Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/4: VIC cứu cả thị trường "xanh vỏ đỏ lòng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số mã giảm điểm gấp ba số mã tăng điểm nhưng VN-Index tiếp tục lập kỷ lục mọi thời đại, VIC là mã chắp đôi cánh để chỉ số bay xa.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 13/4: VIC cứu cả thị trường "xanh vỏ đỏ lòng"

Trong phiên hôm qua, điểm nhấn đến từ khả năng xử lý lệnh của sàn HOSE bất ngờ được cải thiện mà không có thông báo trước, dòng tiền chảy mạnh ngay từ đầu phiên đã giúp VN-Index bay cao.

Trong phiên chiều, khi tổng giá trị giao dịch vượt 15.000 - 16.000 tỷ đồng, giao dịch vẫn diễn ra bình thường, nhà đầu tư dường như cảm nhận rõ hơn, khiến đà hưng phấn tăng cao và thúc đẩy VN-Index tăng lên trên 1.252 điểm khi đóng cửa và thanh khoản thiết lập kỷ lục mới hơn 21.500 tỷ đồng.

Vào cuối ngày, HOSE đã chính thức lên tiếng và cho biết, đã có thêm một vài cải tiến về kỹ thuật vận hành, giúp cải thiện hiệu quả xử lý của hệ thống. Nhờ đó, tình trạng quá tải hệ thống được giảm bớt, hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản.

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 13/4, ngay trong phiên ATO, dòng tiền cuồn cuộn chảy mạnh vào thị trường, giúp VN-Index tăng thẳng đứng lên gần 1.265 điểm.

Mặc dù vậy, dường như những cải thiện hệ thống mới của HOSE vẫn chưa thực sự mượt mà, khi có thời điểm bảng điện tử lại xảy ra hiện tượng “loạn nhịp giá” trong một số thời điểm.

Trở lại với diễn biến, sau có có nhịp nghỉ về dưới 1.260 điểm, chỉ số đã nhanh chóng trở lại đường đua và tiến lên mốc cao mới trên 1.265 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số phần lớn được hỗ trợ từ một vài mã lớn, đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC, khi đã chạm mức giá trần +7% lên 141.200 đồng sau thông tin tập đoàn này đang lên kế hoạch IPO Vinfast tại sàn Nasdaq của Mỹ.

Cụ thể, Bloomberg vừa đưa tin, Tập đoàn Vingroup (VIC) đang xem xét đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ đối với công ty sản xuất ô tô VinFast, dự kiến huy động khoảng 2 tỷ USD. VinFast kỳ vọng vào mức định giá ít nhất 50 tỷ USD sau khi niêm yết. Nếu thương vụ này được thực hiện như kế hoạch, VinFast sẽ trở thành công ty Việt Nam đầu tiên niêm yết tại Mỹ.

Một số cổ phiếu khác tăng tốt hỗ trợ thêm như TPB tăng hơn 5%, MSN tăng hơn 4%, NVL, VRE, MWG và VPB tăng trên dưới 2%.

Còn lại trên bảng chính, áp lực phân hóa mạnh, dòng tiền chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu nhất định như ITA, HQC, HNG, ROS, HAI, AMD, SJF, TNI…khi tất cả đều tăng vọt lên sắc tím, hoặc có thời điểm chạm sắc tím. Trong đó, ROS đang dư mua giá trần gần 13 triệu đơn vị, còn ITA đang khớp lệnh cao nhất HOSE với gần 40 triệu đơn vị, bỏ khá xa phần còn lại.

Đáng chú ý, các chứng quyền của VIC đã hưởng lợi từ cổ phiếu cơ sở và đều tím lịm như CVIC2004, CVIC2005, CVIC 2101, CVIC2102…

Sau khi vượt 1.265 điểm, thị trường tiếp tục hướng đến 1.270 điểm rất nhanh, nhưng rõ ràng với bảng điện tử phân hóa, nhiều nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy mất an toàn, và nhanh chóng xả hàng ồ ạt khiến sắc đỏ lan rộng, thậm chí tưởng chừng không gì xô đổ được mức giá trần của VIC, nhưng điều đó đã xảy ra. Hành động bán nhanh chóng và dứt khoát khiến VN-Index đổ đèo và xuống dưới tham chiếu.

