Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/3: Nhóm tài chính khoe sắc, dầu khí bị xả mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà sụt giảm của giá dầu thô đang tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu nóng gần đây là dầu khí, trong khi phần còn lại của thị trường giao dịch khởi sắc, nhất là ở nhóm cổ phiếu ngân hàng và công ty chứng khoán.
Giao dịch chứng khoán phiên sáng 10/3: Nhóm tài chính khoe sắc, dầu khí bị xả mạnh

Trong phiên hôm qua, thị trường từ sớm chứng kiến đợt rung lắc mạnh với biên độ hơn 18 điểm từ đỉnh tới đáy của phiên và giằng co nhẹ sau đó.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu tích cực hơn, dòng tiền hướng tới các nhóm hưởng lợi từ giá hàng hóa, vận tải như dầu khí, phân bón, vận tải biển. Sự khởi sắc của các nhóm ngành này, cùng với sự đóng góp của một số lớn đơn lẻ của nhóm ngân hàng, thép chỉ giúp VN-Index đóng cửa gần như không đổi, giữ được ngưỡng hỗ trợ 1.470 điểm là đường MA 100.

Nhóm cổ phiếu dầu khí, phân bón được hưởng lợi từ giá dầu và giá phân bón tăng đã liên tiếp thiết lập đỉnh ở nhiều mã và được kỳ vọng sẽ tiếp tục xác lập đỉnh cao mới. Tuy nhiên, khi đã gắn với giá dầu, thì nhóm cổ phiếu dầu khí cũng sẽ bấp bênh theo giá loại vàng đen này.

Trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam, giá dầu thô bất ngờ lao dốc với mức giảm từ 15% đến gần 17%, xuống mức trên dưới 110 USD/thùng.

Đà lao dốc của giá dầu thô khiến nhóm cổ phiếu dầu khí niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng lao theo trong phiên sáng nay. Ngay khi mở cửa, lực bán đã ồ ạt diễn ra tại nhóm dầu khí, phân bón, rồi lan sang cả nhóm thép, khiến nhiều mã trong nhóm này giảm mạnh.

Tuy nhiên, điểm tích cực là thị trường chứng khoán thế giới sau chuỗi 3 phiên giảm mạnh liên tiếp đã bật dậy mạnh mẽ trong phiên tối qua theo giờ Việt Nam.

Nhận ảnh hưởng tích cực từ thị trường quốc tế, chứng khoán trong nước mở cửa phiên sáng nay (10/3) đã có nhịp tăng mạnh tạo khoảng gap 3 điểm, bứt lên ngưỡng 1.485 điểm với hơn 320 cổ phiếu tăng giá.

Đặc biệt, trong khi nhóm dầu khí, phân bón, thép chịu áp lực chốt lời và từ sức ép của giá dầu thô lao dốc, thì nhóm cổ phiếu tài chính lại bất ngờ trở lại dẫn dắt VN-Index tăng điểm sáng nay. Bên cạnh đó, đà tăng của nhóm bluechip khác như nhóm Vingroup, BCM, SAB, cũng góp phần tạo nên sự khởi sắc của VN-Index sáng nay.

Cổ phiếu tâm điểm sáng nay thuộc về VND, khi giá cổ phiếu tăng kịch trần +6,8% lên 31.850 đồng, khớp lệnh dù chỉ gần 2 triệu đơn vị, nhưng đã dư mua giá trần lên tới hơn 15 triệu đơn vị.

Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng của VND theo tỷ lệ 100:80 và bán ưu đãi theo tỷ lệ 1:1 với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng cộng VND đã phát hành thêm hơn 782 triệu cổ phiếu mới trong đợt này.

Đà tăng của VND có lẽ đã có ảnh hưởng tích cực chung đến nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, khi những CTS, VDS, SSI, VCI, APG, VIX đều nhích trên dưới 2%, cá biệt TVB đang vọt hơn 5%, BSI tăng hơn 3%.

Trong khi đó, giá dầu thô trên thị trường thế giới sụt giảm mạnh đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí trong nước đồng loạt giảm, với PXS, PXI, PVD, PGD, ASP mất hơn 4%, các mã PLX, GAS, GSP, CNG giảm trên dưới 3%.

Thị trường sau những phút đầu bùng nổ đã chững lại khi tiến tới gần ngưỡng 1.490 điểm đã quay đầu hạ nhiệt nhẹ do dòng tiền dừng lại quan sát, thanh khoản suy giảm đáng kể so với phiên sáng hôm qua.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 318 mã tăng và 128 mã giảm, VN-Index tăng 12,11 điểm (+0,82%), lên 1.485,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 376,8 triệu đơn vị, giá trị 12.233,4 tỷ đồng, giảm 31% về khối lượng và 30% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 10,2 triệu đơn vị, giá trị 266,5 tỷ đồng.

Trong nhóm bluechip tại rổ VN30, các cổ phiếu nhà Vingoup nổi bật khi đóng góp tổng cộng hơn 3,5 điểm tích cực cho VN-Index. Trong đó, VRE +2,7% lên 32.450 đồng, VIC +2,4% lên 79.900 đồng, VHM +1,5% lên 75.100 đồng.

