Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/4: Cổ phiếu HAG bị bán tháo, VN-Index mất gần 7 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát trong vòng một tuần tới và chỉ được giao dịch trong phiên chiều đã khiến áp lực bán bằng mọi giá xuất hiện ở HAG ngay từ sớm. Trong khi đó, diễn biến phần còn lại cũng kém tích cực khi mà sắc đỏ chiếm ưu thế, VN-Index giảm gần 7 điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 22/4: Cổ phiếu HAG bị bán tháo, VN-Index mất gần 7 điểm

Trong phiên ngày thứ Ba (20/4), thị trường đã tăng khá mạnh trong phiên sáng nhờ dòng tiền mạnh, và tiếp đà hưng phấn ngay sau giờ nghỉ trưa, giúp VN-Index tăng nhanh lên trên 1.285 điểm.

Tuy vậy, áp lực bán dứt khoát đã khiến VN-Index về gần tham chiếu, trước khi lực cầu bắt đáy nhập cuộc, kéo chỉ số lên 1.275 điểm ATC và thêm một lần lực bán quay trở lại trong phiên ATC đã ép chỉ số xuống dưới 1.270 điểm khi đóng cửa.

Theo nhận định có phần thận trọng của KBSV là việc mẫu nến Doji với bóng trên dài cho thấy một phiên nghiêng về chiều hướng phân phối của thị trường, nhưng mới chỉ thể hiện áp lực cung giá cao và chưa quá rủi ro.

Chúng tôi cho rằng, VN-Index sẽ diễn biến rung lắc mạnh khi tiến tới vùng đích kỳ vọng 1.29x điểm và rủi ro bước vào nhịp điều chỉnh trung hạn sẽ cần được lưu ý nếu xuất hiện thêm các phiên phân phối lớn hoặc bán tháo giá thấp.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/4, diễn biến giằng co mạnh ngay từ sớm khi VN-Index liên tục đổi sắc, mặc dù biên độ không lớn, khi sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử, trong đó cả ở rổ VN30 cũng tương tự được bù đắp khá lớn bởi một số cổ phiếu lớn tăng tốt như MWG, VPB, VHM, VCB…

Tuy nhiên, áp lực bán mạnh đã dần chiến thắng sau hơn 1 giờ giao dịch khiến VN-Index đổ đèo về gần ngưỡng 1.260 điểm.

Giao dịch đáng chú ý nhất tại HAG, khi đà bán tháo mạnh diễn ra sau thông tin bị chuyển từ dạng cảnh báo sang diện kiểm soát kể từ ngày 28/4 tới đây.

Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế năm 2020 ghi nhận âm gần 1.256 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 là âm hơn 6.302 tỷ đồng, đồng thời Công ty thực hiện điều chỉnh hồi tố số liệu năm 2018 và 2019 dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2019 là âm hơn 4.766 tỷ đồng.

Theo đó, cổ phiếu HAG khớp lệnh đột biến lên cao nhất HOSE với hơn 18 triệu đơn vị, và các nhà đầu tư ồ ạt thoát hàng khiến hơn 15 triệu cổ phiếu giá sàn bên bán không thể khớp.

Tình trạng dư bán giá sàn khối lượng cao cũng diễn ra ở DLG với gần 29 triệu đơn vị, và chỉ khớp được hơn 1,1 triệu đơn vị.

Sau nửa đầu phiên cầm cự, tâm lý thận trọng và chờ đợi của nhà đầu tư khiến thanh khoản chững lại, thị trường theo đó yếu hẳn đi trước áp lực bán thắng thế khiến sắc đỏ lan rộng, tuy vậy, nhờ một vài bluechip hoạt động tốt đã giúp VN-Index không thủng mốc 1.260 điểm khi kết phiên sáng nay.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 124 mã tăng và 311 mã giảm, VN-Index giảm 6,73 điểm (-0,53%), xuống 1.261,55 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 384,7 triệu đơn vị, giá trị 10.576 tỷ đồng, giảm hơn 21% về khối lượng và 19% về giá trị so với phiên sáng ngày 20/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,2 triệu đơn vị, giá trị 1.184,3 tỷ đồng.

Thị trường được hỗ trợ không giảm sâu hơn trong bối cảnh có tới hơn 300 mã giảm, trong đó hơn 20 mã bluechip nhờ VPB, MWG, VCB, TPB.

Theo đó, VPB tăng tốt nhất khi +3,6% lên 51.300 đồng, MWG +2,9% lên 146.700 đồng, TPB +1,4% lên 28.200 đồng, VCB +1,2% lên 104.200 đồng. Các mã tăng còn lại chỉ nhích nhẹ là VJC, VHM, VRE, FPT và PDR.

Còn lại chìm trong sắc đỏ, với SBT giảm sâu nhất, mất 3,3% xuống 20.450 đồng, SSI -1,9% xuống 33.450 đồng, NVL -1,8% xuống 106.500 đồng, CTG -1,5% xuống 41.350 đồng, GAS -1,5% xuống 86.700 đồng, TCH -1,5% xuống 22.400 đồng…

Mất từ 1% đến 1,4% có khá nhiều cổ phiếu như VIC, TCB, REE, HDB, PLX, BID…

Cổ phiếu HPG trong sáng ngày Tập đoàn này tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm nay đã giảm 0,9% xuống 56.700 đồng, nhưng thanh khoản vẫn cao nhất nhóm với hơn 18,7 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu ROS bất ngờ được kéo mạnh cả về giá lẫn thanh khoản, khi khớp 24,7 triệu đơn vị, cao nhất HOSE và tăng 4,1% lên 8.180 đồng.

Một vài cổ phiếu khác còn tăng với thanh khoản khá là AMD, VIX, HAI, AGG, FIT, SJF, TNI, với VIX có thời điểm chạm mức giá trần, trước khi kết phiên +5,1% lên 31.100 đồng, khớp hơn 12,4 triệu đơn vị.

Phần còn lại giao dịch tiêu cực và đáng kể nhất vẫn là HAG, khi giảm sàn -6,9% xuống 5.410 đồng, khớp hơn 18,8 triệu đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 18,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu HAP, DLG, PXS, PXT cũng đều nằm sàn từ sớm, với DLG còn dư bán sàn khối lượng lên tới hơn 30 triệu đơn vị, trong khi chỉ khớp được hơn 1,1 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác còn có ITA -4,9%, HQC -4%, GVR -3,6%, DCM -3,5%, AAA -2,9%, DXG -2,9%, NKG -2,6%, HNG -2,5%...khớp từ hơn 2 triệu đến 10,69 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sắc đỏ bao phủ cũng đã khiến HNX-Index liên tục đi xuống các mức giá thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Trong khi SHB, KLF đứng tham chiếu và VND và HHG là còn giữ được sắc xanh, lần lượt +1,4% lên 36.600 đồng và +7,7% lên 5.600 đồng thì còn lại đều giảm.

Với PVS -3,5% xuống 22.400 đồng, SHS -2,7% xuống 29.000 đồng, THD -2,8% xuống 197.500 đồng, CEO -2,7% xuống 10.700 đồng, MBS -2% xuống 24.500 đồng, BVS -2,7% xuống 21.900 đồng.

Các cổ phiếu lớn nhỏ quen thuộc khác như NVB, IDC, TVC, S99, PAN, AMW, HUT, ART, MBG, ACM cũng đều giảm.

Thanh khoản trên sàn cặp đôi SHB và SHS dẫn đầu với 7,78 triệu và 6,69 triệu đơn vị khớp lệnh. PVS có hơn 6,24 triệu đơn vị, VND khớp hơn 5,25 triệu đơn vị…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 39 mã tăng và 154 mã giảm, HNX-Index giảm 5,11 điểm (-1,72%), xuống 291,37 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 76,4 triệu đơn vị, giá trị 1.486,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 11,2 triệu đơn vị, giá trị 427,9 tỷ đồng.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự HNX, khi UpCoM-Index chỉ chớm xanh lúc mở cửa, và sau đó yếu dần và ngày một lùi về các mức thấp hơn cho đến khi kết phiên.

Trên bảng, cũng chỉ còn 3 mã KSH, QTP và VHG giữ được mức tăng, còn lại đều mất điểm, trong đó, BSR -3,6% xuống 15.900 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 5,94 triệu đơn vị.

Giảm khá sâu khác còn có DDV -5% xuống 11.400 đồng, OIL -4,3% xuống 13.400 đồng, AAS -4,1% xuống 9.300 đồng, G36 -5% xuống 11.500 đồng…

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 1,16 điểm (-1,41%), xuống 80,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,6 triệu đơn vị, giá trị 392,55 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,84 triệu đơn vị, giá trị 13 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục