Trong phiên hôm qua, thị trường bật tăng từ khá sớm và tiến tới gần ngưỡng cản 1.300 điểm khá nhanh, nhưng thêm một lần, khi chưa chạm tới mốc điểm này, VN-Index đã bị đẩy ngược về gần tham chiếu.
Thậm chí, sắc đỏ tiếp tục lan rộng sau giờ nghỉ trưa khi bên bán gia tăng sức ép. Tuy nhiên, lực bán không quá lớn, trong khi nhóm Vingroup, đặc biệt là VHM vẫn nỗ lực phát huy vai trò hỗ trợ, qua đó, giúp VN-Index chỉ giảm nhẹ khi đóng cửa.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 15/10, diễn biến cũ lặp lại, khi VN-Index có nhịp tăng từ sớm và đảo chiều nhanh sau đó về gần tham chiếu. Lần này chỉ khác là việc chỉ số chỉ sớm chạm gần 1.295 điểm đã yếu đà, thanh khoản toàn thị trường cũng có dấu hiệu suy giảm khi sự thận trọng và phân hóa gia tăng trên bảng điện tử.
Giao dịch nhìn chung khá buồn tẻ khi đa phần các cổ phiếu đều ít biến động, ngoại trừ một vài cái tên riêng lẻ như ở các mã nhỏ bất động sản, xây dựng là TLD, VRC, CIG, QCG, VPH khi tăng từ hơn 3% đến gần 7%, dù thanh khoản không thực sự ấn tượng.
Trong khi đó, cổ phiếu DIG bất ngờ bị bán mạnh, có thời điểm gần xuống mức giá sàn, khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn với hơn 10 triệu đơn vị sau hơn 1 giờ giao dịch.
Giao dịch vẫn nhạt nhòa trong nửa sau của phiên. Chỉ số VN-Index lùi về quanh tham chiếu và có hai nhịp giằng co với biên độ rất thấp trước khi kết phiên không đổi.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 108 mã tăng và 232 mã giảm, VN-Index đứng tại 1.286,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch 357,3 triệu đơn vị, giá trị 8.045,6 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12 triệu đơn vị, giá trị 320 tỷ đồng.
Nhóm các cổ phiếu trụ cột VN30 phân hóa mạnh và tiếp diễn trạng thái biên độ giá biến động ở mức thấp, đa số chỉ dưới 1%.
Cụ thể, ở phía những mã tăng, nhích hơn 1% chỉ còn BID +1,8% lên 50.300 đồng, VIB +1,1% lên 19.250 đồng và ở chiều ngược lại, duy nhất cổ phiếu PLX mất 2,9% xuống 43.150 đồng, còn lại những cái tên như GAS, VIC, VJC, VRE, VHM, BCM giảm không đáng kể.
Dù vậy, cũng như nhiều phiên gần đây, nhóm ngân hàng vẫn là nhóm hút giao dịch nhất, với VPB khớp lệnh cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường khi có hơn 33,2 triệu đơn vị. Các cổ phiếu TCB, VIB, CTG, TPB, MBB, SHB cũng thuộc top cao nhất sàn khi có từ hơn 6 triệu đến hơn 9,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không khác biệt nhiều so với đầu phiên, với một số cái tên đã nêu như, CIG, QCG, VPH tăng mạnh từ gần 6% đến 7%, với VPH khớp lệnh cao nhất khi có hơn 1,56 triệu đơn vị.
Trái lại, sắc đỏ dù mở rộng, nhưng đa số cũng chỉ giảm nhẹ và đáng kể vẫn là DIG, dù thu hẹp đà giảm nhưng vẫn để mất hơn 5% xuống 20.100 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau VPB trên sàn với hơn 15,7 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã đảo chiều xuống dưới tham chiếu từ giữa phiên khi sắc đỏ bao phủ các mã lớn.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index giảm 1,03 điểm (-0,44%), xuống 229,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,4 triệu đơn vị, giá trị 473,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,28 triệu đơn vị, giá trị 1,23 tỷ đồng.
Các mã lớn như CEO, PVS, MBS, IDC, PVI đều giảm, dù mức giảm ở mức thấp, trong khi SHS, HUT, VCS, BAB cũng chỉ có được giá tham chiếu. Khớp lệnh CEO cao nhất sàn với hơn 4,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu đáng chú ý là ba cổ phiếu nhỏ AMV, SPI tăng trần lên 2.300 đồng và 3.700 đồng, cùng NRC +6,6% lên 3.500 đồng, khớp từ 0,35 triệu đến hơn 0,68 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã giảm về dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên cầm cự giữ sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,12 điểm (-0,13%), xuống 92,26 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,7 triệu đơn vị, giá trị 237,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,5 triệu đơn vị, giá trị 202,8 tỷ đồng.
Một vài cổ phiếu còn tăng điểm là BSR nhích gần 2%, MSR +4,8% lên 13.200 đồng, LTG +5,4% lên 9.800 đồng.
Phần còn lại, ngoài HNG, KVC, ABB, DFF đứng tham chiếu thì các mã khớp lệnh cao nhất đều giảm, với mức giảm trên dưới 2%, như BSR -2,1% xuống 23.100 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với gần 3,6 triệu đơn vị.