Giao dịch chứng khoán phiên sáng 12/10: Áp lực bán gia tăng, VN-Index rung lắc khi test mốc 1.400 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 6 phiên tăng liên tiếp, VN-Index lên mức đỉnh 3 tháng, nhưng khi tiếp cận ngưỡng 1.400 điểm sáng nay (12/10), lực bán chốt lời gia tăng khiến thị trường rung lắc.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 12/10: Áp lực bán gia tăng, VN-Index rung lắc khi test mốc 1.400 điểm

Trong phiên hôm qua (11/10), điểm nhấn của thị trường đến từ nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng, khi đã rất lâu rồi mới có một phiên khởi sắc, cùng không ít các mã lớn khác cộng hưởng đà tăng, bên cạnh dòng tiền chảy mạnh đã kéo VN-Index tăng hơn 21 điểm lên gần 1.395 điểm khi đóng cửa.

Thị trường vượt cản quan trọng ở khu vực 1.380 điểm mang đến sự hưng phấn cho nhà đầu tư, tuy nhiên do đây là khu vực gần đỉnh kỷ lục mọi thời đại của VN-Index ở mốc 1.420 điểm nên cũng cần có sự cảnh báo nhất định.

Đầu tiên đó là là việc bứt phá của VN-Index chủ yếu nhờ nhóm trụ gồm thép, ngân hàng, và một vài mã bất động sản vốn hóa lớn chứ chưa nhận được sự đồng thuận của toàn thị trường nên sự rung lắc là khó tránh khỏi khi nhóm mã trụ điều chỉnh. Về mặt kỹ thuật, thị trường đang để hiện sự hưng phấn "quá đà" khi phiên hôm qua (11/10) đã mở gap khoảng 4 điểm ngay đầu phiên nên rất có thể thị trường cần điều chỉnh lại ở khu vực 1.374 điểm để lấp gap trước khi bước vào đà tăng mới.

Ngoài ra, việc thị trường đang hút dòng tiền về nhóm VN30 sẽ khiến nhiều mã penny và midcap vốn tăng tốt trước đây khó nhận được lực đẩy cần thiết, thậm chí có một số mã sẽ chịu áp lực chốt lời do nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục sang nhóm mã trụ.

Tất nhiên về tổng thể, khi thị trường đã có phiên bứt tốc tốt thì cũng có nghĩa khả năng mở xu hướng tăng ngắn hạn là khá rõ, các nhịp điều chỉnh giảm chính là các cơ hội mua vào. Câu chuyện muôn thủa là chọn mã nào cho danh mục của mình.

Về diễn biến giao dịch phiên sáng nay (12/10), tận dụng tâm lý của 6 phiên tăng liên tiếp trước đó, thị trường đã ngay lập tức tăng mạnh ngay khi mở cửa và chạm mốc 1.400 điểm.

Mặc dù vậy, điểm số có được chỉ nhờ vào một số bluechip, trong khi áp lực bán có phần đang cao, tuy không mạnh nhưng lại trên diện rộng khiến bảng điện tử dần bị sắc đỏ chiếm thế áp đảo đã khiến VN-Index đuối dần, thậm chí có thời điểm về dưới tham chiếu, trước khi nảy nhẹ trở lại sau hơn 1 giờ giao dịch.

Tâm điểm giao dịch đang là một số cổ phiếu vừa và nhỏ, với đa số là các mã bất động sản, xây dựng như FLC, hiện đang khớp lệnh cao nhất HOSE và bỏ xa phần còn lại, hay như HAR, DRH, VRC khi đều tăng kịch trần, thanh khoản tương đối cao.

Nhóm nhà Louis phân hóa với TGG tiếp tục nằm sàn -6,9% xuống 28.550 đồng và dư bán giá sàn hơn 1,1 triệu đơn vị. Trong khi đó, TDH và BII và VKC đều tăng, thậm chí VKC còn tăng kịch trần.

Một mã khác cũng đang gây sốt là tân binh KSF, khi leo lên sắc tím tại 68.300 đồng và vẫn trong tình trạng lệnh mua ùn ứ với khối lượng dư mua giá trần hơn 1,2 triệu đơn vị.

Nửa sau của phiên, mặc dù sắc xanh có trở lại nhiều hơn trên bảng điện tử, nhưng nhóm bluechip phân hóa, đã chỉ đủ giúp cho VN-Index cân bằng và ổn định hơn ngay trên tham chiếu không xa.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 182 mã tăng và 209 mã giảm, VN-Index tăng 2,86 điểm (+0,21%), lên 1.396,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 452,1 triệu đơn vị, giá trị 13.323 tỷ đồng, tăng 10% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 16,3 triệu đơn vị, giá trị 856 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chia đôi ngả, với rổ VN30 có 14 mã tăng, 13 mã giảm cùng HPG, VCB, KDH đứng tham chiếu.