Tuy vậy, may mắn là VIC đã trở lại sắc tím và một vài bluechip đứng vững đã kéo chỉ số trở lại trên tham chiếu vào những phút cuối.

Chốt phiên, sàn HOSE có 130 mã tăng và 294 mã giảm, VN-Index tăng 3,48 điểm (+0,20%), lên 1.255,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 838 triệu đơn vị, giá trị 18.173,3 tỷ đồng, tăng 34% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 23,8 triệu đơn vị, giá trị 1.373,1 tỷ đồng.

Điểm sáng lớn nhất, tất nhiên vẫn thuộc về VIC, khi tăng trần +7% lên 141.200 đồng, khớp hơn 3,54 triệu đơn vị và giao dịch sôi động ở khối ngoại, khi mua ròng gần 800.000 đơn vị.

Các cổ phiếu bluechip khác còn tăng đáng kể chỉ có MSN +2,7% lên 94.400 đồng, TPB +2,6% lên 29.900 đồng, VPB +1,8% lên 49.900 đồng, VHM +1,3% lên 103.100 đồng, còn VNM, MWG, NVL, VRE chỉ còn nhích nhẹ.

Phần còn lại ngoài VCB, VJC và PDR đứng tham chiếu thì đều giảm, với TCH mất điểm sâu nhất, -4,1% xuống 24.850 đồng, BVH -2,2% xuống 61.000 đồng, POW -2,1% xuống 13.950 đồng, SSI -2,1% xuống 35.750 đồng.

Nhóm SBT, MBB, HPG, KDH, GAS, CTG, STB giảm từ 1,3% đến 1,7%, trong khi REE giảm nhẹ nhất khi chỉ -0,4% xuống 53.400 đồng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị chốt lời mạnh ở nửa sau của phiên và phần lớn đảo chiều xuống sắc đỏ.

Một vài cổ phiếu còn nhích lên đáng kể như mức giá trần của ROS +6,9% lên 6.470 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HOSE với hơn 56,57 triệu đơn vị nhờ lượng dư mua trần khủng nủa đầu phiên được hấp thụ mạnh và kết phiên chỉ còn dư mua trần hơn 2,65 triệu đơn vị.

Nhích lên khác có ITA +6,7% lên 8.430 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau ROS với 56,2 triệu đơn vị, HQC +4,7% lên 4.250 đồng, khớp 46,3 triệu đơn vị, DLG =2,7% lên 3.800 đồng, khớp 34,3 triệu đơn vị…

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng chịu áp lực bán mạnh từ toàn thị trường ảnh hưởng và chìm vào sắc đỏ sau nửa đầu phiên tăng tích cực, nhưng với nhịp nảy trở lại vào những phút cuối đã giúp HNX-Index gần như không đổi so với giá tham chiếu.

Các cổ phiếu tăng điểm lác đác còn SHB +2% 25.900 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 20,2 triệu đơn vị.

Một vài cổ phiếu khác còn tăng như AMV +4,4% lên 12.900 đồng, cùng các mã nhỏ KLF tăng trần, ACM +5,1%, TTH +6,8%, VIG +3,8%...

Còn lại đều yếu đi, đáng kể có CEO -3,8% xuống 12.800 đồng, IDC -3,3% xuống 38.000 đồng, SHS -2,5% xuống 31.600 đồng, MBS -2,2% xuống 26.300 đồng, BVS -2,7% xuống 24.800 đồng,…

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 67 mã tăng và 135 mã giảm, HNX-Index giảm 0,23 điểm (-0,08%), xuống 295,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 160 triệu đơn vị, giá trị 2.688,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 3,6 triệu đơn vị, giá trị 85,6 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index giữ được sắc xanh không lâu sau khi mở cửa, vàcũng nhanh chóng lùi về dưới tham chiếu, tạo đáy vào giữa phiên, trước khi nảy nhẹ trở lại vào những phút cuối.

Giao dịch tập trung khá lớn vào BSR, với hơn 18,2 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng mã này lại giảm 3,4% xuống 16.900 đồng.

Các cổ phiếu có thanh khoản tốt khác và tăng điểm chỉ còn KSH, VHG, SBS, ATB, TVN, trong khi ABB, BVB, VGT, OIL giảm giá, khớp lệnh từ hơn 2 triệu đến 9,2 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,74%), xuống 83,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,68 triệu đơn vị, giá trị 1.092,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,34 triệu đơn vị, giá trị 126,9 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục