
Trong phiên hôm qua, thị trường gặp khó ngay từ sớm do đang ở trên vùng giá cao và chỉ số VN-Index nhanh chóng đảo chiều về vùng tham chiếu, giao dịch giằng co nhẹ, trước khi có nhịp giảm khá mạnh về gần 1.480 điểm khi lực bán chốt lời gia tăng.
Mặc dù vậy, với điểm tựa dòng tiền, áp lực cung đã nhanh chóng giảm bớt và chỉ số thu hẹp đà giảm về cuối ngày, đóng cửa tại 1.485 điểm.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/7, dù dòng tiền vẫn chảy mạnh trên thị trường, nhưng những tín hiệu đầu tiên về việc áp lực cung gia tăng trong phiên trước đó, trong bối cảnh chỉ số VN-Index đã tăng nóng và đang ở quanh vùng 1.500 điểm đã khiến xu hướng cho thấy việc cầ tái tích lũy để củng cố sức mạnh là cần thiết.
Theo đó, VN-Index đã xuất hiện những nhịp rung lắc quanh tham chiếu ngay từ sớm, dù biên độ là không quá lớn.
Nhóm cổ phiếu tỷ trọng lớn VN30 đa số giảm, nhưng cũng chỉ giảm nhẹ. Nhưng điêm nhấn đáng chú ý là cổ phiếu VJC khi bất ngờ tăng kịch trần +6,94% lên 101.700 đồng, khớp hơn 2,15 triệu đơn vị và đã không còn nhà đầu tư đặt lệnh bán sau hơn 1 giờ giao dịch.
Cổ phiếu cùng ngành là HVN cũng tiếp tục tăng mạnh, nhích hơn 6% lên 33.500 đồng.
Ở những nơi khác, một số cái tên riêng lẻ như CTS, VIX cũng thu hút nhà đầu tư, khi đều tăng hết biên độ, trong đó, VIX đang là cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn.
Trái lại, cổ phiếu LDG vẫn nằm sàn và chỉ khớp được 0,2 triệu đơn vị, trong khi còn tới gàn 39 triệu cổ phiếu dư bán giá sàn.
Thị trường tiếp diễn trạng thái rung lắc không khó đoán khi bảng điện tử tiếp tục phân hóa. Điểm tích cực là dòng tiền vẫn đang ồ ạt chảy mạnh, trong khi một số bluechip, cổ phiếu lớn nhích nhẹ cũng đủ giúp VN-Index lấy lại sắc xanh ở nửa sau của phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 142 mã tăng và 148 mã giảm, VN-Index tăng 6,07 điểm (+0,41%), lên 1.491,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 675,2 triệu đơn vị, giá trị 18.152,1 tỷ đồng, giảm 9% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,5 triệu đơn vị, giá trị 2.364 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất vẫn là VJC khi duy trì giá trần +6,94% lên 101.700 đồng, khớp gần 2,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần với khối lượng tương tự.
Tuy nhiên, đóng góp chính cho VN-Index lại là VHM, BID, VIC và VCB, dù chỉ có mức tăng nhẹ 1-2%.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm trong nhóm bluechip VN30 đều chỉ giảm điểm nhẹ, với nhóm cổ phiếu tài chính dẫn đầu thanh khoản, với HDB, TPB, VPB, SHB, SSI khi có từ 15,5 triệu đến hơn 38,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ với một số mã riêng lẻ như CTS, HHP, SJS, HVX kết phiên ở mức giá trần đi kèm thanh khoản tích cực.
Các cổ phiếu khác như GEX, ITC, PAC, DHC, PET, HTI tăng hơn 3% đến gần 5% và HVN +5,7% lên 33.400 đồng.
Đáng kể khác là VIX, dù không giữ được sắc tím, nhưng vẫn còn tăng mạnh +6,7% lên 20.600 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 47,1 triệu đơn vị.
Tân binh VAB của ngân hàng TMCP Việt Á trong phiên giao dịch đầu tiên ngày chào sàn HOSE đã tăng khá +7,72% lên 15.350 đồng, khớp lệnh hơn 2,7 triệu đơn vị.
Trái lại, chỉ một số ít cổ phiếu bị chốt lời và giảm tương đối là TCD, ADG, FIR, VPH, DLG, DRH, PTL, HAR khi để mất từ gần 3% đến gần 4%. Cùng LDG khi vẫn giảm sàn -6,9% xuống 6.100 đồng, khớp 0,25 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 39,3 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có diễn biến rung lắc nhẹ quanh tham chiếu và kết phiên trong sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, sàn HNX có 70 mã tăng và 77 mã giảm, HNX-Index tăng 0,23 điểm (+0,09%), lên 246,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 86,8 triệu đơn vị, giá trị 1.547,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,2 triệu đơn vị, giá trị 58 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn đã phân hóa mạnh, với một số mã đáng chú ý như DVM, LIG tăng hơn 5%, SHS nhích gần 4% và BVS tăng 2,5%. Còn lại chỉ biến động nhẹ với CEO, APS, VFS, DL1, HUT giảm không đáng kể và MST, PVS, IDJ, NRC đứng giá tham chiếu.
Trong đó, cổ phiếu SHS dẫn đầu về thanh khoản khớp lệnh với hơn 32,8 triệu đơn vị. Theo sau là CEO với hơn 15,1 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, áp lực bán có phần thắng thế khiến UpCoM-Index giảm điểm ngay từ sớm, nhưng mức giảm cũng không đáng ngại.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,16%), xuống 104,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,3 triệu đơn vị, giá trị 416,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,06 triệu đơn vị, giá trị 36,8 tỷ đồng.
Đa số các cổ phiếu khớp lệnh cao nhất đều chìm trong sắc đỏ, nhưng mức giảm phần lớn cũng chỉ trên dưới 1% như MSR, DDV, ABB, SBS, HBC, BVB và HNG, khớp từ 1,08 triệu đến hơn 3,5 triệu đơn vị.