Biên độ giá cũng chỉ ở mức thấp, với tăng cao nhất là MWG cũng chỉ +1,8% lên 131.800 đồng, POW +1,2% lên 12.550 đồng, VRE +1,1% lên 30.800 đồng. Ở chiều ngược lại, PDR -0,9%, NVL, PNJ, VPB cùng giảm 0,8%.

Về thanh khoản, HPG dẫn đầu với hơn 10,8 triệu đơn vị khớp lệnh, POW có gần 10 triệu đơn vị, và nhóm ngân hàng với CTG, STB, TCB, MBB khớp từ 6,7 triệu đến 9,7 triệu đơn vị.

Ở các mã khác, TCH đang hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm. Chốt phiên sáng nay, TCH tăng 0,88% lên 17.150 đồng với 2,26 triệu đơn vị được khớp.

Trên bảng điện tử, một số cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ giao dịch tích cực hơn phần còn lại với HAR, VRC tăng kịch trần, DRH +5,4% lên 21.300 đồng, NTL +5% lên 38.050 đồng, TDH +4,2% lên 11.050 đồng, NHA +4% lên 33.900 đồng, FIT +3,8% lên 12.350 đồng, IJC +3,7% lên 29.750 đồng, DIG +3,4% lên 34.750 đồng, DXS +3,4% lên 31.950 đồng…

Các mã HQC, FLC, LCG, SCR, KBC, DXG, GEX, DLG, BCG, ASM cũng có sắc xanh, nhưng mức tăng thấp hơn, với FLC khớp lệnh cao nhất với hơn 18,2 triệu đơn vị.

Đáng kể, cổ phiếu mới chuyển sàn SHB vươn lên trở thành cổ phiếu có thanh khoản cao nhất với hơn 18,4 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, TGG vẫn là đại diện, khi giảm sàn -6,9% xuống 28.550 đồng, khớp chỉ được 51.900 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 1,14 triệu đơn vị.

Các sắc đỏ khác tại một số nhóm ngành với các cổ phiếu riêng lẻ, nhưng phần lớn cũng chỉ giảm nhẹ như ROS, NKG, HNG, HAG, GMD, PAN, VND, VOS, HAI, IDI, VCI…khớp từ 1,7 triệu đến 7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực phân hóa cũng khá mạnh, nhưng nhờ sự khởi sắc của một vài mã lớn đã giúp HNX-Index tăng khá tốt từ sớm và duy trì sự ổn định trong gần cả phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 76 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index tăng 3,18 điểm (+0,85%), lên 377,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,2 triệu đơn vị, giá trị 1.471 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,56 triệu đơn vị, giá trị 11,3 tỷ đồng.

Tân binh KSF vẫn là điểm nhấn, khi tiếp tục leo lên sắc tím +10% lên 68.300 đồng, khớp chỉ hơn 10.000 đơn vị, và còn dư mua giá trần hơn 1,24 triệu đơn vị, giá trị vốn hóa vươn lên đứng thứ 2 trên sàn HNX, chỉ sau THD.

Các cổ phiếu lớn khác thúc đẩy chỉ số như PVS +3,2% lên 29.400 đồng, NDN +4,1% lên 22.700 đồng, TVC +1,8% lên 17.200 đồng, NVB +3,2% lên 29.100 đồng.

Các cổ phiếu SHS, TNG, IDJ, VCS chìm trong sắc đỏ, và IDC, CEO đứng tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu Louis là BII, VKC, SMT đồng loạt khởi sắc, trong đó, BII và VKC tăng kịch trần lên 13.500 đồng và 13.300 đồng, khớp lệnh BII hơn 2,2 triệu đơn vị, còn SMT +5,1% lên 18.500 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tăng từ sớm, nhưng chỉ giữ được sắc xanh sau nửa đầu phiên, trước khi đảo chiều xuống dưới tham chiếu trong phần còn lại của phiên sáng.

Cổ phiếu BSR nổi sóng, thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 19 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng mạnh 4,6% lên 22.800 đồng.

Cổ phiếu OIL ngay phía sau với hơn 2,8 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng 2% lên 15.400 đồng.

Các cổ phiếu tiếp theo như VHG, HHV, C4G, VGT đứng tham chiếu, còn ORS, KSH, TVN, LMH DTI giảm, khớp từ 1,09 triệu đến 2,27 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,19%), xuống 98,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,3 triệu đơn vị, giá trị 1.227,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,32 triệu đơn vị, giá trị 44,8 tỷ đồng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục