồng, khớp 0,64 triệu đơn vị.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục