Giao dịch chứng khoán phiên chiều 9/9: Lấy lại những gì đã mất ngày hôm qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản thị trường chưa bứt phá, nhưng với độ rộng tích cực cũng như sự góp sức của nhóm cổ phiếu lớn đã thúc đẩy VN-Index vượt qua ngưỡng 1.340 điểm.
Giao dịch chứng khoán phiên chiều 9/9: Lấy lại những gì đã mất ngày hôm qua

Sau phiên sáng bất thành trong việc chinh phục mốc cản 1.340 điểm, thị trường bước vào phiên chiều với sự thận trọng nối tiếp, khiến VN-Index gần như chỉ giằng co nhẹ quanh ngưỡng này.

Diễn biến chỉ khởi sắc hơn sau khoảng thời gian 14h, khi lực mua mạnh dạn hơn và tập trung vào không ít các mã lớn và nhóm ngân hàng đã có thêm một vài mã nới đà đi lên đã giúp VN-Index lên 1.345 điểm trước khi bị đẩy xuống đôi chút trong phiên ATC.

Đà tăng phiên hôm nay trùng khớp với diễn biến phiên hôm qua theo chiều ngược về số điểm, lẫn thanh khoản cũng tương đương. Điểm đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa, điều này cho thấy xu hướng phục hồi ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn và cổ phiếu nhỏ và vừa vẫn đang hút dòng tiền, đặc biệt các mã chưa tăng mạnh thời gian qua.

Với phiên tăng điểm hôm nay, đồ thị thị kỹ thuật chỉ số đã tích cực hơn, VN-Index vượt trở lại đường MA20, và duy trì vị thế nằm phía trên mây Ichimoku, MACD phân kỳ dương và tiếp tục cắt lên trên...

Đóng cửa, sàn HOSE có 274 mã tăng và 134 mã giảm, VN-Index tăng 10,37 điểm (+0,78%), lên 1.343,98 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 642,56 triệu đơn vị, giá trị 19.583 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 3% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49 triệu đơn vị, giá trị 1.626,7 tỷ đồng.

Lực nâng đỡ chỉ số trong hôm nay lớn nhất là MWG, khi đã nới đà tăng và áp sát mức giá trần khi đóng cửa +6,7% lên 118.900 đồng, đóng góp gần 1,5 điểm tích cực cho VN-Index.

Ngoài ra, còn phải kể đến PNJ +5% lên 90.500 đồng, TPB +4,7% lên 37.800 đồng, VJC +3,5% lên 129.000 đồng, PLX +2,6% lên 50.600 đồng, GVR +2,4% lên 39.950 đồng, MSN +2,3% lên 131.000 đồng, VPB +2,3% lên 63.400 đồng.

Sắc xanh khác còn có tại nhiều cổ phiếu như TCB, HPG VRE, KDH, BVH, POW, tăng từ 1% đến 1,7%, còn lại tăng nhẹ là ACB, GAS, CTG, BID, MBB STB, FPT.

Ở chiều ngược lại, PDR là cổ phiếu giảm mạnh nhất, mất 2,1% xuống 82.400 đồng, trong khi các mã đỏ chỉ giảm nhẹ như HDB -1,3%, NVL -0,8%, VIC -0,8%, VCB -0,4%...

Ngoài các mã lớn, giao dịch tích cực hơn còn nhờ vào sức bật ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, khi không ít đã nới đà tăng với APH, CCL tăng hết biên độ và TEG, FLC, DXG, LCG, HCD, TCD, LHG, IJC, SGR, PC1, IDI tăng mạnh từ 2,8% đến 5,2%.

Trong phiên sáng, nhóm cổ phiếu hàng không và dịch vụ hàng không đã tăng mạnh và tiếp tục đứng vững cho đến khi đóng cửa với sắc tím tại HVN và AST, VJC nêu trên, SGN +2,5% lên 66.600 đồng, NCT +1,9% lên 75.800 đồng.

Các cổ phiếu vận tải, logistics cũng diễn biến tương tự, ngoài sắc tím tại VNL, TCO, VOS, thì HAH +4,9% lên 68.800 đồng, TMS +4,7% lên 69.400 đồng, TCL +1,7% lên 39.650 đồng, CLL +1,6% lên 34.750 đồng…

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán ngoài SSI điều chỉnh nhẹ thì cũng đồng loạt tăng, với APG là tâm điểm khi lên mức giá trần tại 21.950 đồng, FTS +3,5% lên 56.700 đồng. Đáng tiếc là HCM, VND, VCI, CTS, VIX có chỉ được mức tăng khiêm tốn.

Các cổ phiếu thép tương tự phiên sáng, chỉ có HSG nới đà tăng +3,3% lên 44.900 đồng, SHI +3,1% lên 19.900 đồng, TLH giữ nguyên mức tăng 1,9% của phiên sáng, còn NKG, POM tăng nhẹ.

Một số penny khác như SJF, KMR, TDG, QBS, LCM, VAF cũng đã hút mạnh dòng tiền và đều tăng kịch trần khi đóng cửa, với SJF khớp được hơn 5,29 triệu đơn vị, QBS khớp 2,11 triệu đơn vị.

Ngoài ra, không thể không kể đến TGG, khi chưa cho dấu hiệu hạ nhiệt và đón nhận phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp lên 43.150 đồng, và phiên này chỉ khớp được hơn 31.000 đơn vị khi lệnh mua luôn sẵn sàng, trong khi lực cung hạn chế.

Ở chiều ngược lại, FIT thu hẹp đà giảm, từ mức giá sàn trong phiên đã chỉ còn -4,1% xuống 17.500 đồng, khớp hơn 33,2 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG về thanh khoản trên sàn.

Hiện tượng VMD có phiên thứ 4 liên tiếp giảm sàn -6,9% xuống 61.900 đồng và mất thanh khoản, khi chỉ khớp lệnh được 2.900 đơn vị với lượng dư bán hơn 200.000 đơn vị.

Trên sàn HNX, sự suy yếu của SHB đã được bù đắp nhờ đà tăng của nhiều cổ phiếu khác, giúp HNX-Index sau ít phút rung lắc cũng đã tìm đến mức giá gần như cao nhất trong phiên khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 115 mã tăng và 61 mã giảm, HNX-Index tăng 3,17 điểm (+0,91%), lên 350,44 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 107,1 triệu đơn vị, giá trị 2.215 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 17 triệu đơn vị, giá trị 340,1 tỷ đồng.

Phiên này, CEO trở thành tâm điểm, khi tăng trần +9,4% lên 10.500 đồng. Cùng CEO, PVG, VC2, CAG, BII cũng có được sắc tím khi đóng cửa.

Ngoài ra là IDC +7,1% lên 45.000 đồng, BCC +6,5% lên 19.600 đồng, TNG +3,3% lên 31.300 đồng, IDJ +8,4% lên 24.400 đồng, PLC +3,5% lên 40.900 đồng, PVS +3,2% lên 26.000 đồng.

Mất điểm có SHB, ART, NDN, AMV, nhưng mức giảm không đáng kể, với SHB -0,4% xuống 26.400 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với hơn 12,38 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, giằng co quanh tham chiếu tiếp diễn ngay sau khi giao dịch trở lại, nhưng với sự tích cực chung trên thị trường, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tăng dần ổn định và lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Trong top các mã giao dịch sôi động nhất, ngoài hai mã nhỏ KSH và KHB tăng trần, SBS và LMH đứng tham chiếu thì còn lại đều cũng đã tăng điểm.

Trong đó, DDV +11,2% lên 25.800 đồng, TNV +7,2% lên 16.300 đồng, MSR +5% lên 22.900 đồng, còn BSR chỉ +1,1% lên 18.100 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,47 điểm (+0,5%), lên 94,83 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,88 triệu đơn vị, giá trị 1.333,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,9 triệu đơn vị, giá trị 65,8 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng, với VN30F2109 tăng 14,9 điểm (+1,04%), lên 1.446 điểm, khớp lệnh có hơn 155.000 đơn vị, khối lượng mở gần 33.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa mạnh diễn ra và đáng chú ý là giao dịch phiên này đột biến với 9 mã có khối lượng khớp lệnh từ hơn 1 triệu đến gần 2,4 triệu đơn vị.

Trong đó, CTCB2106 và CMBB2104 khớp 2,38 triệu và 2,02 triệu đơn vị, nhưng cả hai đều giảm lần lượt 10,4% xuống 1.640 đồng/cq và 29,7% xuống 1.850 đồng/cq.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