Trong phiên hôm qua, thị trường tiếp tục có phiên tăng nhẹ khi nhóm thép là động lực dẫn dắt đà tăng, trong khi nhóm dầu khí, VIC và thêm nhóm ngân hàng làm đối trọng để VN-Index không chạy quá nhanh.
Điểm tích cực là dòng tiền đã chảy mạnh, độ rộng thị trường nghiêng về phía các mã tăng. Đặc biệt, dòng tiền đã bắt đầu trở lại với nhóm bất động sản, giúp nhiều mã từ mức sàn của phiên sáng được kéo ngược lên mức giá trần trong phiên chiều.
Xu hướng dịch chuyển của dòng tiền này báo hiệu thị trường sẽ có những phiên giao dịch đầy hứng khởi và hấp dẫn như 1 tháng trước Tết Âm lịch.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 10/2, thị trường tiếp tục rung lắc, giằng co do nhóm bluechip phân hóa từ sớm, trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hoạt động tích cực, kéo độ rộng thị trường dần nghiêng về số mã tăng, qua đó, giúp VN-Index chủ yếu giao dịch trên vùng giá xanh và có thời điểm vượt 1.510 điểm sau hơn 1 giờ mở cửa.
Điểm nhấn trong phiên sáng nay thuộc về DIG. Sau khi phi thẳng một mạch từ giá sàn lên giá trần trong phiên hôm qua, đã tiếp tục chạm sắc tím.
Trong khi đó, POW nổi sóng, khi tăng hơn 4% với khối lượng khớp lệnh đang dẫn đầu HOSE.
Cặp đôi HAG-HNG cũng hút mạnh dòng tiền, khi giao dịch sôi động, giá cổ phiếu tăng trên dưới 3%,
Nhóm cổ phiếu thép, vốn là động lực chính của thị trường phiên hôm qua đã chững lại, dù phần lớn vẫn tăng điểm.
Sau khi vượt 1.510 điểm, thị trường đã nhanh chóng chùng xuống, thanh khoản cũng sụt giảm, áp lực bán gia tăng ở nhiều nhóm nghành, dù không quá lớn nhưng cũng đủ khiến VN-Index rơi về tham chiếu và rung lắc nhẹ cho đến khi kết phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 200 mã tăng và 227 mã giảm, VN-Index giảm 0,35 điểm (-0,02%), xuống 1.505,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 398,6 triệu đơn vị, giá trị 12.137,5 tỷ đồng, giảm 17% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 386 tỷ đồng.
Nhóm bluechip bị sắc đỏ dần lấn át, với 18 mã giảm trong rổ VN30, trong đó, VIC vẫn là cổ phiếu tạo gánh nặng lớn nhất khi tác động hơn 2 điểm tiêu cực đến VN-Index, kết phiên VIC -2,6% 83.500 đồng.
Các mã giảm khác còn có VJC -1,6% xuống 132.900 đồng, KDH -1,5% xuống 52.300 đồng.
Ở phía sau, phần lớn là các mã ngân hàng với HDB, VPB, TPB, STB, giảm từ 0,6% đến 0,9%. Các sắc đỏ khác cũng có tại NVL, MWG, SSI, VHM, BVH…
Ở chiều ngược lại, POW là điểm sáng hiếm hoi, khi bứt phá +3,4% lên 18.400 đồng, khớp lệnh vượt trội trong nhóm và cũng cao nhất HOSE với 22,59 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cùng với đó là GAS, MBB khi cùng tăng 1,5%, PLX nhích 1,3%, VRE +1% và xanh nhạt đến từ CTG, VCB, MSN, GVR…Trong đó, MBB cũng là điểm nhấn, khi thanh khoản chỉ đứng sau POW trên toàn sàn với 16,3 triệu đơn vị khớp lệnh.
Ngoài MBB, các mã ngân hàng khác cũng có thanh khoản cao, với CTG, ACB, SHB, VPB, TCB, LPB khớp từ hơn 4,3 triệu đến 7,7 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG-HNG tạo sự khác biệt, khi nằm trong số ít các cổ phiếu thanh khoản cao và tăng khá tốt.
Theo đó, HAG +2,4% lên 12.750 đồng, khớp 9,8 triệu đơn vị, còn HNG +3,4% lên 9.790 đồng, khớp hơn 9,2 triệu đơn vị.
Các mã tăng cao không còn nhiều, với các mã bất động sản, xây dựng là CII, NBB, VPH, NHA, DPG với mức tăng từ 3,4% đến 5,4%.
Ngoài ra, đáng kể nhất là nhóm QBS, DIG, APH, PTC, PXI khi đều tăng kịch trần, với DIG khớp hơn 2,7 triệu đơn vị, QBS khớp hơn 2,5 triệu đơn vị, APH khớp 1,79 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, một số tăng khá cao như BSI +3,7% lên 41.850 đồng, TVS +4,3% lên 46.500 đồng, VDS +4,5% lên 37.100 đồng, VIX nhích 1,7%, VCI +0,2%, HCM +0,1%, nhưng còn lại VND, FTS, CTS chìm trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu thép sau hai phiên bùng nổ đã hạ nhiệt, với HPG -0,3%, HSG -0,1%, TLH -1,8%, POM -0,3%, SMC -1,1% và NKG may mắn nhích hơn 1%.
Ở những nơi khác, FLC, GEX, DXG, TSC, KDC, NLG, FIT, MHC, ASM về dưới tham chiếu, nhưng mức giảm cũng chỉ trên dưới 1%, khớp lệnh FLC vượt trội với hơn 10,6 triệu đơn vị.
Trong khi ngược lại, ROS, HVN, PVD, AAA, KBC, LDG, HQC, SCR, TCH, LCG, FCN tăng điểm, dù mức tăng phần lớn cũng chỉ khiêm tốn, khớp từ 2,2 triệu đến hơn 7 triệu đơn vị.
Tân binh PGV của Tổng CTCP Phát điện 3 (EVNGENCO3) có phiên chào sàn ấn tượng, khi tăng vọt 6,1% lên 41.900 đồng, tuy chỉ có hơn 120.000 đơn vị khớp lệnh.
Trên sàn HNX, sự ủng hộ của một số mã lớn đã thúc đẩy HNX-Index tăng từ sớm, nhưng đáng tiếc không giữ được mức cao nhất trong phiên khi những phút cuối hạ nhiệt nhẹ.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 82 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index tăng 4,84 điểm (1,14%), lên 429,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,4 triệu đơn vị, giá trị 1.136,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,41 triệu đơn vị, giá trị gần 69 tỷ đồng.
Các mã lớn tăng mạnh ảnh hưởng đến chỉ số là IDC +4,92% lên 68.200 đồng, CEO +9,2% lên 60.400 đồng, L14 +9% lên 369.000 đồng.
Các cổ phiếu khác đáng chú ý như PVS +1,4% lên 28.600 đồng, APS +6,8% lên 31.400 đồng, NSH +4,8% lên 13.200 đồng và IDJ khi tăng kịch trần +9,8% lên 26.900 đồng.
Phần còn lại, KLF, AAV, TNG, DL1, LIG, BNA nhích lên, trong khi ART, EVS, TVC, PVL giảm điểm và các mã SHS, HUT, PVC, BII, MBG đứng tham chiếu.
Thanh khoản phiên này CEO cao nhất, với hơn 4,19 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp 3,29 triệu đơn vị, KLF khớp 2,3 triệu đơn vị, IDJ khớp 2,22 triệu đơn vị…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp tăng mạnh ngay khi mở cửa, sau đó hạ thấp độ cao và giằng co, rung lắc trong phần còn lại của phiên.
Giao dịch khá mờ nhạt ở các cổ phiếu hút dòng tiền mạnh nhất, với điểm nhấn chỉ còn ABB +6,5% lên 18.100 đồng, khớp 5,45 triệu đơn vị, VHG +3,5% lên 8.900 đồng, khớp 2,06 triệu đơn vị, PAS +3,3% lên 21.600 đồng, khớp 1,42 triệu đơn vị.
Còn lại nhích nhẹ là VGT, C4G, OIL, G36, NAB, CDO và TCI +2,8%, trong khi BVB, SBS, VAB, QTP, QNS giảm điểm, cùng BSR đứng tham chiếu tại 26.500 đồng, khớp lệnh cao nhất với 6,18 triệu đơn vị.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,18%), lên 112,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,57 triệu đơn vị, giá trị 705,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,22 triệu đơn vị, giá trị gần 9 tỷ đồng.