Trong phiên hôm qua, ngay sau sau những phút đầu tiến tới chinh phục mốc 1.390 điểm nhưng bất thành, VN-Index đã yếu dần sau đó về dưới tham chiếu.
Đáng chú ý nhất chính là VCB khi "anh cả" của ngành ngân hàng tăng mạnh, vượt đỉnh, dẫn dắt nhóm cổ phiếu ngân hàng lớn, cùng với nhóm chứng khoán hỗ trợ VN-Index tránh khỏi phiên giảm sâu.
Theo CTCK Kiến Thiết Việt Nam, phiên giảm điểm này đã khiến chỉ báo Stochastic đã chuyển sang trạng thái tiêu cực, trong khi đường MACD và đường signal của chỉ báo MACD ngày càng co lại và có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Đặc biệt là sụt giảm liên tục của của thanh khoản cho thấy lực cầu hiện tại là rất yếu.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 24/6, giằng co mạnh đã xuất hiện ngay từ sớm, khi VN-Index vọt nhanh lên gần 1.385 điểm, nhưng cũng rất nhanh sau đó đã lùi bước, thậm chí còn chớm đỏ trước khi nảy trở lại quanh 1.380 điểm và gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp sau hơn 1 giờ giao dịch.
Sắc đỏ vẫn chiếm thế chủ đạo trên bảng điện tử, tuy nhiên, thị trường vẫn đang được hỗ trợ nhờ nhóm bluechip có phần tích cực hơn, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng, khi thanh khoản hầu hết đến từ nhóm trụ cột này, trong đó điểm nhấn đang là CTG, khi khớp lệnh dẫn đầu HOSE và tăng trên dưới 3%.
CTG tạo sức hút sau thông tin về việc chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ hơn 29% vào ngày 8/7 tới. Sau nhiều thời gian chờ đợi, vấn đề tăng vốn của CTG đã tìm được lối ra sau khi Chính phủ phê duyệt bổ sung vốn nhà nước gần 7.000 tỷ đồng, tạo cơ sở quan trọng để triển khai Phương án tăng vốn điều lệ tại Ngân hàng.
Sau đó, Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấp thuận cho VietinBank thực hiện tăng mức vốn điều lệ từ 37.234 tỷ đồng lên 48.057 tỷ đồng. Sau thông tin trên, cổ phiếu CTG đã tăng vọt lên mức trần trong phiên 11/6.
Đến phiên hôm nay, khi phương án tăng vốn (bằng phát hành cổ phiếu chia cổ tức) được triển khai, cổ phiếu CTG một lần nữa tạo sóng, qua đó thay thế VCB dẫn dắt nhóm ngân hàng, cũng như thị trường.
Bên cạnh CTG, sáng nay cũng có thêm một số mã trụ hồi phục trở lại như VIC, MSN, GAS, hỗ trợ VN-Index giữ được sự cân bằng.
Trên bảng chính, đáng chú ý khác là cổ phiếu VOS chưa cho dấu hiệu hạ nhiệt, khi tiếp tục tăng kịch trần từ sớm lên 7.870 đồng. Nếu không có nhiều thay đổi cho đến cuối ngày, VOS sẽ ghi nhận 10 phiên tăng liên tiếp gần nhất, trong đó có 9 phiên đóng cửa trong sắc tím.
Sau những nỗ lực duy trì giao dịch trên tham chiếu, giao dịch trở nên khá buồn tẻ. VN-Index đã lùi dần và giảm nhẹ khi kết phiên, khi có thêm nhiều mã giảm, cũng như không ít các bluechip đảo chiều đi xuống.
Điểm đáng báo động là lực cầu đã yếu đi khá nhiều, thanh khoản thị trường theo đó tiếp tục xuống mức thấp.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 268 mã giảm, VN-Index giảm 0,39 điểm (-0,03%), xuống 1.376,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 332,6 triệu đơn vị, giá trị 9.819,1 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 27% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,2 triệu đơn vị, giá trị 637,7 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu bluechip tăng điểm đáng kể không còn nhiều, chỉ còn PDR +3,8% lên 89.400 đồng, CTG +1,7% lên 53.600 đồng, GAS +1,7% lên 95.500 đồng, trong khi còn lại như MBB, VJC, TCB, HDB và VIC chỉ nhích nhẹ.
Các mã giảm tuy khá nhiều, nhưng biên độ cũng chỉ ở mức thấp, trong đó BVH giảm mạnh nhất, nhưng cũng chỉ -1,4% xuống 58.000 đồng, VCB -1,3% xuống 108.300 đồng, VNM -1,1% xuống 89.000 đồng.
Trong đó, CTG và MBB thanh khoản đáng kể nhất khi dẫn đầu toàn sàn HOSE với 17,9 triệu và 16,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Nhóm cổ phiếu thị trường, ngoài VOS, HID, VTO và FIT tăng kịch trần, thì nhích lên còn có FLC, AAA, DLG, ROS, IJC, DXG, AGG, nhưng mức tăng cũng chỉ trên dưới 1%. Trong đó, FIT khớp lệnh chỉ đứng sau CTG và MBB trên sàn, với hơn 15,8 triệu đơn vị khớp lệnh.
Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, mặc dù mức giảm cũng chỉ trên dưới 1% như HQC, ITA, HAG, HSG, DIG, HCM, PVT, TTF…khớp từ 1,71 triệu đến 6,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, HNX-Index cũng có diễn biến tượng tự VN-Index, khi nửa đầu phiên nhích lên, sau đó giao dịch cũng trở nên ảm đạm ở nửa sau của phiên và chỉ số lùi nhẹ về dưới tham chiếu.
Hàng loạt cổ phiếu đứng giá như SHB, SHS, CEO, PVC, HUT, ART, BVS, AAV…
Tăng điểm đáng kể chỉ còn TNG +2,2% lên 23.700 đồng, EVS +4,5% lên 30.000 đồng, KLF +1,9% lên 5.300 đồng, các cổ phiếu BSI, LAS, MBS tăng nhẹ.
Các mã giảm cũng với biên độ không quá lớn, như PVS -1,3%, NVB -1,1%, APS -1,3%, VND -0,5%, IDC -1,4%, PAN -1,1%, THD -0,3%...
Thanh khoản SHB dẫn đầu sàn, nhưng cũng chỉ với hơn 5,78 triệu đơn vị khớp lệnh; PVS khớp hơn 4,15 triệu đơn vị, KLF khớp hơn 3,75 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 44 mã tăng và 123 mã giảm, HNX-Index giảm 1,3 điểm (-0,41%), xuống 314,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46 triệu đơn vị, giá trị 1.038,4 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm 0,31 triệu đơn vị, giá trị 10,1 tỷ đồng.
Trên UpCoM, giao dịch cũng trở nên nhàm chán, chỉ số UpCoM-Index cũng như hai chỉ số chính, tăng điểm lúc đầu phiên và lùi xuống dưới tham chiếu với mức giảm thấp sau đó.
Các cổ phiếu khớp hơn 1 triệu đơn vị chỉ có 7 mã, trong đó, BSR khớp hơn 6,98 triệu đơn vị, và giảm nhẹ 0,9% xuống 21.000 đồng.
Các mã ORS +4,5% lên 25.300 đồng, AAS +3,2% lên 15.900 đồng, còn OIL, SBS và ABB giảm, cùng VGT đứng tham chiếu tại 19.200 đồng.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,32 điểm (-0,35%), xuống 89,72 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,94 triệu đơn vị, giá trị gần 510 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 72,7 tỷ đồng.