Tiếp theo là nhóm ngân hàng, khi đồng loạt tăng, với những mã tăng tốt nhất như BID +2,5% lên 41.500 đồng, MBB +2,4% lên 31.500 đồng, STB +2,3% lên 31.800 đồng. Các mã HDB, TCB, VPB, TPB, ACB, CTG tăng từ 0,7% đến 1,3% và chỉ còn VCB đứng tham chiếu.

Ở chiều ngược lại, cặp đôi ngành dầu khí GAS và PLX giảm mạnh nhất, nhưng mức giảm cũng được thu hẹp so với mức đáy trong phiên, với GAS -2,3% xuống 119.400 đồng, PLX -1,9% xuống 61.800 đồng.

Các mã giảm khác còn VJC, HPG, MWG, GVR, PDR, giảm nhẹ 0,4% đến 0,8%, MSN -1,6%, PNJ -1,9%.

Trong đó, HPG phiên này thanh khoản cao nhất trong nhóm và cũng lớn nhất HOSE với hơn 14,77 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu có hiệu suất vượt trội là TEG, CMX, SKG, TGG, KHP, DAG, PIT, khi đều tăng kịch trần. Các mã tăng mạnh khác đáng kể có IDI +6,7% lên 20.800 đồng, ITD +5,3% lên 16.950 đồng, ASM +4,3% lên 18.250 đồng, DAH +4,1% lên 14.100 đồng, FCN +4% lên 24.600 đồng, DIG +3,6% lên 91.300 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động nhất có mức tăng khá là HAG +2,1%, FLC +2%, BCG +2,6%, DXG +3,7%, PC1 +4,1%, TTF +3%, CII +2,6%, DLG +2,2%, với HAG khớp lệnh chỉ đứng sau HPG với 10,68 triệu đơn vị.

Sắc xanh khác còn tại nhiều cổ phiếu như ROS, DCM, HQC, HNG, GEX, ITA, AMD, HCB, TCH, SCR, NLG, HHS…khớp từ 2,1 triệu đến 6 triệu đơn vị.

Về các nhóm ngành, phiên này nhóm cổ phiếu thực phẩm, thủy sản đột ngột tăng tốc với ANV, VHC tăng kịch trần lên 41.350 đồng và 79.600 đồng, AAM +6,4% lên 16.700 đồng, ACL +6,3% lên 23.800 đồng, GIL +4,9% lên 79.600 đồng, FMC +4,9% lên 61.900 đồng, ABT +4,8% lên 43.700 đồng…

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với đàu tàu VND dẫn dắt cũng đã bật lên. Theo đó, VND giữ vững sắc tím tại 31.850 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 15,6 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm như BSI +3,9% lên 41.550 đồng, TVB +4,9% lên 22.600 đồng, CTS +2,1% lên 38.900 đồng, FTS +0,7%, SSI +1%, VIX +1,1%, HCM +1,5%, VCI +1,6%, APG +1,7%, AGR +1,7%.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí đồng loạt giảm, dù đà giảm cũng đã được hãm lại khá nhiều so với đầu phiên, ngoài GAS, PLX nêu trên thì ASP -4,1% xuống 16.200 đồng, PGD -3% xuống 35.900 đồng, CNG -2,8% xuống 38.900 đồng, GSP -2,6% xuống 16.600 đồng, PVD -2,4% xuống 39.900 đồng, PGC -2,1% xuống 26.250 đồng...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp bật mạnh ngay khi mở cửa và chững lại sau đó và đi ngang cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 143 mã tăng và 85 mã giảm, HNX-Index tăng 4,01 điểm (+0,9%), lên 448,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 79,87 triệu đơn vị, giá trị 2.052 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị 41 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ nổi lên với BII, VKC, ITQ, KVC đều tăng kịch trần, thanh khoản thuộc top cao nhất sàn, từ 1,6 triệu đến 3,58 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã tăng mạnh khác còn có HHG +7,6% lên 8.500 đồng, TVC +5,8% lên 23.800 đồng, SRA +4,4% lên 11.900 đồng, CEO +4,3% lên 67.900 đồng, FID +4% lên 7.800 đồng, trong khi KLF, SHS, TNG, ART, AMV nhích trên dưới 2%.

Trái lại, PVS, PVC, LAS kết phiên trong sắc đỏ, với PVS -2,8% xuống 38.300 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 10,9 triệu đơn vị, cổ phiếu PVC có thời điểm lùi về giá sàn, trước khi được kéo mạnh lên và kết phiên chỉ còn -0,6% xuống 34.200 đồng, khớp 3,78 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index mở cửa chớm đỏ, nhưng đã bật mạnh sau đó và dần tịnh tiến thêm cho đến khi kết phiên.

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 1,63 điểm (+1,43%), lên 114,99 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59 triệu đơn vị, giá trị 1.328,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,22 triệu đơn vị, giá trị 50,4 tỷ đồng.

Bảng điện tử, ở nhóm thanh khoản cao nhất, ngoài các cổ phiếu dầu khí BSR. OIL, PVP, PVO chịu áp lực chung từ nhóm cùng DRI giảm, thì còn lại đều tăng.

Trong đó, GEE nổi bật khi tăng kịch trần +14,9% lên 46.200 đồng, khớp hơn 3,79 triệu đơn vị.

Nhóm đầu cơ cũng vượt trội với VHG +7,1% lên 10.500 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 10,69 triệu đơn vị, CDO +13% lên 7.800 đồng, SDD +7,7% lên 8.400 đồng…

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